Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 4: Gặp nhau ở tần số nào?
Xác định được điểm cân bằng tối ưu, đó là khi kinh tế và môi trường gặp nhau ở cùng tần số.
>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 3: Bàn về tài chính khí hậu
Mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là điều mà mỗi người có thể nhìn thấy. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thiên tai, dịch bệnh xảy đến hơn. Tan chảy băng ở Parkistan gây ngập lụt, tạo áp lực lên các tuyến đường thủy; bão, lũ ở Philippines và Hoa Kỳ xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn và sức tàn phá cũng ngày một lớn hơn; một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả) hay sự xuất hiện của các dịch bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1).
Trước tình hình đó, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra kế hoạch để giảm thiểu và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu qua 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2030; giai đoạn 2 từ năm 2030 đến năm 2040; giai đoạn 3 từ năm 2040 đến năm 2050; giai đoạn 4 từ sau năm 2050.
Kèm theo là 3 biện pháp thiết yếu: (1) Áp dụng các chương trình hành động khí hậu; (2) Từ bỏ luận điểm chú trọng vào chi phí; (3) Chuyển sang tập trung vào tăng trưởng và thành tựu kinh tế.
>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 2: Hoán đổi nợ xanh trên thế giới
Tìm tần số giữa kinh tế và môi trường
Tần số là khái niệm phổ biến trong cuộc sống, dùng để đo lường các tín hiệu tự nhiên hay mức độ xuất hiện của các hiện tượng khoa học. Tài chính và môi trường là 2 lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng đối với chiến lược phát triển của nhiều nền kinh tế.
Một câu hỏi được đặt ra là đâu sẽ là bên có lợi nhất trong những thỏa thuận hoán đổi nợ xanh và tài chính khí hậu? Thật khó để có câu trả lời hoàn hảo vì không phải lúc nào cũng có lời giải cho bài toán cân bằng lợi ích giữa kinh tế hay môi trường. Tại Việt Nam, hai nhân tố kinh tế và môi trường đều được xem là quan trọng và chính phủ Việt Nam luôn cố gắng tìm sự cân bằng trong các quyết định.
Gần đây, chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam đã chính thức khởi động vào tháng 02/2023 với nhiều hoạt động như đào tạo và chia sẻ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế tài chính và truyền tải thông điệp liên quan đến các vấn đề về khí hậu, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Đây là chuỗi dự án do chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ nhằm hỗ trợ trực tiếp các dự án khí hậu trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính. Ngoài ra, Chương trình cũng hướng đến việc xây dựng năng lực để phát triển được các dự án; tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư và tổ chức cho vay ưu đãi; cơ hội kết nối mạng lưới với các bên liên quan trong lĩnh vực tài chính khí hậu; đạt được các mục tiêu phát thải các-bon thấp.
Thông qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học. Các lĩnh vực thuộc phạm vi hỗ trợ của Chương trình bao gồm (nhưng không giới hạn): năng lượng tái tạo; hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; phương tiện giao thông điện; cấp nước; xử lý nước thải; quản lý chất thải; sản xuất năng lượng từ rác thải; sản xuất phát thải các-bon thấp; nông nghiệp xanh; phi các-bon hóa trong lĩnh vực xây dựng.
Tuy vậy, hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào những cam kết hỗ trợ từ quốc tế. Vào tháng 01/2023, Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng ba bên Australia - Nhật Bản - Hoa Kỳ (TIP), bao gồm các tổ chức tài chính Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tài trợ Xuất khẩu Australia (EFA) dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ quốc gia 3 nước Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc đã công bố tuyên bố chung về Khung tài chính khí hậu Việt Nam (VCFF), trong nỗ lực cắt giảm khí thải các-bon của Việt Nam. Theo đó, VCFF sẽ tài trợ quá trình chuyển đổi năng lượng dưới hình thức các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam trong mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính (GHG) bằng 0 vào năm 2050.
(Đón đọc bài 5: Một số chính sách đề xuất cho Việt Nam)