Các định chế quốc tế lo ngại về hệ thống tài chính toàn cầu không ổn định

DIỄM NGỌC 22/10/2023 05:04

Các báo cáo do hàng loạt nhà kinh tế và cơ quan quản lý hàng đầu công bố cho thấy, mối lo ngại về sự ổn định tài chính toàn cầu đang gia tăng với nhiều lỗ hổng bất chấp nỗ lực hạn chế rủi ro hệ thống.

>>Khủng hoảng thanh khoản rình rập hệ thống tài chính toàn cầu

Theo SCMP đưa tin, các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã diễn ra trong tháng này tại Maroc, vào thời điểm các báo cáo quan trọng về tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu được công bố.

Hồi đầu năm nay, những vấn đề mà Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Credit Suisse gặp phải đã ngầm nhấn mạnh về sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu

Hồi đầu năm nay, những vấn đề mà Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Credit Suisse gặp phải đã ngầm nhấn mạnh về sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu (ảnh: Reuters)

Triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu suy yếu. Ngoài xung đột Nga-Ukraine, chiến sự nổ ra ở Dải Gaza đã đẩy giá dầu lên trên 90 USD/thùng.

Hồi đầu năm nay, những vấn đề mà Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Credit Suisse gặp phải đã ngầm nhấn mạnh về sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, hành động nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và chính quyền Thụy Sĩ sau đó đã xoa dịu phần nào lo lắng trên thị trường.

Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu của IMF được công bố đầu tháng này đã cảnh báo rằng, vẫn còn những lỗ hổng đáng chú ý như giá trị bất động sản toàn cầu cao gấp nhiều lần GDP, do đó, giá bất động sản giảm sẽ ảnh hưởng đến tài sản nhiều lần. Lịch sử đã chỉ ra rằng, các ngân hàng rất dễ bị tổn thương trước những biến động của bất động sản vì nó là tài sản thế chấp phần lớn cho tín dụng ngân hàng.

“Tại các nền kinh tế tiên tiến, giá nhà thực tế đã giảm 8,4% trong quý đầu tiên của năm 2023, trong khi các thị trường mới nổi chứng kiến mức giảm nhỏ hơn khoảng 2,4%. Với lãi suất cao hơn đáng kể so với đầu năm 2022, chúng ta sẽ thấy tác động của lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đối với bất động sản, đặc biệt là bất động sản thương mại trong những tháng tới”, báo cáo của IMF nêu.

Đặc biệt, IMF đã nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với tài sản ngân hàng. Một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống tài chính là làm thế nào để tăng nhu cầu đầu tư và tài trợ hiện tại cho các hành động chống biến đổi khí hậu trước sự gia tăng của thiên tai và xung đột, rủi ro ngày càng tăng,...

Còn theo Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) - cơ quan này được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để điều phối ổn định tài chính toàn cầu, cũng đã công bố báo cáo thường niên trong tháng này. Báo cáo cho biết, khuôn khổ cơ bản và hành động nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng SVB và Credit Suisse đã ngăn chặn được những rắc rối lớn hơn, nhưng những lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng, bao gồm cả những thay đổi lớn về bản chất của rủi ro. Đồng thời FSB cũng đang dành nhiều thời gian hơn để theo dõi thị trường tiền điện tử.

>>Dòng vốn đầu tư vào startup Việt sụt giảm bởi biến động kinh tế - tài chính toàn cầu

Chuyên gia tài chính châu Á - ông Andrew Sheng đánh giá, vấn đề cơ cấu quan trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu là hệ thống tài chính thế giới có khoảng 486,6 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, trong đó các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI) chiếm 239,3 nghìn tỷ USD, tương đương 49,2% tổng tài sản tài chính.

“Nói cách khác, thế giới được chia thành một nửa tài sản của hệ thống ngân hàng được quản lý chặt chẽ và một nửa NBFI được quản lý có phẩn lỏng lẻo. Mặc dù FSB đã cố gắng quản lý các tổ chức tài chính phi ngân hàng, nhưng luôn gặp rào cản bởi các nhà quản lý quỹ”, vị chuyên gia nhận xét.

Một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận khác cũng vừa đưa ra hai báo cáo quan trọng về giám sát, điều tiết ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB và về vai trò của chính sách tiền tệ, tài khóa trong các vụ phá sản ngân hàng gần đây. Nhóm chuyên gia bao gồm cựu chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang - Sheila Bair và nhà kinh tế Charles Goodhart đã nêu bật cách tư duy nhóm và các “điểm mù” đã khiến SVB, Signature Bank và First Republic thất bại.

Về cơ bản, các cơ quan quản lý tài chính đã không tính đến tác động của việc tăng lãi suất đối với sự ổn định tài chính. Thực tế các cơ quan quản lý đều dồn trách nhiệm cho ban quản lý ngân hàng về công tác quản trị rủi ro. Với những cơ quan giám sát có kinh nghiệm sẽ phát hiện ra các lỗ hổng của từng ngân hàng phá sản, vì thị trường chứng khoán đã báo hiệu những điểm yếu của SVB ngay từ tháng 11/2021.

Ông Andrew Sheng bình luận, nhìn lại sẽ thấy, các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng lẻo trong đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng phá sản gặp rủi ro khi mua trái phiếu Kho bạc dài hạn. Vì vậy, khi Fed tăng lãi suất nhanh chóng, các ngân hàng này đều trở nên dễ bị tổn thương.

“Trong mọi cuộc khủng hoảng đều có những vấn đề trọng yếu mà không ai muốn nhắc tới. Điều khiến tôi lo lắng hơn về chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính của ngân hàng trung ương, là cách các ngân hàng trung ương mở rộng việc sử dụng bảng cân đối kế toán để mua tất cả các loại tài sản.

Ví dụ: Chương trình tài trợ có kỳ hạn của Fed được thành lập vào tháng 3 năm nay, sau khi SVB đứng trước nguy cơ rút tiền gửi quy mô lớn. Cơ sở này cho phép các ngân hàng trao đổi các tài sản như trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ lấy tiền mặt bất kể giá trị thị trường hiện tại. Điều này cũng có nghĩa là mọi tổn thất cuối cùng sẽ do Fed gánh chịu”, ông dẫn chứng.

Có thể bạn quan tâm

  • BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?

    05:00, 19/09/2023

  • Dòng vốn đầu tư vào startup Việt sụt giảm bởi biến động kinh tế - tài chính toàn cầu

    01:44, 04/04/2023

  • Tái định hình thị trường tài chính toàn cầu và tác động đến Việt Nam

    05:30, 12/09/2022

  • Khủng hoảng thanh khoản rình rập hệ thống tài chính toàn cầu

    09:30, 27/01/2023

DIỄM NGỌC