Khắc phục điểm yếu, tăng tốc hoàn thành kế hoạch đầu tư công 2023
Với thời gian thực hiện giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm còn lại ngắn và khối lượng vốn lớn (40%), cần khắc phục ngay những điểm yếu để hoàn thành kế hoạch đề ra.
>>Đón cơ hội từ cổ phiếu đầu tư công
Kết quả 9 tháng tích cực
Thực hiện kế hoạch đầu tư công 2023, trên cơ sở tổng hợp kết quả giải ngân 9 tháng kết quả là rất đáng khích lệ khi đạt 51,38% kế hoạch và đặc biệt, số tuyệt đối so với cùng kỳ là hơn 110.000 tỷ đồng. Đây là điểm sáng trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn và đầu tư công được kỳ vọng là một trong những nhân tố để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong năm nay.
Về tính tích cực, quyết liệt của các cấp về khâu chỉ đạo đến thực hiện theo ghi nhận của chúng tôi đã có sự chuyển biến, thay đổi góp phần vào kết quả 9 tháng vừa qua.
Kết quả giải ngân đầu tư công vượt hơn cùng kỳ cả về số tương đối lẫn số tuyệt đối, theo tôi có một số nhân tố quyết định đó là: Sự chỉ đạo rất quyết liệt của các cấp đặc biệt là sự tháo gỡ từ Quốc hội và chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai qua các bộ ngành.
Có thể thấy, Chính phủ đã liên tục có những Nghị quyết tháo gỡ các vấn đề cụ thể liên quan đến triển khai dự án, như vấn đề nguyên vật liệu, thủ tục hành chính, thẩm quyền quyết định... Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã có hai Chỉ thị, hai Công điện và thành lập sáu đoàn kiểm tra do bốn Phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính làm trưởng đoàn, làm việc với tất cả các địa phương, đánh giá, giải ngân từng tháng, kiểm điểm tiến độ từng tháng đối với từng địa phương, nhất là với những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.
Tại các bộ, các địa phương, chúng tôi cũng ghi nhận sự quyết liệt phân công phân nhiệm rõ ràng cho do các đồng chí lãnh đạo, các bộ, địa phương làm tổ trưởng để làm việc cụ thể với từng ban quản lý, từng dự án để tháo gỡ thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Một khía cạnh nữa là khâu tổ chức thực hiện của các đơn vị, chúng tôi cũng đánh giá cao các đơn vị quản lý dự án và các đơn vị nhà thầu.
>>Gỡ "nút thắt" trong đầu tư công
Chênh lệch ở nhiều địa phương
Theo đánh giá của cá nhân tôi, kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua là rất tích cực so với cùng kỳ, cũng như so với các năm trước. Tuy nhiên có một tình trạng chung là tích cực về tổng quan, nhưng cụ thể tại một số bộ, ngành thì vẫn có sự chênh lệch.
Có những đơn vị kết quả thực hiện 9 tháng rất cao như tỉnh Long An đạt 75% kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp đạt 70% kế hoạch hay tỉnh Tiền Giang cũng đạt được 78%. Trong khi đó, có một số đơn vị kết quả giải ngân còn thấp hơn so với mặt bằng chung khoảng 30% như Gia Lai, Cao Bằng, Hòa Bình.
Tình trạng này đặt ra cho chúng ta một vấn đề đó là trong cùng một cơ chế, có những đơn vị thực hiện rất tốt nhưng có những đơn vị thực hiện chưa tốt. Chúng ta cần phải tìm ra đâu là nguyên nhân, là yếu tố quyết định để đưa ra giải pháp ngắn hạn và giải pháp cho các năm tới.
Ngoài ra, một số đơn vị là đầu tàu kinh tế cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đơn cử như tại TP HCM với tổng mức đầu tư kế hoạch 2023 là khoảng 70.000 tỷ đồng, thì kết quả 9 tháng mới đạt được 31%. Theo tôi, khối lượng vốn tại các đơn vị đầu tàu này rất lớn, riêng TP HCM đã bằng 1/10 toàn quốc, vì vậy khối lượng công việc cũng nhiều hơn rất nhiều.
Cùng với đó, các đơn vị này cũng gặp phải những vướng mắc chung, thường là các đô thị nên khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề khai thác nguyên vật liệu cát, sỏi,... hay những vướng mắc thủ tục đầu tư trong vấn đề thẩm quyền phê duyệt, chuyển đổi quy hoạch, đòi hỏi khối lượng, trình tự, trách nhiệm giải quyết lớn hơn rất nhiều.
Một yếu tố cuối cùng mà tôi không loại trừ đó là con người. Trong thời gian vừa qua, có sự chững lại trong việc triển khai ở các cấp, tâm lý thận trọng hơn, làm việc theo nguyên tắc hơn và có tình trạng “đùn đẩy” dẫn đến giảm tiến độ thực hiện.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Từ nay đến cuối năm, với thời gian thực hiện còn lại ngắn và khối lượng vốn lớn (khoảng trên 40%), nếu tính số tuyệt đối ước tính khoảng gần 300.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn và cũng là nhiệm vụ đầy thách thức đối với các bộ, ngành khi chúng ta chỉ còn khoảng 2,5 tháng để tiến hành các thủ tục thi công, nghiệm thu và thời gian thanh toán thêm khoảng một tháng đến 31/1/2024. Vì vậy nhiệm vụ này sẽ khó khăn gấp 2-3 lần so với các năm trước.
Theo thống kê của chúng tôi, trung bình các năm 2021-2022, kết quả giải ngân cả năm đạt khoảng 93,56%, nên mục tiêu 95% của năm nay cũng có thể chúng ta đạt được trong điều kiện các cấp, các ngành có sự bám sát liên tục đối với tiến độ thực hiện dự án và hoàn tất thủ tục, thực hiện gửi cơ quan tài chính để thanh toán ngay.
Về phía Bộ Tài chính nói riêng cũng như ngành tài chính có hai chức năng, đó là đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán cho các nhiệm vụ chi ngân sách trong đó có chi đầu tư và thực hiện thủ tục thanh toán.
Về mặt nguồn vốn trong giai đoạn vừa qua chúng ta không bị áp lực, còn về thủ tục, trong năm 2021 chúng tôi đã ban hành cơ chế mới về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư công bắt đầu thực hiện vào niên độ 2022, tập trung vào ba nội dung gồm: Giảm thiểu hồ sơ; Rút ngắn thời gian xem xét thanh toán; và Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thanh toán, thực hiện giao dịch trực tuyến.
Ngay khi các bộ, ngành phân bổ chi tiết kế hoạch, Bộ Tài chính đã có kiểm tra phân bổ, có ý kiến ngay đối với các bộ, địa phương về tính hợp lý trong kế hoạch năm 2023, từ đó các cơ quan này có thể đảm bảo vốn cho những công trình cần thiết.
Trong ba tháng cuối năm, điều cốt yếu nhất là các bộ, ngành, ban quản lý các nhà thầu cần tập trung trên cơ sở khuôn khổ pháp luật hiện tại, thực hiện khối lượng còn lại của kế hoạch mà chúng ta đề cập là còn khoảng trên 40%.
Theo tôi, có ba yếu tố mà chúng ta có thể thực hiện tháo gỡ nếu có sự quyết liệt của các cấp đó là: Thứ nhất, những thủ tục về giải phóng mặt bằng chủ yếu ở các địa phương, các đơn vị tổ chức giải phóng mặt bằng, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong việc xử lý phát sinh phê duyệt, để đảm bảo khơi thông được công tác này giúp cho khối lượng thi công phía nhà thầu thực hiện được.
Thứ hai, là vấn đề xử lý nguyên vật liệu vẫn còn là đối với các nhà thầu. Vai trò của các chính quyền địa phương là rất quan trọng để đảm bảo nhà thầu nhanh chóng hoàn tất thủ tục, khai thác được nguồn nguyên vật liệu đưa đến đúng địa chỉ công trình.
Thứ ba, là vấn đề con người. Khối lượng công việc năm 2023 tăng lên rất lớn, song theo theo dõi của chúng tôi về cơ bản, số lượng con người tại các cấp thực tiễn thì hầu như không thay đổi. Đặc biệt với cơ quan quản lý Nhà nước, cộng với tâm lý e dè, quá cẩn trọng đã làm giảm tiến độ triển khai phê duyệt, thực hiện.
Trong những tháng cuối năm, những điểm yếu này cần phải được khắc phục ngay lập tức. Một yếu tố nữa là ở khía cạnh các nhà thầu, cần phải được giám sát chặt chẽ, ban quản lý, chủ đầu tư cơ quan chủ quản phải có giao ban thường xuyên, phát hiện xử lý kịp thời kể cả những biện pháp mạnh như thay nhà thầu, điều chuyển khối lượng từ những nhà thầu không có khả năng sang nhà thầu làm tốt, để đảm bảo kế hoạch 2023 hoàn thành đúng theo mục tiêu 95%.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần nhìn thẳng sự thật, chỉ thẳng nguyên nhân
12:36, 20/10/2023
Đón cơ hội từ cổ phiếu đầu tư công
04:50, 20/10/2023
Gỡ "nút thắt" trong đầu tư công
12:31, 18/10/2023
Tây Ninh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
10:56, 10/10/2023