Tương quan giữa lợi suất trái phiếu Mỹ với châu Á ngày càng giảm

DIỄM NGỌC 18/11/2023 05:03

Lợi suất trái phiếu đã giảm ở Trung Quốc và hầu như không tăng ở Nhật Bản và ngay cả phần còn lại của châu Á cũng đang ngày càng ít nhạy cảm hơn với sự ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu Mỹ.

>>Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, vàng tăng sức hấp dẫn

Lợi suất trái phiếu Mỹ sắp kém hấp dẫn

Ngày càng có nhiều thông tin tích cực giúp củng cố niềm tin thị trường vào sự “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, việc công bố dữ liệu về lạm phát mới đây cho thấy, tốc độ tăng giá đã chậm lại trong tháng trước xuống mức nhẹ hơn dự kiến là 3,2%, lạm phát lõi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng giảm xuống 4%.

Mặc dù đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới và trái phiếu kho bạc là tài sản an toàn nhất, nhưng việc quản lý tài chính của đất nước này đang bị đánh giá là yếu kém đi

Bank of America cho rằng, Mỹ nên ngừng việc gồng mình lên và tập trung vào kiểm soát thâm hụt

Thị trường tài chính tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất việc tăng lãi suất. 20 tháng sau khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, nền kinh tế Mỹ được đánh giá là vẫn kiên cường bởi thị trường lao động mạnh mẽ, mang lại cho người tiêu dùng niềm tin để tiếp tục chi tiêu.

Trong cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America công bố hôm 14/11 cho biết, những người trả lời đều nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, vì họ tin vào việc giảm lãi suất và lãi suất trái phiếu sắp xảy ra. Khi năm 2023 sắp kết thúc, khả năng hạ cánh mềm có vẻ ngày càng hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng của Mỹ đã trở thành vấn đề nóng hổi trên thị trường, góp phần làm tăng lãi suất trái phiếu kho bạc. Nếu tình trạng tồi tệ của tài chính công Hoa Kỳ trở thành yếu tố quyết định quan trọng đến tâm lý của các nhà đầu tư trái phiếu, thì tính bền vững của nợ và uy tín tín dụng quốc gia có thể bị đặt dấu hỏi.

Chia sẻ trên SCMP, ông Nicholas Spiro, chuyên gia tại Lauressa Advisory nhìn nhận, các dấu hiệu cảnh báo vẫn ở đó, Mỹ có thâm hụt ngân sách lớn, tương đương 6,3% GDP. Đó là mức cao nhất trong thời điểm như hiện tại, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19, mức độ như vậy thường liên quan đến một cuộc suy thoái sâu sắc, mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức khá.

“Điều này sẽ có thể kiểm soát được nếu lãi suất vẫn ở mức gần bằng 0, nhưng việc thắt chặt mạnh mẽ của Fed đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh tài chính”, ông nói.

Theo Bloomberg, khoản thanh toán lãi hàng năm cho khoản nợ của Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD vào tháng trước. Điều này khiến việc phát hành nợ tăng mạnh, Chính phủ đang chi quá nhiều cho việc trả lãi, hơn là cho tất cả các chương trình an sinh xã hội và chính là một yếu tố đẩy lợi suất trái phiếu lên cao.

Để tài trợ cho khoản vay lớn như vậy, Chính phủ buộc phải chi tiêu ít hơn cho các ưu tiên trong nước, kìm hãm tăng trưởng và làm tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương về tài chính của Hoa Kỳ. Mặc dù khả năng trả nợ của đất nước là không bị nghi ngờ vì nước này vay bằng đồng tiền của chính mình và có thể in thêm tiền bất cứ khi nào cần. Nhưng những thông điệp lặp đi lặp lại về việc “vỡ nợ” đã khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ bị căng thẳng.

Mặc dù đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới và trái phiếu kho bạc là tài sản an toàn nhất, nhưng việc quản lý tài chính của đất nước này đang bị đánh giá là yếu kém đi. Theo đó, Bank of America cho rằng, Mỹ nên ngừng việc gồng mình lên và tập trung vào kiểm soát thâm hụt, nhưng dường như chỉ có thị trường mới có thể buộc Washington làm điều này.

>>Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam

Mối tương quan với châu Á giảm dần

Giới phân tích nhìn nhận, lợi suất trái phiếu châu Á từng biến động đồng bộ với lợi suất trái phiếu Mỹ, nhưng mối tương quan đã lỏng lẻo hơn trong những năm qua. Tỷ lệ tương quan luân phiên 12 tháng đã giảm từ 0,91 vào cuối năm 2021 xuống 0,52 vào tháng 9/2023. Điều này một phần có thể là do khu vực tài chính châu Á ngày càng được trung gian hóa thông qua hệ thống ngân hàng hơn là thị trường vốn.

Các nhà phân tích tại Trung Quốc dự báo, trái phiếu chính phủ nước này sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024, đẩy lợi suất đạt mức thấp mới

Các nhà phân tích tại Trung Quốc dự báo, trái phiếu chính phủ nước này sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024, đẩy lợi suất đạt mức thấp mới

Một lý do khác có thể là chu kỳ thắt chặt tiền tệ ở châu Á ít quyết đoán hơn so với các khu vực khác như Mỹ, châu Âu. Sự suy giảm độ nhạy cảm của châu Á đối với lãi suất của Mỹ nhìn chung có tác động tích cực đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện xung quanh lợi suất trái phiếu ở Trung Quốc và Nhật Bản lại khác.

Marcella Chow, Nhà chiến lược thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management phân tích, tại Nhật Bản, trong khi tăng trưởng khá kiên cường và lạm phát dường như đã quay trở lại sau hai thập kỷ giảm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm phù hợp về chính sách tiền tệ. Họ thực hiện điều này bằng cách giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm và tiếp tục giới hạn lãi suất trái phiếu.

Trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm nhẹ, thì trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản hầu như không tăng, khá phù hợp với trần lãi suất được nới lỏng. Những điều này đã thể hiện trái phiếu chính phủ ở Trung Quốc và Nhật Bản hành xử rất khác so với trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ.

Mới đây nhất, các nhà phân tích tại Trung Quốc dự báo, trái phiếu chính phủ nước này sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024, đẩy lợi suất đạt mức thấp mới. Nguyên nhân là do chính phủ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo công ty môi giới Shenwan Hongyuan Group có trụ sở tại Thượng Hải, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có thể giảm xuống mức thấp 2,3% trong năm tới, trong khi Zheshang Securities dự đoán mức đáy là 2,4%. Cả hai dự báo đều thấp hơn mức lợi suất thấp kỷ lục hiện tại là 2,472% được thiết lập vào ngày 8/4/2020.

Trong một báo cáo mới đây của hai công ty môi giới đều chỉ ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất cho vay chuẩn và lãi suất chính sách đối với cơ sở cho vay trung hạn để thúc đẩy nhu cầu tín dụng vào năm tới. Điều đó sẽ củng cố thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc, nơi chứng kiến giao dịch chuẩn kỳ hạn 10 năm với lãi suất 2,656% vào ngày 17/11.

Sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc sau ba năm hạn chế vì Covid-19 đã chứng kiến dòng vốn chảy vào trái phiếu chính phủ. Nhưng bất chấp một loạt các biện pháp ổn định tăng trưởng bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng và nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà, các nhà đầu tư vẫn lo lắng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về nợ của chính quyền địa phương, cũng như cuộc khủng hoảng khu vực bất động sản chưa được giải quyết.

Jin Qianjing, nhà phân tích tại Shenwan Hongyuan Group ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi tiếp tục lạc quan về thị trường trái phiếu vào năm 2024. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng sụt giảm có hệ thống do thị trường bất động sản gây ra, tiềm ẩn áp lực giảm tốc đối với tăng trưởng tín dụng và ngân hàng trung ương cần phải hạ lãi suất cho vay cơ bản để kích thích nhu cầu”.

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam

    05:23, 17/11/2023

  • Vàng vẫn bị "đè nén" bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ

    11:30, 13/05/2023

  • Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, vàng tăng sức hấp dẫn

    14:30, 05/10/2022

DIỄM NGỌC