Kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn nữa trong năm 2024

TRẦN NGỌC BÁU, CEO WiGroup 02/12/2023 05:24

Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ nới lỏng hơn trong năm 2024. Điều này cũng tạo thêm động lực cho giá tài sản tài chính được hỗ trợ tích cực.

>>ADB: Việt Nam vẫn cần chính sách tiền tệ hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng

Cấu trúc thị trường dịch chuyển

Năm 2023, kinh tế Việt Nam rất cần những hỗ trợ về mặt nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng chúng ta đã gặp nhiều rào cản về tỷ giá và một chút yếu tố về lạm phát hồi đầu năm. Bước sang năm 2024, chúng ta cần phải quan sát nhiều vấn đề từ triển vọng kinh tế thế giới đến triển vọng lạm phát toàn cầu, từ đó hình thành nên chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.

Năm 2024, các quốc gia như Việt Nam, các quốc gia mới nổi và khu vực châu Âu sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn năm 2023

Năm 2024, các quốc gia như Việt Nam, các quốc gia mới nổi và khu vực châu Âu sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn năm 2023

Nhìn vào cập nhật mới nhất của các tổ chức nghiên cứu, có hai điều đáng chú ý đó là: Nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu khá mạnh vào năm 2024 (năm 2023 dự báo tăng trưởng khoảng 2,4% thì năm 2024 chỉ là 1,5%). Tương tự, lạm phát Mỹ được dự báo giảm từ mức 3,8% xuống còn khoảng 2,7%. Như vậy rõ ràng kinh tế Mỹ năm 2024 sẽ yếu cả về tăng trưởng kinh tế cũng như yếu tố lạm phát. Ngoài ra, các tổ chức nghiên cứu cũng cho rằng, kinh tế Trung Quốc năm sau sẽ suy giảm nhẹ thay vì mức tăng trưởng khoảng 5,2% thì chỉ còn 4,7%. Nhưng riêng EU sẽ phục hồi nhẹ.

Như vậy, chuyển động kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể tách thành hai nhóm, trong đó các quốc gia như Việt Nam, các quốc gia mới nổi và khu vực châu Âu sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Còn các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ có sự suy giảm về tăng trưởng, khiến cả thế giới thấy một năm 2024 tăng trưởng có phần thấp hơn.

Tuy nhiên, một điều khác biệt là kinh tế thế giới năm 2023 là cuộc chiến của chống lạm phát, nên bằng mọi giá họ phải đẩy lạm phát về mức mục tiêu. Bước sang năm 2024 sẽ là câu chuyện kinh tế tăng trưởng chậm nhưng lạm phát thấp, vì độ trễ chính sách tiền tệ mới bắt đầu chạm đến. Mặc dù lạm phát chưa về mức dưới 2% như các ngân hàng trung ương mong muốn, song về cơ bản đây sẽ là mức không còn làm cho các quốc gia lớn phải đau đầu.

Thị trường cũng đang nhìn ra sự thay đổi về cấu trúc thị trường. Theo thống kê cuộc họp từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không còn ai kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên mức 5,7 - 6% và tư tưởng về tăng lãi suất gần như đã bị xóa bỏ. Đồng thời cách đây một tháng, nhiều người kỳ vọng đến tháng 6, tháng 7/2024, Fed bắt đầu giảm lãi suất; thì sau đó sự kỳ vọng đã dịch chuyển dần về khoảng tháng 3/2024.

Điều đó chứng tỏ những báo cáo nghiên cứu của các tổ chức đưa ra thị trường đã cho các nhà điều hành, nhà đầu tư thấy được góc nhìn về triển vọng kinh tế trong năm tới, đặc biệt của Mỹ là khá tối và tâm lý thị trường có sự chuyển biến rất nhanh. Điển hình giá USD, giá vàng đã có những biến động mạnh gần đây, thể hiện sự kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng tương đối nhanh và người ta kỳ vọng đến cuối 2024 mức lãi suất sẽ đâu đó ở mức khoảng 4%.

Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ nới lỏng nhanh hơn, vì khi quan sát những giai đoạn kinh tế Mỹ bước vào suy thoái đều có các dấu hiệu tiềm tàng, khoảng tháng 6/2024 điều này sẽ bộc lộ.

Mặc dù kinh tế Mỹ đến thời điểm hiện tại vẫn ổn, thị trường lao động khỏe, nhưng khu vực sản xuất rất yếu. Nguyên nhân chính là khu vực sản xuất luôn nhạy bén hơn khu vực tiêu dùng. Thông thường thị trường lao động là một chỉ báo tương đối rõ nét cho suy thoái kinh tế của Mỹ xảy ra hay không, nhưng mức độ thẩm thấu khó khăn luôn chậm hơn.

Tôi vẫn tin vào xác suất cao hơn rằng kinh tế Mỹ sẽ bước vào giai đoạn khó khăn và suy thoái vào cuối 2024 đến 2025, thậm chí có thể tiêu cực hơn những gì mà các tổ chức trên thế giới đang dự báo, nghĩa là thị trường vẫn chưa phản ánh hết những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra trong tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu trong năm sau.

Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất giảm sẽ không thể suy thoái, nhưng lịch sử đã chứng minh sau 3 - 6 tháng giảm lãi suất giảm thì kinh tế Mỹ mới bước vào suy thoái, chứ không phải lãi suất giảm giúp kinh tế sẽ phục hồi. Nghĩa là khi đó, các khó khăn của khu vực sản xuất bắt đầu lây lan sang khu vực tiêu dùng khiến nền kinh tế của Mỹ rung lắc.

Tổng quan chung, cấu trúc thị trường năm 2023 và năm 2024 rất khác nhau, trong đó năm 2024 sẽ là chậm về tăng trưởng kinh tế và cũng chậm về lạm phát. Bối cảnh này sẽ thúc đẩy một chính sách tiền tệ nới lỏng, vì vậy có thể tốc độ nới lỏng của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm 2024 sẽ còn mạnh hơn những gì thị trường kỳ vọng.

>>Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Chính sách tiền tệ được nới lỏng

Đối với Việt Nam, khu vực sản xuất và khu vực tiêu dùng vẫn còn yếu. Chúng ta đã có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ ở mức khoảng 4 - 5% là do mức nền của năm trước thấp. Tuy nhiên đến nay khu vực xuất khẩu đã đang phục hồi.

 Lãi suất của Việt Nam có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với hiện tại nhưng cung tiền sẽ cao hơn, bởi vì câu chuyện thanh khoản được cải thiện khi Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm dự trữ ngoại hối

Lãi suất của Việt Nam năm sau có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với hiện tại nhưng cung tiền sẽ cao hơn, bởi vì câu chuyện thanh khoản được cải thiện khi NHNN có thể mua thêm dự trữ ngoại hối

Nếu nhìn xa hơn vào chuyển động kinh tế của Mỹ và EU trong năm 2024 thì chưa thể kỳ vọng khu vực xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh ngay, cũng như tâm lý tiêu dùng trong nước sẽ bứt phá. Do đó, vẫn có một số thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối đầu trong năm 2024, nhất là giai đoạn là nửa cuối năm.

Về giá cả, tôi cho rằng với trạng thái toàn cầu như hiện tại, cộng với việc chúng ta thận trọng trong hoạt động bơm tiền thì sẽ không quá lo lắng về lạm phát. Đầu năm sau lạm phát có thể có phần căng thẳng, nhưng cả năm không phải là mối quan ngại lớn.

Riêng vấn đề tỷ giá vốn khiến cho nhà điều hành phải lo lắng, thì với bối cảnh nền kinh tế Mỹ và thế giới như vậy sẽ ủng hộ chúng ta trong câu chuyện nới lỏng chính sách. Theo đó, tỷ giá năm 2024 không còn gây rào cản quá nhiều mà còn là động lực hỗ trợ cho nhà điều hành để sử dụng các công cụ nới lỏng.

Về lãi suất, có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ so với hiện tại nhưng cung tiền sẽ cao hơn, bởi vì câu chuyện thanh khoản được cải thiện khi Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm dự trữ ngoại hối.

Từ các vấn đề trên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ của năm 2024 sẽ nới lỏng hơn so với những gì chứng kiến trong nửa cuối năm 2023. Điều này cũng tạo thêm động lực cho giá tài sản tài chính được hỗ trợ. Năm 2024 cũng là năm có giá tài sản tài chính tích cực, thậm chí chúng ta có thể thấy sự tích cực ngay từ thời điểm này trở đi, vì thị trường dần dần sẽ nhìn ra được câu chuyện về cấu trúc thị trường đã thay đổi dịch chuyển ra sao.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách tiền tệ cạn dư địa, cần đẩy mạnh chính sách tài khoá

    03:00, 07/10/2023

  • Phó Thống đốc NHNN: Chính sách tiền tệ đã rất nới lỏng

    03:10, 01/10/2023

  • Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, chính sách tiền tệ có đảo chiều?

    05:00, 26/09/2023

  • Fed giữ lãi suất cao, chính sách tiền tệ của Việt Nam ra sao?

    05:26, 23/09/2023

  • "Điểm rơi" chính sách tiền tệ đã xuất hiện

    11:30, 15/09/2023

TRẦN NGỌC BÁU, CEO WiGroup