FiinRatings lần đầu công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn của một công ty tài chính

L.MỸ 19/05/2021 17:30

FiinRatings lần đầu công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (“VietCredit”). Đây là kết quả xếp hạng tín nhiệm dài hạn về VietCredit với vai trò là nhà phát hành.

FiinRatings cho biết đây là ý kiến xếp hạng tín nhiệm đầu tiên được công bố rộng rãi ra công chúng tại Việt Nam sau rất nhiều thời gian chờ đợi và nỗ lực của các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và của chính đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

VietCredit được FiinRatings đánh giá xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành ở mức BBB- với triển vọng Ổn định

VietCredit được FiinRatings đánh giá xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành ở mức BBB- với triển vọng Ổn định

Cụ thể, FiinRatings thông báo kết quả xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành đối với Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (“VietCredit” hoặc “Công ty”) ở mức ‘BBB-’ với triển vọng: Ổn định. 

Triển vọng Ổn định phản ánh cả điểm mạnh và điểm yếu của vị thế là một công ty còn khá mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và dựa vào triển vọng tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Trong bối cảnh tỷ lệ thâm nhập tín dụng tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn thấp ở mức 8,7% trên tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 15% -35% của các nước trong khu vực. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng thuận lợi cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Nhà xếp hạng tin rằng điều này mang lại cơ hội đáng kể cho Công ty cũng như các công ty khác trong ngành ở Việt Nam tận dụng để phát triển bất chấp những thay đổi về khung pháp lý gần đây.

Điểm xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức ‘BBB-’ của VietCredit phản ánh vị thế đang tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Công ty, mức đệm vốn được đánh giá ở mức trung bình, khả năng sinh lời được cải thiện tuy vẫn thấp hơn so với mức bình quân của ngành, chất lượng tài sản ở mức vừa phải, cũng như rủi ro về thanh khoản và khả năng huy động vốn đều được xét đến khi đánh giá điểm xếp hạng tín nhiệm của Công ty. "Việc xếp hạng VietCredit cũng phản ánh kỳ vọng rằng Công ty sẽ tập trung duy trì vị thế cạnh tranh hiện tại trong ngành tài chính tiêu dùng trong những năm tới. Chúng tôi đánh giá rằng vị thế kinh doanh của Vietcredit đang được hưởng lợi từ sản phẩm cho vay chuyên biệt, giúp Công ty sở hữu một mô hình kinh doanh có phần gọn hơn so với các công ty cùng ngành", bảng xếp hạng đánh giá.

Cũng theo FiinRatings, VietCredit đã có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2018-2020 với tăng trưởng kép (CAGR) trên dự nợ ở mức 157%. Tuy nhiên, quy mô của Công ty vẫn ở mức khiêm tốn so với các công ty tài chính cùng lĩnh vực cho vay tiêu dùng, khi mà ba công ty lớn nhất chiếm tới khoảng 70% thị phần dư nợ cho vay.

Khả năng sinh lời của VietCredit đang được tích cực cải thiện trong thời gian qua, thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) ở mức 0,8% trong năm 2020, tăng từ mức -2,6% năm 2018, và tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (“CIR”) đã giảm trong 3 năm qua từ 156% năm 2018 xuống 48% vào năm 2020. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn so với mức lợi nhuận bình quân ngành. Khả năng cải thiện lợi nhuận của VietCredit vẫn cần được theo dõi khi Công ty vẫn là một đơn vị mới gia nhập với thời gian ngắn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng không bảo đảm.

"Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản VietCredit ở mức Trung bình so với các đơn vị cùng ngành, dựa trên dự phòng rủi ro cho vay và nợ xấu trong năm 2020 tăng cao hơn so với mức bình quân của ngành. Khả năng duy trì chất lượng tài sản trong khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng của VietCredit sẽ là yếu tố quan trọng cần theo dõi trong việc xếp hạng tín nhiệm VietCredit trong thời gian tới. Và đánh giá khả năng huy động vốn và thanh khoản của Công ty ở mức phù hợp, phản ánh khả năng huy động, đa dạng hóa và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp dựa trên cơ sở điều kiện thị trường lãi suất huy động vốn bình quân ở mức thấp hiện nay cũng như điểm hồ sơ tín dụng của VietCredit được cải thiện trong thời gian qua". 

Theo Công ty xếp hạng, nguồn vốn hiện tại của VietCredit chủ yếu dựa vào chứng chỉ tiền gửi và nợ vay hoặc tiền gửi từ các tổ chức tín dụng khác, lần lượt ở mức 51% và 27% tổng nguồn vốn huy động. Nhà xếp hạng tín nhiệm kỳ vọng Công ty sẽ không bị thâm hụt thanh khoản đáng kể hoặc bất thường trong vòng 12 đến 24 tháng tới đây.

Một số yếu tố theo FiinRatings có thể dẫn tới nâng hoặc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của VietCredit nếu như công ty có thể: Cải thiện thị phần và duy trì tăng tưởng trong mảng tín dụng cho vay qua thẻ; Đa dạng hóa nguồn vốn với ưu tiên cho vốn trung và dài hạn để phù hợp hơn với kỳ hạn của các khoản vay; Nâng cao khả năng sinh lời bằng việc nâng cao chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động; Cải thiện các chỉ số an toàn vốn lên mức tương đương so với bình quân ngành.

Nhà xếp hạng cũng có thể xem xét hạ bậc tín nhiệm của VietCredit trong trường hợp chất lượng tài sản bị suy giảm nhiều hơn dự kiến, mức đệm vốn giảm đột ngột hoặc khi Công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn; trong trường hợp thu nhập của Công ty xấu đi so với dự báo do chi phí hoạt động tăng lên hoặc có những thay đổi nhân sự trong bạn lãnh đạo cao cấp được đánh giá là có thể cản trở việc xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh hoặc nếu Công ty lựa chọn chiến lược kinh doanh khẩu vị rủi ro tăng lên đáng kể.

Theo lưu ý từ nhà công bố, kết quả xếp hạng này được FiinRatings thực hiện theo phương pháp luận và các tiêu chí đánh giá được xây dựng và phát triển để áp dụng cho Việt Nam. Do đó, khung xếp hạng của FiinRatings có thể khác với khung xếp hạng của các đơn vị xếp hạng quốc tế đã công bố cho các doanh nghiệp Việt Nam. Phương pháp xếp hạng và tiêu chí được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế cho điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đăng ký với Bộ Tài chính.

Trên thị trường tài chính Việt Nam, sau những khuyến nghị của giới chuyên môn quốc tế về việc cần thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm bởi hoạt động này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng, đến nay, theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính đã xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa năm doanh nghiệp. Được biết, Việt Nam hiện có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín hiệm là FinnGroup và Sài Gòn Thịnh Phát. 

FiinRatings thuộc FinnGroup, được cấp phép vào ngày 20/03/2020, sau một thời gian chuẩn bị, đã thực hiện xếp hạng 03 nhà phát hành và đây là công bố đầu tiên về kết quả xếp hạng ra công chúng. Đại diện công ty này cũng khẳng định họ tin tưởng rằng kết quả xếp hạng sẽ từng bước hỗ trợ các nhà đầu tư và công chúng có được những thông tin được chuẩn hóa và điểm tín dụng được xếp hạng của VietCredit. Qua đó FiinRatings mong muốn được góp phần chung tay phát triển thị trường vốn Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên

    Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên "Tích cực"

    20:14, 18/03/2021

  • Yêu cầu vốn pháp định của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chưa phù hợp

    Yêu cầu vốn pháp định của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chưa phù hợp

    13:00, 17/01/2021

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Lạc quan nâng hạng tín nhiệm ngân hàng

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Lạc quan nâng hạng tín nhiệm ngân hàng

    06:00, 20/03/2021

L.MỸ