Ứng phó với chuyện “mập mờ” tư vấn mua bảo hiểm
Với những hợp đồng bảo hiểm phức tạp, khách hàng nên ghi âm lại để chứng minh về việc được tư vấn, tránh tình trạng khi xảy ra tranh chấp mà DNBH cũng không có cách nào giải quyết được.
>>Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Vấn đề đáng báo động
Từ thời điểm tháng 9-10/2022 đã xảy ra tình trạng một loạt khách hàng của ngân hàng phản ánh qua báo chí, mạng xã hội, gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, Bộ Tài chính về những vướng mắc của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Điều này đã trở thành vấn đề đáng báo động, khi sự lập lờ dẫn đến câu chuyện hai dòng sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và ngân hàng là hoàn toàn tách bạch, nhưng khi khách hàng đến giao dịch ở ngân hàng lại bị “ép” mua bảo hiểm. Trong khi những người dân bức xúc và dùng từ “lừa đảo” để lên án các sự việc, thì đó không còn là chuyện nhỏ và nếu không xử lý sớm, thì uy tín của tất cả các bên trong đó có cả DNBH bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thông thường, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng dài hạn, thiết kế cho khoảng thời gian 10 - 20 năm, thậm chí 30 năm, nên tất cả những giả định tính toán của DNBH cho các khoản hoa hồng chi trả rất cao. Khách hàng mua bảo hiểm nhưng sau đó lại không có nhu cầu nữa, thì đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là khách hàng và DNBH chứ không phải ngân hàng. Vì vậy, không có DNBH nào lại chủ trương việc “lừa đảo” để cố gắng bán bằng được một cái hợp đồng.
Về chế tài liên quan đến bảo hiểm đã có các Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số, trong đó có đề cập đến việc phạt tiền từ 40-50 triệu đồng khi tư vấn không đầy đủ, không chính xác. Cùng với đó có các biện pháp bổ sung là cấm bán, hoặc hạn chế bán trong vòng bao nhiêu tháng đối với doanh nghiệp vi phạm.
Nhưng vấn đề lớn ở đây không còn là chuyện xử phạt đơn thuần, vì có những hành vi đã phải gửi sang cơ quan điều tra để xử lý về hành vi lừa đảo thực sự. Tuy nhiên, phải nói rất rõ rằng, việc chứng minh được tư vấn sai hay lừa đảo lại là một câu chuyện hoàn toàn không dễ đối với cả DNBH và khách hàng. Bởi vì khi mua bảo hiểm, khách hàng phải ký vào giấy yêu cầu bảo hiểm, xác nhận các thông tin cung cấp là chính xác, hoặc đã được tư vấn đầy đủ rồi, kể cả xác nhận trong các cuộc gọi Welcome Call của DNBH.
Về phía ngành bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng có một quy chế quản lý đại lý tư vấn bảo hiểm và bộ quy tắc ứng xử của đại lý. Trong đó có các quy định, nếu đại lý vi phạm sẽ đưa vào danh sách đại lý vi phạm và cấm hành nghề trong vòng 3 năm.
Hằng năm, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của các doanh nghiệp và qua cách thức đó đã phần nào hạn chế được vấn đề đại lý vi phạm gây ra. Năm 2022, danh sách đại lý vi phạm có trên 3000 trường hợp, khi vi phạm những lỗi này, họ không thể xin việc ở những nơi khác để làm đại lý, vì có mã code và căn cước công dân quản lý thông tin.
Trong ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng thì kinh doanh bằng uy tín và niềm tin rất quan trọng, với hơn 700.000 đại lý trên cả nước, mà có khoảng vài đại lý làm ẩu, tư vấn lừa dối, mập mờ thì câu chuyện đó ngay lập tức bị đưa lên mạng xã hội và gây ra hậu quả. Riêng bảo hiểm nhân thọ năm 2022 chi trả quyền lợi bảo hiểm xấp xỉ 42.600 tỷ đồng, con số này mọi người sẽ quên ngay, nhưng chỉ cần một câu chuyện tư vấn sai, tư vấn ẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành.
>>Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm soát hoạt động
Những điều khách hàng cần biết
Để thiết kế một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, thông thường phí đóng của mấy năm đầu, thì DNBH có thể trích 80 - 90% để trả trước cho các khoản chi phí và thường từ năm thứ 6, thứ 7 mới về mức trích 0%. Vì vậy khi tham gia bảo hiểm nhân thọ mà khách hàng làm thủ tục hủy hợp đồng sớm sẽ rất thiệt thòi. Còn với các hợp đồng đã đóng trên 10 năm thường có kết quả tốt hơn.
Một vấn đề nên được làm rõ đó là, khi mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng phải quan tâm đến yếu tố đầu tiên là bảo vệ. Giả sử người mua bảo hiểm là trụ cột gia đình, sẽ phải tính toán đến khả năng xảy ra thương tật toàn bộ vĩnh viễn, hoặc tử vong là những điều không thể nói trước. Vậy những người thân trong gia đình trong những năm tiếp theo sẽ như thế nào và để đảm bảo được ít nhất 5 năm, thì chúng ta cần phải tính thu nhập của mình nhân với 5 lần để mua khoản bảo hiểm tương ứng.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm còn có sản phẩm bổ trợ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, ốm đau nằm viện được chi trả viện phí,... Sau khi tính toán về yếu tố bảo vệ khách hàng hãy mới đến quyền lợi đầu tư, nếu nghĩ mua bảo hiểm nhân thọ để đầu tư sinh lời thì đó hoàn toàn là mạo hiểm. Về liên kết chung, doanh nghiệp có thể cam kết một mức lãi suất nào đó, nhưng họ luôn cam kết lãi suất thấp hơn ngân hàng rất nhiều, vì còn phải chi trả cho các rủi ro.
Một vấn đề hiện nay nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm băn khoăn nữa là hợp đồng bảo hiểm của các công ty rất dài. Đây là dạng hợp đồng đơn vụ, định sẵn, nghĩa là một bên thiết kế ra và một bên có trách nhiệm chấp nhận thì mua. Nhưng khi xảy ra bất kỳ vấn đề tranh chấp tại tòa, kho đó tòa sẽ xử quyền lợi nghiêng về bên không được thiết kế hợp đồng, do đó doanh nghiệp phải thiết kế rất chi tiết, chặt chẽ, vô hình chung dẫn đến các điều khoản dài.
Các DNBH cũng luôn khuyến khích khách hàng nên đọc kỹ hợp đồng, trong đó có một số điểm cần tập trung khi xem hợp đồng đó là: Thứ nhất, phải biết hợp đồng nào cũng có thời gian cân nhắc trong 21 ngày, người mua phải nắm được quyền lợi của mình để khi thấy không ổn thì sẽ thông báo với DNBH chấm dứt hợp đồng và trả lại phí.
Thứ hai, là thời gian chờ hầu hết các hợp đồng bao giờ cũng thiết kế mục này, như nằm viện là ít nhất 30 ngày, nếu nằm viện ngay sẽ không có quyền lợi gì; còn đối với bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, hay mang thai khoảng 270 ngày,... điều này nhằm tránh câu chuyện trục lợi.
Thứ ba, liên quan đến nghĩa vụ kê khai trung thực, vấn đề mắc mớ giữa DNBH và khách hàng thường liên quan đến tiền sử bệnh bệnh có sẵn, nếu kê sai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi về sau.
Khi khách hàng đọc bản minh họa quyền lợi nếu không hiểu gì sẽ phải hỏi ngay tư vấn viên chi tiết cụ thể và tư vấn viên phải giải thích được. Theo tôi, với những hợp đồng phức tạp, thì nên ghi âm lại để chứng minh rằng tư vấn viên đã tư vấn cho mình, tránh tình trạng sau này rất khó cho khách hàng khi không chứng minh được mình bị tư vấn sai, mà DNBH cũng không có cách nào giải quyết được. Nếu doanh nghiệp chi trả hợp đồng sai thì có thể bị xuất toán, hoặc ảnh hưởng đến quỹ hợp đồng chung của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
04:00, 15/04/2023
Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm
15:02, 13/04/2023
Thấy gì từ vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan?
03:20, 13/04/2023
“Lắt léo” hợp đồng bảo hiểm
17:30, 11/04/2023