Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 4): Người tử tù … đặc biệt
“Sự tích” nhiều dự án được Liên Khui Thìn thực hiện thành công khi cải tạo trong trại giam Xuân Lộc đến nay vẫn được nhắc đến. Nhiều người vẫn gọi Liên Khui Thìn là người tử tù… đặc biệt.
Liên Khui Thìn tốt nghiệp cử nhân hóa Đại học Khoa học ngay gần thời điểm 1975, ông về làm việc ở Thành đoàn TP HCM, nhiệm vụ Trưởng phòng Khoa học, Nhà văn hóa Thanh niên. Chia sẻ trên báo giới, ông kể mình là chứng nhân thời kỳ đổi mới và cũng là lớp người được kêu gọi dấn thân đổi mới.
Giữa thập niên 1980, tổ hợp chế biến mực xuất khẩu ì ạch như tình hình kinh tế cả nước. Nghe Liên Khui Thìn về đây, nhiều người bạn còn “cảnh báo”, khuyên coi chừng sai lầm; lý lịch tranh đấu rồi bằng cấp, chức vị hiện tại dự báo rất tốt cho tương lai của Liên Khui Thìn. Nhưng không suy tư, ông nhận ngay nhiệm vụ mới ở tổ hợp chế biến mực xuất khẩu quận 3. Đó cũng là sự lựa chọn để có một bước ngoặt trong cuộc đời Liên Khui Thìn…
Có nhiều người kể rằng, rất hiếm khi Liên Khui Thìn có mặt ở văn phòng tổ hợp chế biến mực. Bởi hết xuôi tận mũi Cà Mau, ông lại ngược ra Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... để gây dựng nguồn hàng xuất khẩu. Cứ như vậy, chẳng bao lâu tổ hợp này đã đem lượng ngoại tệ lớn về cho thành phố thời kỳ khó khăn.
Sau đó, tổ hợp được nâng cấp lên xí nghiệp, rồi năm 1992 trở thành Epco (tức Công ty TNHH sản xuất, Thương mại, Dịch vụ xuất nhập khẩu quận 3). Liên Khui Thìn vẫn là tổng giám đốc, là hồn lẫn bóng công ty một thời điển hình của doanh nghiệp thành phố.
Thế nhưng, do nóng vội trong đầu tư, kinh doanh, “tham bát, bỏ mâm”, con thuyền Epco dần lún sâu vào những món nợ “khổng lồ”, nối tiếp những sai lầm sau này. Và ngày định mệnh 24/3/1997, Tổng giám đốc Liên Khui Thìn tra tay vào còng nhận bản án tử hình với tội danh chính là lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Tăng Minh Phụng, bạn liên doanh, cũng chịu mức án này.
Hồi tưởng giờ phút khủng khiếp đó, Liên Khui Thìn chia sẻ: “Tôi sốc lắm, vì nghĩ tài sản thực tế Epco đủ bồi thường thiệt hại”. Ba năm ở khu giam AB, đợi thi hành án tử hình, những bạn tù cạnh ông lần lượt bị đánh thức lúc rạng sáng để không bao giờ còn trở về nữa. Người mới vào thay, rồi lại ra đi. Nhưng Liên Khui Thìn vẫn chong chong thức chờ đợi hết đêm này đến đêm khác, đến lượt mình.
Nhiều người cho rằng, suốt thời gian ở biệt giam trong khu tử tù tại trại giam Chí Hòa, Liên Khui Thìn phải có một thần kinh thép để hy vọng, chờ đợi. Tăng Minh Phụng nằm trong phòng giam cách ông Thìn ba căn, hai người đều có nộp đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
Ngày 8/9/2003 đơn xin ân xá của Liên Khui Thìn đã được chấp thuận. Tâm trạng của Liên Khui Thìn thay đổi hẳn, tâm lý ổn định, theo đó là sự bình phục về sức khỏe.
Sau đó, Liên Khui Thìn về trại giam Xuân Lộc từ 9/11/2003 và được bố trí vào việc coi cá, trông rừng. Ông Thìn từng chia sẻ, làm việc nhẹ nhưng trách nhiệm nặng, coi sao cho cá không chết, rừng không cháy. Tại nhà giam lúc này, ông đang ấp ủ ý tưởng và sẽ đề xuất với trại về một mô hình trung tâm dạy nghề. Ông sẽ đem những kiến thức, hiểu biết của mình để dạy lại cho anh em những nghề phù hợp với cuộc sống như làm điện cơ, con giống, nông nghiệp để khi ra đời hòa nhập cộng đồng còn có nghề để làm.
Với quyết tâm ấy, giữa năm 2004, Liên Khui Thìn trình lên Ban giám thị Trại Xuân Lộc bản dự án “Xử lý nguồn nước”. Chỉ trong hai ngày, dự án đã được Ban giám thị Trại Xuân Lộc và Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) phê duyệt. Với sự hỗ trợ về vật chất của bạn bè ngoài đời, Liên Khui Thìn cùng các phạm nhân dựng cột điện, kéo điện 3 pha, khoan giếng, xây bể lắng, lọc. Nhờ đó, toàn bộ người ở Trại giam Xuân Lộc đã được dùng nước sạch.
Bình thường, mỗi khi ở trại có phạm nhân ốm đau, phải chuyển đi bệnh viện thì cán bộ quản giáo cũng phải đi theo để quản lý. Với những phạm nhân có mức án nặng, hoặc có quá trình cải tạo chưa tốt, theo quy định thì vẫn phải còng ngay trên giường bệnh nên điều này đã tạo ra những ảnh hưởng tâm lý với gia đình phạm nhân lúc vào thăm nuôi, chăm sóc, chưa kể phạm nhân còn phải chịu sự e dè của những người bệnh khác cùng nằm chung phòng. Vì vậy, Liên Khui Thìn viết tiếp một dự án, trong đó ông đề xuất xây một bệnh xá ngay trong trại, nằm sát cạnh Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa (Đồng Nai).
Vẫn bằng sự hỗ trợ vật chất của bạn bè bên ngoài, Bệnh xá Trại giam Xuân Lộc hình thành rồi mỗi khi có phạm nhân ốm đau, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa sang thăm khám, điều trị rất tiện lợi.
Được vào diện đặc xá 2/9/2009, mừng vui khôn tả, Liên Khui Thìn cho rằng quyết định đặc xá của Chủ tịch nước không chỉ là niềm vui mà đó còn là tờ giấy khai sinh ra Liên Khui Thìn lần thứ hai, cho ông một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Có thể bạn quan tâm