Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần cuối): Thoát án tử - Hiện thực hóa ước mơ

KHÔI NGUYÊN 06/08/2020 04:50

Bị kết án tử hình trong vụ án Minh Phụng - Epco nhưng được ân xá, rồi cải tạo tốt, Liên Khui Thìn về với cộng đồng trước thời hạn để hiện thực hóa những giấc mơ còn dang dở…

hihiii

Liên Khui Thìn cho rằng cần tạo điều kiện để các phạm nhân sau khi ra tù có điều kiện hòa nhập cộng đồng...

Nhớ về vụ án Minh Phụng - Epco, nhiều người không thể quên hai nhân vật chính Tăng Minh Phụng (Giám đốc Công ty may Minh Phụng)Liên Khui Thìn (Giám đốc Công ty Epco).

Quay trở lại những năm 1981, Liên Khui Thìn nhận nhiệm vụ ở tổ hợp chế biến mực xuất khẩu quận 3, sau này đổi tên thành Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất khẩu quận 3 (gọi tắt là Epco).

Để nắm vững đầu vào, Liên Khui Thìn tổ chức một mạng lưới thu mua mực tươi trải dọc từ các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đến tận mũi Cà Mau. Tổ hợp sản xuất ăn nên làm ra, xe tải cấp đông vào ra liên tục. Mực chế biến đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đó.

Khi Epco đang trên đà thành công thì “ngày định mệnh” 24/3/1997 ập đến, Liên Khui Thìn cùng người bạn liên doanh làm ăn là Tăng Minh Phụng đã phải tra tay vào còng và bị kết án tử hình với tội danh lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Sau nhiều năm chờ đợi ngày “định mệnh” trong phòng giam tử tù, ngày 8/9/2003, tưởng rằng giờ phán quyết đã đến, pháp trường hiển hiện trước mặt khi nghe khóa cửa buồng giam lách cách mở ra. Nhưng Liên Khui Thìn thở phào khi được nghe quyết định “ân xá” của Chủ tịch nước.

Đúng 2 tháng sau khi về trại giam Xuân Lộc, Liên Khui Thìn vạch ra nhiều kế hoạch, hiện thực hóa ý tưởng khi còn biệt giam với mục đích đem lại những gì tốt nhất cho người khác để chuộc lại phần nào những lầm lỗi của mình.

Những dự án như xây dựng bể nước sạch, trạm xá, ao nuôi cá cải thiện bữa ăn của Liên Khui Thìn đã mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể cho đời sống các phạm nhân. Và nhờ những thành tích đó, vào đầu năm 2008, Liên Khui Thìn đã được xét giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. Sau khi thụ án được 12 năm, ngày 2/9/2009, Liên Khui Thìn được tuyên đặc xá, trở về tái hòa nhập cộng đồng.

hihihi

 Liên Khui Thìn lập quỹ Hoàn Lương để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ...

Ngày trở về, Liên Khui Thìn tiếp tục trở thành “tâm điểm” của giới báo chí, ông luôn đau đáu với câu hỏi: “Vì sao phạm nhân sau khi ra tù dễ dàng tái phạm?”.

Và  để thay đổi hiện trạng đáng buồn đó, Liên Khui Thìn cho rằng: Cần có nhiều hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân từ mọi người, từ các ban ngành đoàn thể địa phương, qua đó, tạo điều kiện cho họ có điều kiện hòa nhập.

Trong khả năng của mình, Liên Khui Thìn đã tìm đến bạn bè, người thân vận động, thuyết phục họ cùng tham gia thành lập quỹ Hoàn lương, sau đó, ngày 23/11/2011 UBND TP.HCM cho phép đổi tên thành “Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng”.

Để có được hoạt động nhân văn này, Liên Khui Thìn kể: “May mắn tôi đã gặp được luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM. Tuy mới quen nhưng ông Tạo rất nhiệt tình giúp đỡ tôi trong mọi hoạt động.

Có ba yếu tố tạo nên thành công ban đầu, thứ nhất là sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Thứ hai là hình thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, thu nạp, phân phối đúng đối tượng, rõ ràng, minh bạch. Thứ ba là phải làm sao để cơ quan nhà nước và nhất là tổ chức kinh tế tham gia hỗ trợ cho quỹ thực sự”.

Ai đó đã nói câu chí lý: “Giúp cần câu, chứ không giúp con cá”. Mô hình này thiết thực ở chỗ đã tư vấn, trợ giúp pháp miễn phí cho đối tượng Quỹ; kết hợp với ban ngành của Công an TP.HCM tuyên truyền, tọa đàm về hoạt động tái hòa nhập cộng đồng. “Hơn nữa, từng phải ngồi tù nên tôi hiểu hơn ai hết công ăn, việc làm đối với người mãn hạn tù rất quan trọng”, Liên Khui Thìn từng chia sẻ.

Từ đó, trên đường phố TP.HCM nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy những chiếc xe Bánh mì cộng đồng. Đây là hành động hào hiệp, trợ vốn có hiệu quả mà quỹ đã trao cho đối tượng người hoàn lương, hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

hihii

 Trên đường phố TP.HCM nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy những chiếc xe Bánh mì cộng đồng...

Đầu năm 2014, Liên Khui Thìn thành lập doanh nghiệp và lấy lại tên gọi cũ - Epco. Mục đích thành lập doanh nghiệp của ông không phải để làm giàu cho bản thân, mà kinh doanh nhằm lấy lãi phục vụ lại cho quỹ tạo công ăn việc làm cho người mãn hạn tù.

Chia sẻ với báo chí, Liên Khui Thìn cho biết: "Hiện, tôi đang có dự án thành lập nông trường để trồng cây siêu cao lương. Thời gian cho thu hoạch của loại cây này chỉ 3,5 tháng, năng xuất, chất lượng và giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của cây cao lương sẽ được một doanh nghiệp của Nhật Bản bao tiêu hết".

Hiện Công ty Epco đã cho trồng thử nghiệm hơn 3 ha cây cao lương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và thấy cây phát triển rất tốt. Sau khi thử nghiệm, đánh giá kết quả cụ thể doanh nghiệp sẽ triển khai trồng đại trà. Công ty Epco cũng đang có ý tưởng sẽ phối hợp với công an và các cơ quan chức năng để phát triển trồng cây cao lương ngay tại những khu đất còn trống trong các trại giam để người đang thụ án có cơ hội được làm việc, cải tạo tốt hơn.

Theo ông Thìn, chính những phạm nhân đang thụ án và người đã mãn hạn tù họ sẽ là lực lượng lao động có kỷ luật nghiêm, tâm huyết lớn, sẽ gắn bó làm việc lâu dài với nông trường - Công ty Epco.

Ngày trở về với xã hội, những người mãn hạn tù sẽ là những xã viên cơ hữu của nông trường thuộc Công ty Epco với mức thu nhập ổn định. Chúng tôi xây dựng mô hình này gần giống với hợp tác xã vì mọi người lao động sẽ có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau" - Liên Khui Thìn chia sẻ về ước mơ của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 1): Ly kỳ cuộc đời Bảy Phụng

    Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 1): Ly kỳ cuộc đời Bảy Phụng

    04:30, 20/07/2020

  • Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 2): Cú “ngã ngựa” nơi “đất dữ”

    Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 2): Cú “ngã ngựa” nơi “đất dữ”

    04:50, 21/07/2020

  • Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 3): Sự “sụp đổ” bên bờ “ảo vọng”

    Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 3): Sự “sụp đổ” bên bờ “ảo vọng”

    04:50, 27/07/2020

  • Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 4): Người tử tù … đặc biệt

    Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 4): Người tử tù … đặc biệt

    04:50, 03/08/2020

KHÔI NGUYÊN