Cựu chủ tịch ngân hàng GPBank bị phạt 9 năm tù
Hội đồng xét xử xác định bị cáo Tạ Bá Long (cựu chủ tịch HĐQT GPBank) giữ vai trò chính cùng các đồng phạm cho vay tiền trái quy định, khiến ngân hàng thiệt hại hơn 437 tỉ đồng.
Cuối giờ chiều 29/3, TAND TP Hà Nội tuyên ông Tạ Bá Long (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu - GPBank) 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng tội danh trên, Đoàn Văn An (cựu Phó chủ tịch GPBank) lĩnh 12 năm tù.
Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch Công ty M&C) bị phạt 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có vai trò đồng phạm với ông Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu (Chủ tịch Công ty Điện lực Sài Gòn) lĩnh 8 năm tù.
9 bị cáo khác bị tòa sơ thẩm tuyên phạt các mức án 2-9 năm tù sau khi xác định họ đồng phạm về một trong các tội nêu trên.
Bản án xác định tháng 9/2005, Công ty Sài Gòn One được UBND TP HCM giao làm chủ đầu tư dự án cao ốc Sài Gòn tại 34 phố Tôn Đức Thắng, quận 1, diện tích gần 6.700m2.
Khi các căn hộ của dự án chưa được phép mua bán, chuyển nhượng và Công ty M&C cũng không có quyền sở hữu, mua bán, chuyển nhượng, nhóm bị cáo Phùng Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ đã có hành vi gian dối, ký khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ tại dự án Sài Gòn M&C để vay vốn GPBank số tiền 305 tỉ đồng.
Tòa sơ thẩm xác định tài sản đảm bảo gồm 6 căn hộ, 255.000 cổ phần của Công ty Khải Minh tại Công ty M&C và 40.000 cổ phần của Phùng Ngọc Khánh tại Công ty M&C.
Tuy nhiên, theo kết luận định giá tài sản, Công ty M&C không có quyền sở hữu, quyền kinh doanh với 6 căn hộ trên. Giá trị xây dựng thực tế 6 căn hộ vào năm 2011 là 13 tỉ đồng, năm 2018 là 12 tỉ đồng.
Đánh giá vai trò của các bị cáo, tòa nhận thấy Phùng Ngọc Khánh là chủ mưu. Để có tiền sử dụng cá nhân, bị cáo lợi dụng mối quan hệ với Nguyễn Trọng Hiếu để chiếm đoạt tiền của GPBank.
Ngoài ra, biết Hiếu quen biết lãnh đạo ngân hàng nên Khánh đã thông qua Hiếu để chiếm đoạt tiền của GPBank bằng thủ đoạn lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ dự án cao ốc của Công ty Sài Gòn One. Sau đó, các bị cáo dùng tài sản này làm vật đảm bảo, thế chấp vay tiền của nhà băng.
Tạ Bá Long và nhóm cựu lãnh đạo GPBank đã có sai phạm trong việc đồng ý cho đối tác vay vốn dù bên vay không đủ điều kiện. Vi phạm của các bị cáo thể hiện qua việc làm nhanh hồ sơ cho vay, phê duyệt cấp tín dụng. Hành vi này tạo điều kiện cho Khánh, Hiếu và cấp dưới lừa đảo chiếm đoạt 290 tỷ của ngân hàng.
Về dân sự, HĐXX tuyên Phùng Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ bồi thường thiệt hại cho GPBank. Những bị cáo còn lại không phải khắc phục hậu quả.
Tại thời điểm năm 2011, giá trị 255.000 cổ phần của Công ty M&C là 14,2 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2018, Công ty M&C đã dừng hoạt động và bị cưỡng chế thu hồi hóa đơn giá trị gia tăng, không có giá trị tài sản thực tế nên hội đồng định giá không thể định giá doanh nghiệp và cổ phần.
Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo Khánh, Hiếu và Bộ đã chiếm đoạt số tiền 290 tỉ đồng của GPBank. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát cho GPBank số tiền hơn 437 tỉ đồng (trước đó viện kiểm sát cáo buộc các bị cáo gây thiệt hại hơn 961 tỉ).
Nhận định về sai phạm của các bị cáo thuộc lãnh đạo, cán bộ GPBank, hội đồng xét xử cho rằng họ không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp…
Về trách nhiệm dân sự, tòa đề nghị các bị cáo liên đới phải bồi thường cho GPBank.
Có thể bạn quan tâm
Bà Dương Thị Bạch Diệp: Từ đại gia sở hữu siêu xe đến bị cáo lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
03:30, 15/03/2021
Doanh nhân mang thân bị cáo “suốt đời” tại Bình Phước (Kỳ 5): Bản chất của vụ án là cho vay… “lãi suất cao”?
04:30, 23/11/2020
Vụ thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng tại BIDV: Các bị cáo chia nhau gần 90 năm tù
22:05, 02/11/2020