Vụ giám đốc 10 năm kêu oan: Việc tạm đình chỉ và phục hồi điều tra có trái luật?
Theo các luật sư, việc tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Thân Văn Hưng và phục hồi điều tra vụ án này là trái pháp luật bởi vụ án thuộc trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can…
>>Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, ông Thân Văn Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Sơn tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cựu giám đốc này đã liên tục kêu oan suốt hơn 10 năm qua vì cho rằng bản thân không hề có mục đích “chiếm đoạt”.
Đáng chú ý, trong vụ án này, điều khiến dư luận hết sức khó hiểu là bởi suốt 10 năm qua, kể từ khi vụ án xảy ra, VKSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho cơ quan điều tra để làm rõ ý thức chủ quan, mục đích chiếm đoạt số tiền, đồng thời cũng đã 3 lần bổ sung kết luận điều tra nhưng vẫn chưa xác định được rõ bị can phạm tội gì? Bên cạnh đó, khi phân tích về vụ án này, giới luật sư cho rằng vụ án còn có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế…
Quay trở lại chuyện xung quanh quyết định tạm đình chỉ điều tra và quyết định phục hồi điều tra của cơ quan chức năng, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này, Cơ quan điều tra/VKSND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Thân Văn Hưng về tội sử dụng trái phép tài sản và phục hồi điều tra trái pháp luật, bởi vụ án thuộc trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, trước khi cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra vụ án để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Thân Văn Hưng, ngày 06/02/2016 Cơ quan điều tra có Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can số 25/PC46 (nay là PC03) đối với bị can Thân Văn Hưng về tội sử dụng trái phép tài sản, lý do tạm đình chỉ: “Trong quá trình điều tra cơ quan điều tra chưa xác định được nguyên đơn dân sự là ngân hàng phát triển Việt Nam – CN Bắc Ninh, Bắc Giang (bên bảo lãnh) hay Ngân hàng VPbank – CN Bắc Ninh, Bắc Giang (bên nhận bảo lãnh) nên cần đợi kết quả giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa nguyên đơn Ngân hàng VPbank – CN Bắc Ninh, Bắc Giang và bị đơn Công ty Hưng Sơn do TAND TP. Bắc Giang thụ lý giải quyết”. Theo luật sư Tạ Anh Tuấn Quyết định tạm đình chỉ điều tra số 25/PC46 trái quy định của pháp luật không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
>>Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
Ngoài ra, Quyết định phục hồi điều tra số 05/CQĐT- CST ngày 25/12/2020 để điều tra về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong Kết luận điều tra và cáo trạng về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mang tính chất suy diễn không có căn cứ pháp luật, vi phạm tố tụng, cụ thể: căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ và Công văn số 3324/VKSTC-V4 ngày 31/7/2020 của VKSND tối cao về việc quán triệt thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020.
Theo luật sư Tuấn phân tích, khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư 01/2020 đã nêu rất rõ: Định kỳ (hàng tháng, 06 tháng, 01 năm) cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát phối hợp rà soát, đối chiếu, phân loại các vụ án tạm đình chỉ điều tra và tùy từng trường hợp xử lý như sau:
Thứ nhất: Đối với vụ án có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định phục hồi điều tra được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
Thứ hai: Đối với vụ án tạm đình chỉ điều tra nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra mà không phải ra quyết định phục hồi điều tra;
Thứ ba: Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này căn cứ vào quy định tại Điều 27, Điều 28 Bộ luật Hình sự và phân loại tội theo khoản, điều của Bộ luật Hình sự ghi trong quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can chỉ ghi điều luật, không ghi khoản và quá trình điều tra chưa chứng minh làm rõ được hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật đó thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của điều luật đó.
Trường hợp của bị can Thân Văn Hưng, ngày 19/12/2011 Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra, bắt tạm giam 16 tháng tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khoảng tháng 6/2013 ông Hưng được tại ngoại, đến ngày 03/02/2016 thay đổi tội danh từ “Lừa đảo” sang tội “Sử dụng trái phép tài sản”, ngày 06/02/2016 Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, ngày 25/12/2020 ra quyết định phục hồi điều tra, ngày 28/12/2020 ra quyết định thay đổi tội danh từ “Sử dụng trái phép tài sản” sang tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cùng ngày 28/12/2020 ông Hưng bị bắt lại.
Viện dẫn điều luật nêu trên bị can Thân Văn Hưng bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau đó chuyển sang tội danh “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 142 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05/PC -46 ngày 3/2/2016 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, theo hướng dẫn tại khoản 1,2 và 3 Điều 7 của Thông tư nêu trên, bị can Thân Văn Hưng bị khởi tố về tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 142 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, do Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05/PC46 chỉ ghi điều luật, không nghi điều khoản áp dụng.
Mặt khác theo luật sư Tạ Anh Tuấn, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng không xác định được hành vi phạm tội của bị can Hưng phạm vào khoản nào của Điều 142, nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này được xác định căn cứ vào khung cơ bản, cụ thể khung cơ bản Điều 142 BLHS quy định: “ Người nào vì vụ lợi…….thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm” thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên áp dụng khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm.
Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện (khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015), theo quy định này ngày tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là ngày 25/05/2011 ông Hoàng Văn Thái – Giám đốc Ngân hàng VPBank Bắc Giang có đơn tố cáo Công ty CP Hưng Sơn và ông Thân Văn Hưng có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này là 05 năm, được tính kể từ ngày 25/5/2011 đến ngày 28/12/2020 ông Hưng bị bắt trở lại là gần 10 năm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Cơ quan CSĐT/VKSND tỉnh Bắc Giang phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư liên lịch “…khi Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành (15/7/2020) thì ra quyết định đình chỉ đối với vụ án tạm đình chỉ, quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
“Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT/VKSND tỉnh Bắc Giang lại ra Quyết định phục hồi điều tra là trái với quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2020 và khoản 1, Điều 235 BLTTHS năm 2015 về phục hồi điều tra “ Khi có lý do hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra Quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS”, đồng thời ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ tội danh “Sử dụng trái phép tài sản” sang tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là trái quy định của pháp luật, không thể hiện đúng nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2020”, luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.
Còn nữa…
Công ty Cổ phần Hưng Sơn là một doanh nghiệp kinh doanh phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, được thành lập từ năm 2009. Doanh nghiệp này do ông Thân Văn Hưng (SN 1976, hộ khẩu thường trú tại nhà B2 khu tập thể Phân Đạm (TP Bắc Giang) làm giám đốc). Do nhu cầu về vốn để kinh doanh nên ngày 8/12/2010, Ban Giám đốc Công ty đã ký hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank)–chi nhánh tại Bắc Giang để vay số tiền 6,5 tỷ đồng, thời hạn vay kể từ ngày ngân hàng giải ngân đến 25/3/2011. Đến thời hạn thanh toán, Công ty Hưng Sơn mới chỉ trả 2,5 tỷ đồng tiền gốc và 300 triệu đồng tiền lãi cho Ngân hàng VPBank. Số còn lại là 4 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi Công ty Hưng Sơn đã đến hạn trả nhưng chưa thanh toán nên Ngân hàng VPBank Bắc Giang đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tố cáo. Ngày 19/12/2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Kết luận điều tra cũng như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này Viện KSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho cơ quan điều tra để làm rõ ý thức chủ quan, mục đích chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng hay 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, Viện KSND đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng thành viên HĐQT Công ty Hưng Sơn. Trong quá trình điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) nay là PC03 - Công an Bắc Giang đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05/PC46 ngày 3/2/2016 và khẳng định ông Thân Văn Hưng không phạm tội lừa đảo, nhưng có căn cứ phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 Bộ luật Hình sự sửa đổi và quyết định này đã được Viện KSND tỉnh Bắc Giang phê chuẩn. Cũng tại đây, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã không xác định được ai là người bị hại, phía Ngân hàng VPBank Bắc Giang hay phía đối tác làm ăn với Công ty Hưng Sơn. Do vậy CQĐT đã phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án số 25/PC46 ngày 6/2/2016 do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang kí với lý do: “Do tranh chấp giữa ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Bắc Giang và chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang nên cần phải xác định rõ nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự bằng một bản án dân sự của Toà án”. Đến ngày 25/12/2020, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định phục hồi điều tra và ngày 28/12/2020, PC46 (nay là PC03) đã thay đổi quyết định khởi tố bị can chuyển từ tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999 sang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng lần thứ 2. Ngày 17/12/2021, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt cựu giám đốc doanh nghiệp này 14 năm tù. |