Chuyện “chiếc vali không khóa”
“Bảo hộ sở hữu trí tuệ giống như chiếc vali đựng hành lý đi nước ngoài nhưng không khoá. Vì thế, khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần khoá bản quyền của mình lại…”.
>>>Nâng sức cạnh tranh cho du lịch bằng sở hữu trí tuệ
Đó là chia sẻ của ông Peter Willimott, Văn phòng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tại Singapore xung quanh câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam bị “đánh cắp” tại thị trường nước ngoài trong những năm qua. Để tránh chuyện “bổn cũ soạn lại” cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Peter Willimott cho rằng, doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu ở cả Việt Nam và nước ngoài để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình để tránh rủi ro.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ còn “khiêm tốn”
Theo đó, những năm qua, giới doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bao phen "ngẩn ngơ" khi chứng kiến những thương hiệu bị "chuyển hộ khẩu" như bia Sài Gòn tại Mỹ và Canada, bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và châu Âu, cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi ở Mỹ, hay kẹo dừa Bến Tre, mít sấy Vinamit tại Trung Quốc, nước mắm Phú Quốc… đã từng "chịu trận" vì chậm chân trong bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài. Phải rất vất vả, kẹo dừa Bến Tre mới trở về quê hương ở miền Tây, còn Vinamit cũng bao phen lao tâm khổ tứ mới lấy lại được thương hiệu của mình từ tay đối tác Trung Quốc…
Gần nhất, câu chuyện thương hiệu gạo ST25 tiếp tục bị “đánh cắp” lại xảy ra vào đúng thời điểm Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu với hàng loạt hiệp định thương mại FTA để doanh nghiệp bước chân ra thương trường quốc tế.
Theo ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp – VCCI, báo cáo thường niên sở hữu trí tuệ năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đọan 2010-2021, tại Việt Nam có trên 65 nghìn đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, trên 5 nghìn đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31 nghìn đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480 nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313 nghìn văn bằng được cấp ra.
Trong số đó, chủ thể là doanh nghiệp chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021, tăng từ 30,47% của năm 2010, chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010).
Tuy nhiên, ông Huân thẳng thắn cho rằng hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay. Báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, chỉ số đo lường quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm một bậc so với năm 2021.
Ngoài ra, nếu so sánh với con số hơn 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường thì số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn.
Ông Huân nhận định rằng trong kỷ nguyên này, doanh nghiệp thành công cũng dễ dàng nhưng thất bại ngay nếu thiếu đi sự chuẩn bị kỹ càng cả về vật lực và tâm lực. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như CPTPP, EVFTA đã nâng cao mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay.
Mới nhất, hiệp định RCEP cũng đã đưa sở hữu trí tuệ vào thành một chương trong cam kết giữa các bên, khiến bảo hộ sở hữu trí tuệ giờ đây không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Chủ động bảo vệ tài sản vô hình
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ), cho rằng sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tài sản vô hình của mình.
Khi được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần có thói quen đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Cụ thể như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, tư vấn pháp lý và hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, việc bảo vệ nhãn hiệu ở nước ngoài sẽ tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp. Song vấn đề đặt ra, doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức hay bất kỳ một quốc gia nào đều phải nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại, sử dụng đồng tiền nước đó… và thời gian mất 2 năm.
“Doanh nghiệp có thể lựa chọn đơn vị tại Việt Nam để đăng ký bảo hộ ở các quốc gia xuất khẩu của mình như hệ thống Madrid của WIPO Việt Nam nhằm giảm tối đa chi phí tài chính, thời gian cho doanh nghiệp”, luật sư Hiệp chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nâng sức cạnh tranh cho du lịch bằng sở hữu trí tuệ
03:00, 04/11/2022
Vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa Sconnect và EO: Hội Truyền thông số lên tiếng
15:00, 14/10/2022
Hội Truyền thông số lên tiếng bảo vệ "quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt" trên nền tảng số
16:37, 13/10/2022
Bảo vệ sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
03:00, 07/10/2022