Vụ giao “đất vàng” tại Bình Thuận: Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Hai lĩnh án 5 năm tù
TAND TP.Hà Nội tuyên án 12 bị cáo trong vụ giao đất giá rẻ, gây thiệt hại 45,3 tỉ đồng, xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, riêng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị tuyên 5 năm tù.
>>Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin tài sản của nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Theo đó, chiều nay 17/5/2022, sau 8 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội chính thức tuyên án 12 bị cáo trong vụ giao đất giá rẻ, không qua đấu giá cho Công ty cổ phần Tân Việt Phát, gây thiệt hại 45,3 tỉ đồng, xảy ra tại tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai mức án 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh, ông Lương Văn Hải, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị tuyên mức án 42 tháng tù. 9 bị cáo khác là cựu lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành tỉnh Bình Thuận bị tuyên mức án từ thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất là 5 năm tù.
Riêng ông Nguyễn Văn Phong, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận, là người duy nhất bị tuyên mức án 24 tháng tù, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, Tân Việt Phát xin nộp bổ sung 45,3 tỉ đồng, HĐXX chấp nhận đề nghị này, đồng thời không buộc các bị cáo phải bồi thường. Với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng mà gia đình nộp cho một số bị cáo để khắc phục hậu quả, do không có đề nghị trả lại nên quyết định tịch thu sung công quỹ.
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến các quy định quản lý tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại rất lớn; gây dư luận xấu trong xã hội, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
"Việc áp dụng hình phạt tù với các bị cáo là cần thiết, mới đáp ứng được yêu cầu cấp bách phòng ngừa tội phạm để xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình hiện nay", HĐXX nhận định.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng đánh giá, đây là bài học cho các cán bộ công chức, viên chức có thái độ làm việc chưa mẫn cán, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu tinh thần học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Ngoài các tình tiết buộc tội, HĐXX còn ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, trong đó có việc giao đất cho doanh nghiệp xuất phát từ mong muốn tăng nguồn thu cho ngân sách, không vì động cơ vụ lợi cá nhân.
Theo cáo buộc, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng khu đất 92.600 m2 thuộc P.Phú Hài, TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), giá khởi điểm phê duyệt là 111,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 6 lần thông báo nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký hồ sơ đấu giá.
Tháng 1/2017, Công ty Tân Việt Phát đề nghị được giao khu đất dưới hình thức không thông qua đấu giá và được tỉnh Bình Thuận chấp thuận, với mức giá 111,1 tỉ đồng.
Sau khi nộp đủ tiền vào ngân sách, công ty được cấp 3 sổ đỏ. Tiếp đó, công ty xin thực hiện dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư, phân thành 500 lô đất, rồi được cấp mới 500 sổ đỏ tương ứng. Công ty sau đó chuyển nhượng 475 lô, giá từ 6 - 7,3 triệu đồng/m2, đã thu 50% số tiền bán đất, tổng 499 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, tại thời điểm UBND tỉnh Bình Thuận quyết định giao đất, tức năm 2017, giá trị quyền sử dụng khu đất 92.600 m2 là hơn 156,4 tỉ đồng. Lẽ ra, UBND tỉnh phải áp dụng mức giá này để tính tiền sử dụng đất với Công ty Tân Việt Phát, nhưng thực tế lại áp dụng mức giá từ năm 2013 - thời điểm phê duyệt tổ chức đấu giá, với số tiền chỉ là 111,1 tỉ đồng. Hậu quả, ngân sách bị thiệt hại 45,3 tỉ đồng, là chênh lệch giá đất giữa các năm, HĐXX nêu.
>>Vụ “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Tiếp tục điều tra 8 dự án còn lại
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin và vào cuộc từ đầu vụ việc, sau khi có những tờ trình “hoả tốc” về tham mưu của các sở ban ngành cho UBND tỉnh Bình Thuận, thì hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng", đất công tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”, khiến hàng trăm hộ dân "mất nhà, mất cửa"… thậm chí phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Điều đáng nói, tất cả các khu đất này chủ yếu có nguồn gốc là đất công, đất rừng… thông qua công tác giải tỏa (mồ mả, đất ở, nhà ở, đất rừng… của những người dân nghèo, đất quy hoạch làm trụ sở cơ quan hành chính), nhưng sau đó được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp nhưng không thông qua đấu giá.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thực hiện còn lộ rõ những lỗ hổng, yếu kém của các cơ quan tham mưu trong việc áp dụng luật định, đối tượng ưu tiên, thậm chí là xuất hiện những dấu hiệu của việc "luật chưa thông”… nhưng “đất công đã loạn”.
Ngày 10/2/2022, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Cùng đó, công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người cùng về tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Tiếp đến, từ ngày 2 – 4/3/2022, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp và xem xét kết quả kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án... Một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ngày 21/7/2022, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác gây hậu quả nghiêm trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Ngày 4/11/2022, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 10, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Tuấn Phong.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin tài sản của nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
00:38, 17/03/2023
“Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính thức khai mạc
22:01, 25/03/2023
Vụ “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Tiếp tục điều tra 8 dự án còn lại
00:06, 05/02/2023
Vụ “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Bắt giam đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh
03:40, 13/12/2022
Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong bị miễn nhiệm?
11:00, 04/11/2022