TP.HCM: Thu giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng không rõ nguồn gốc
Quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ nhiều thực phẩm chức năng và hàng thời trang có dấu hiệu giả, nhái thương hiệu nổi tiếng.
Nhằm trấn áp hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 22/5/2020, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368), Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng Cục QLTT đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục QLTT TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đồng loạt ra quân và tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm thuộc Quận 1 và Quận 10 TP.HCM.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV… hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu quốc tế.
Cụ thể, tại điểm Yume thương mại điện tử, đoàn kiểm tra đã thu giữ 301 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, với trị giá 84.000.000 đồng. Còn tại điểm kinh doanh YuMe Fashion, địa chỉ số 407/1 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM, kinh doanh túi xách, thắt lưng, ví, quần áo, đồng hồ... đoàn kiểm tra đã thu giữ tổng cộng 20.876 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, với trị giá 877.017.000 đồng.
Điểm kinh doanh Phương Hà I, địa chỉ số 58 Hàm Nghi, Quận 1, TP.HCM, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại... đoàn kiểm tra thu giữ 2515 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 105.606.000 đồng; 6.234 sản phẩm hàng lậu, trị giá 135.392.000 đồng; 318 bao thuốc lá, trị giá 7.580.000 (hàng cấm). Điểm kinh doanh Phương Hà II, địa chỉ 69-71 Hàm Nghi, Quận 1, TP.HCM , kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại... đoàn kiểm tra thu giữ 6559 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, với trị giá 136. 414.000 đồng.
Điểm kinh doanh Thủy Ngân, địa chỉ 114 Tôn Thất Đạm, Q1, TP.HCM, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại, nước hoa... đoàn kiểm tra thu giữ 5267 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng trị giá 401.960.000 đồng.
Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng dường như không thể biết được mình đang xem và mua phải những hàng giả nhãn hiệu lớn. Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo nhận ship loại hàng giả này đi toàn thế giới.
Các đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo thẩm quyền. Để có được kết quả nêu trên là sự triển khai đồng bộ, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, ngăn chặn việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng nhận thấy kinh doanh trên thương mại điện tử là một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng khi những lỗi vi phạm phổ biến như thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website...
Tổng cục QLTT khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán, đặc biệt khi mua hàng trên Internet để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trôi nổi. Từ nay đến hết năm 2020, Tổng cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các đường dây, ổ nhóm này.
Đợt kiểm tra này được triển khai theo Quyết định số 2981 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, qua công tác theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có thể bạn quan tâm