“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 2): Tuyệt chiêu phù phép biến "giả" thành "thật"
Do lợi nhuận khổng lồ mang lại từ việc buôn bán đồng hồ giả, nhái nên nhiều gian thương đã thêm tem, mác, giấy tờ, thậm chí trà trộn để “hô biến” đồng hồ nhái thành hàng chính hãng.
Những con số từ một cuộc khảo sát gần đây đã khiến không ít người tiêu dùng phải giật mình. Đó là 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả. Một chiếc đồng hồ giả có giá vài triệu đồng sẽ được "biến" thành đồng hồ chính hãng với giá lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Anh Bùi Quang Minh, một dân buôn đồng hồ hàng hiệu tại Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện không ít những gian thương nghĩ ra rất nhiều các chiêu trò tinh vi để tiêu thụ các loại đồng hồ nhái với giá chính hãng.
Bên cạnh việc trà trộn giữa hàng thật và hàng giả, một số gian thương còn nghĩ ra cách “hợp thức hoá” giá trị của những chiếc đồng hồ nhái với những loại tem, nhãn, hộp đựng y như hàng chính hãng để lừa khách hàng.
Không chỉ vậy, một số cửa hàng còn sẵn sàng nhận “thẩm định” đồng hồ. Mặc dù trên thực tế, đại diện một số hãng đồng hồ chính hãng cho biết, các hãng đều không nhận thẩm định “chéo” với các hãng đồng hồ không phải do mình sản xuất và cũng không cấp bất kì loại giấy tờ nào liên quan đến việc thẩm định. Muốn biết đồng hồ chính hãng hay không chỉ có cách duy nhất là kiểm tra code của sản phẩm và giấy tờ hợp lệ.
Nhưng mâu thuẫn là trên thực tế hiện nay đã xuất hiện một số dịch vụ nhận “thẩm định” công khai dựa trên … “kinh nghiệm” của thợ sửa đồng hồ.
Đáng nói là chính những thợ sửa đồng hồ có hàng chục năm kinh nghiệm lại khẳng định, việc thẩm định này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết về các loại đồng hồ của người thẩm định. Chính vì vậy, rất dễ có thể xảy ra sai sót và cũng không ai dám chắc chắn 100% việc thẩm định là chính xác tuyệt đối.
Như vậy, có thể thấy, việc thẩm định chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể cho rằng đó là cơ sở để khẳng định 1 chiếc đồng hồ là hàng chuẩn 100%.
Gần đây, khi các cửa hàng mang danh “đồng hồ chính hãng” mọc lên như nấm sau mưa, bên cạnh chiêu trò câu khách online, nhiều chủ cửa hàng bán đồng hồ nhái còn thuê hẳn cửa hàng kinh doanh với địa chỉ rất rõ ràng tại Hà Nội hay các tỉnh thành khác. Điều này vô cùng quan trọng quyết định tâm lý khách hàng bởi khi mua khách hàng sẽ “tin tưởng” hơn rất nhiều vì cửa hàng có địa chỉ nếu có vấn đề còn dễ bắt đền.
Đáng nói, các cửa hàng kiểu này còn sẵn sàng cam đoan 100% là hàng chính hãng, có chế độ bảo hành cho người mua hàng đầy đủ, thậm chí các loại sổ bảo hành còn được in với đủ thứ tiếng …
Anh Quốc Hải, một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ, trên thị trường hiện nay, tinh vi hơn là hình thức bán các loại đồng hồ giả trà trộn với các loại đồng hồ thật với những cái tên được gắn mác Made in Germany, Swiss made… Với những khách hàng không có kinh nghiệm sẽ rất dễ bị hoa mắt khi được tư vấn “hàng hiệu giá rẻ” nhưng thực tế lại mua với giá rất cao. Đây có thể nói là một trong những trò để lừa bịp người tiêu dùng theo hình thức “treo đầu dê bán thịt chó” mà nhiều người tiêu dùng thường đã mắc bẫy.
“Năm trước, khi mua chiếc đồng hồ Roamer, một thương hiệu Thụy Sĩ ở cửa hàng Galle Watch tại Big C Thăng Long có giá tới 20 triệu đồng, nhưng chất lượng không bằng “hàng mã” vì một năm rơi vít đáy tới… 4 lần khiến tôi thường xuyên phải mang đi bảo hành. Sau nhiều lần khiếu nại, cuối cùng cửa hàng này phải đổi một chiếc đồng hồ mới cùng các chế độ bảo hành, “tôi đồng ý nhận chiếc đồng hồ mới này, nhưng cũng không biết sẽ dùng ổn định được bao lâu”, anh Hải lo lắng chia sẻ.
Thực tế, phải nói rằng, tại Việt Nam chỉ có rất ít cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền chính thức từ các hãng đồng hồ. Trong khi nguồn cung hạn chế, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng cao đã khiến các sản phẩm nhái giả xuất hiện tràn lan như hiện nay.
Tại Hà Nội những năm gần đây, các lực lượng chức năng và cơ quan quản lý thị trường đã liên tục phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh đồng hồ giả, kém chất lượng, được làm nhái với những thủ thuật rất tinh vi. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của loại mặt hàng này vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Có thể bạn quan tâm
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 1): “Vàng thau lẫn lộn”
04:30, 28/05/2020
Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
06:06, 16/04/2020
Thị trường Da-Giầy: Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
15:24, 17/03/2020
Chống hàng giả tuần qua: Phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc
10:30, 30/05/2020
Xử lý người đứng đầu nếu để buôn lậu, hàng giả lộng hành
00:01, 29/05/2020