Vụ bắt hơn 17.000 khẩu trang 3M: Cần nghiêm trị để… răn đe
Liên quan đến vụ bắt hơn 17.000 khẩu trang nhãn hiệu 3M nghi giả mạo tại Hà Nội của các lực lượng chức năng vừa qua, chuyên gia cho rằng, cần nghiêm trị để tạo tính răn đe…
Ngày 07/8, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), qua phối hợp, Đội QLTT số 22 - Cục QLTT TP. Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, phát hiện số lượng lớn khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, chiều 06/8, lực lượng liên ngành đã đột xuất kiểm tra Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có địa chỉ tại C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có chứa hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng là 17.100 chiếc, chủ doanh nghiệp cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo đại diện của cơ quan chức năng, toàn bộ số hàng hoá được phát hiện tại doanh nghiệp này do nước ngoài sản xuất, bước đầu nhận định lô hàng có dấu hiệu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, chúng tôi sẽ phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu 3M tại Việt Nam kiểm nghiệm, làm rõ.
Cuối ngày 06/8, lực lượng liên ngành mới kiểm đếm xong lô hàng khẩu trang số lượng lớn và hoàn thiện các thủ tục để tạm giữ, phục vụ quá trình thẩm tra xác minh để xử lý theo quy định.
Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi bức xúc khi cả nước căng mình chống đại dịch COVID-19, ngành Y tế vất vả ngày đêm, nhưng vẫn có những kẻ lợi dụng khan hiếm hàng hóa, trang thiết bị y tế, cũng như thuốc phòng chống, điều trị chống dịch COVID-19, để tiến hành sản xuất, kinh doanh vật tư, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng, lừa dối ngay cả chính đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu, cần phải được nghiêm trị để tạo tính răn đe.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, khi hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sẽ bị áp dụng xử phạt theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Tùy theo giá trị của hàng hóa bị phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng sẽ có mức xử phạt tương ứng. Trường hợp của doanh nghiệp này thuộc vi phạm điểm a khoản 12 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế - sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này”, Luật sư Hiệp cho biết.
Cũng theo Luật sư Hiệp, đối với trường hợp này biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“Ngoài ra, đối với trường hợp này, khi cơ quan chức năng phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu 3M tại Việt Nam kiểm nghiệm, làm rõ, số sản phẩm bị phát hiện, bắt giữ là hàng giả mạo, doanh nghiệp này có thể bị xử lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, bên cạnh việc có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, những người liên quan đến hành vi mua bán sản phẩm giả mạo cũng có thể phải đối diện với mức phạt tù cao nhất lên tới từ 7 đến 15 năm”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Phát hiện, thu giữ 20 tấn sách lậu tại 2 xưởng in
18:03, 20/07/2021
Thu giữ lượng lớn thuốc lá điện tử tại Hà Nội
13:00, 10/07/2021
Thu giữ 11.821 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu hàng giả
10:50, 01/07/2021
Hà Nội: Thu giữ hàng tấn nước hoa không rõ nguồn gốc ở Hà Nội
02:03, 01/07/2021
Thu giữ hàng tấn nguyên liệu trà sữa chưa rõ nguồn gốc
23:09, 24/06/2021