Tiền Giang kiểm tra đồng loạt 32 cửa hàng vật tư nông nghiệp
Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT đồng loạt tiến hành rà soát, giám sát việc kinh doanh phân bón tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để góp phần bình ổn thị trường phân bón cũng như giữ ổn định giá phân bón ở thị trường trong nước, ngày 10/8, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT đồng loạt tiến hành rà soát, giám sát việc kinh doanh phân bón tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 1.442 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 09 cơ sở sản xuất phân bón. Tổng sản lượng phân bón sản xuất trung bình hơn 28.000 tấn/năm (chủ yếu là phân NPK, trung vi lượng, phân bón lá, hữu cơ); trong đó, tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 50% (14 nghìn tấn), còn lại 50% (14 nghìn tấn) tiêu thụ tại các tỉnh khác (Long An, Đồng Tháp, Bình Phước...).
Qua kiểm tra, giám sát đối với 32 cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lực lượng QLTT đã phát hiện 22 cửa hàng đóng cửa, tạm nghỉ do dịch COVID-19, còn lại 10 cửa hàng hoạt động bình thường. Các cửa hàng có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Về giá cả mặt hàng phân bón so với ngày 19/7/2021 tăng 5-10%. Cụ thể, giá phân Đạm Phú Mỹ: 605.000/bao/50kg, Đạm Cà Mau: 610.000/bao/50kg, DAP Korea: 900.000/bao/50kg.
NPK 16.16.8 (Phú Mỹ): 530.000/bao/50kg, NPK 20.20.15 (Phú Mỹ): 680.000/bao/50kg, NPK 20.20.15 (Đầu trâu): 740.000/bao/50kg.
NPK 20.5.5 (Phú Mỹ): 505.000/bao/50kg, NPK 17.15.9 (Phú Mỹ): 515.000/bao/50kg.
NPK 20.20.15 (Đầu trâu): 740.000/bao/50kg, Kali CaNaDa: 510.000/bao/50kg, Lân Long Thành bột: 165.000/bao/50kg, Lân Ninh Bình Bột: 175.000/bao/50kg.
Giải thích về nguyên nhân tăng giá phân bón, một số doanh nghiệp cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào (phân DAP, Ure) tăng, việc vận chuyển trong tình hình dịch COVID-19 khó khăn; việc khan hàng từ các công ty tại TP.HCM dẫn đến chi phí mặt hàng này tăng hơn bình thường.
Trước đó, ngày 28/7, Tổng cục QLTT đã có công văn số 1634/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.
Trong công văn, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.
Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021. Đối trượng kiểm tra là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Nội dung kiểm tra là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh; hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa; nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; chất lượng của hàng hóa; việc thực hiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý.
Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo, Cục Nghiệp vụ QLTT chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón quy mô lớn hoặc phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi được yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Giá tăng "phi mã", ngành phân bón đối diện với việc thanh tra toàn diện
11:00, 10/08/2021
Cần tháo gỡ nguyên liệu đầu vào cho phân bón
02:00, 07/08/2021
Phạt gần 400 triệu đồng vì bán phân bón sai quy chuẩn
11:00, 03/08/2021
Doanh nghiệp sản xuất phân bón đang lãi bao nhiêu?
15:46, 27/07/2021
Vì sao chưa tạm dừng xuất khẩu khi giá phân bón vẫn tăng cao?
11:00, 13/07/2021
Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp ngành phân bón hưởng lợi
05:00, 04/07/2021