CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: "Vướng mắc" trong chính khâu xử lý và tiêu huỷ

Bài: THY HẰNG - Ảnh: NGỌC THOẢ 29/11/2022 17:00

Không chỉ khó khăn trong công tác điều tra thu giữ, quá trình bảo quản và xử lý các tang vật, hàng hoá là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc cũng rất phức tạp.

>>>CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm

Chia sẻ về những khó khăn trong chính công tác tiêu huỷ, xử lý hàng hoá buôn lậu, gian lận thương mại… Tại Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, có nhiều ý kiến phản ánh quy trình và thời gian xử phạt lâu, ảnh hưởng chất lượng hàng hoá cần xử lý cũng như vấn đề môi trường.  

ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý Thị trường

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý Thị trường. 

“Trong quá trình xử lý các tang vật, hàng hoá là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc thì việc bảo quản và xử lý tang vật rất phức tạp”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý Thị trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, quan điểm của các cơ quan chức năng thì các mặt hàng không rõ nguồn gốc gây ảnh ưởng tới sức khoẻ con người và môi trường phải tiêu huỷ, còn những mặt hàng có thể bán được sẽ tiến hành giám định trước khi đưa ra thị trường.

“Nhưng thực tế có nhiều vướng mắc, có vụ việc ban đầu chỉ là gian lận, sau đó quá trình xác định lại có dấu hiệu tội phạm. Lúc này hàng hoá đó trở thành tang vật nên phải giữ lại để điều tra vụ án. Trong khi đó, nhiều vụ án xử lý quá lâu, nên khi nhận lại tang vật thì chất lượng giảm khiến khó khăn trong xử lý. Ví dụ mặt hàng điện thoại, giá trị giảm từ 50-70% theo số năm, có những điện thoại sau khi nhận lại bán ra không ai mua sau thời gian vài năm thu giữ để điều tra”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ chia sẻ.

Bên cạnh đó, với mặt hàng liên quan hoá chất, vật liệu nổ hoặc thuốc bảo vệ thực vật khi thu giữ bảo quản gặp khó khăn. “Có khu chúng tôi thu giữ bình gas buôn lậu thì phải có kho lưu trữ, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được những kho lưu trữ tiêu chuẩn cho hàng hoá như vậy, có khi tang vật chỉ 2-3 bình khí gas nhưng thời gian lưu giữ dài, không thuê được kho lưu trữ”, ông Nguyễn Đức Lê cho biết.

Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”

Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/11.

Hay như với vấn đề tiêu huỷ, khi thu giữ thuốc bảo vệ thực vật khi dùng phương pháp nhiệt độ cao để đốt tiêu huỷ thì chi phí là khoảng 5trieu/kg, trong khi đó, mức bán ra thị trường chỉ 50.000 – 60.000 đồng/chai. Ông Nguyễn Đức Lê đánh giá, chi phí tiêu huỷ lớn hơn nhiều lần so với giá trị sản phẩm đó gây phát sinh chi phí cao. Có khi còn có người dân tại khu vực biểu tình do suy nghĩ việc tiêu huỷ ảnh hưởng tới môi trường, khiến cơ quan chức năng phải vất vả chứng minh việc tiêu huỷ đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường.

>>>CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Vi phạm trực tuyến thách thức nỗ lực của doanh nghiệp

>>>CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: “Đánh cắp” thị phần của doanh nghiệp chân chính

“Có những sản phẩm quy định trong vòng 10 ngày phải trình cơ quan có thẩm quyền về phương án xử lý, nhưng tang vật tạm giữ xử lý phải định giá, sau đó mới biết tiêu huỷ hay bán đấu giá với hình thức và mức giá ra sao nên mất nhiều thời gian… Chúng tôi hiện có lô giấy ăn, máy ép Trung Quốc sau khi thu giữ mang ra bán, nhưng bán đến lần thứ 4 không bán được, sang lần thứ 5, 6 sẽ tiếp tục giảm và khó bán bởi quy định hàng hoá xử lý được yêu cầu phải bán giá tương tự giá trị xử phạt hành chính và giá hàng hoá trên thị trường. Và sau đó bao nhiêu ngày nữa mới được giảm giá tiếp”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ chia sẻ khó khăn.

Đồng thời khẳng định, đó là những bất cập ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị hàng hoá phải xử lý, tiêu huỷ hay đấu giá.

Từ thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ đề xuất, Bộ Tài chính có giải pháp tham mưu với Chính phủ để xử lý các sản phẩm có thể bán xung công quỹ với quy trình nhanh chóng đơn giản hơn nữa. “Đã là mang đấu giá thì cần theo phương án từ thấp tới cao. Chúng ta hiện vẫn đấu giá theo hình thức bắt đầu là ngang giá thị trường rồi tăng lên, như vậy rất khó xử lý”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

ông Bùi Văn Hoàn, Phó Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Ông Bùi Văn Hoàn, Phó Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Hoàn, Phó Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, khi đưa ra trung tâm giám định chờ rất lâu, chưa nói tới trường hợp có khiếu nại, thời gian quá lâu nên khi hàng hoá được giám định xong cũng đã hỏng hoặc hư hại làm thiệt hại về giá trị.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam, cho biết, tại Ý hay Đức họ sử dụng chung một kho lưu trữ.

“Kinh nghiệm của JTI cho thấy, chúng ta có thể học hỏi về việc phân loại mặt hàng để phân biệt xử lý nhanh. Bên cạnh đó, về tiêu huỷ, rút kinh nghiệm từ Hà Lan, bản thân họ xác định khả năng bắt được tội phạm hay không rồi mới lưu trữ hàng hoá là tang vật, còn xác định khả năng bắt được tội pháp là không thì sẽ dứt khoát tiêu huỷ nhanh chóng. Tại Philipin họ chọn cách lấy hàng mẫu trong cả lô hàng, đủ để có mẫu giám định phục vụ xác định điều tra vụ án hình sự, như vậy giảm được chi phí lưu trữ cũng như có thể xử lý nhanh chóng hàng hoá đó so với thị trường”, ông Nguyễn Công Minh Bảo chia sẻ.

Đồng thời khẳng định, chúng ta phải giảm ngay phần đầu vào. Đặc biệt phải thay đổi nhận thức của các cửa hàng bán lẻ cũng như người tiêu dùng. Có chính sách đào tạo cho các đối tượng này cũng như có chế tài đủ ảnh hưởng cho các đối tượng này nghiêm chỉnh chấp hành ngay từ đầu vào hàng hoá.

Có thể bạn quan tâm

  • CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Vi phạm trực tuyến thách thức nỗ lực của doanh nghiệp

    16:00, 29/11/2022

  • CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Cần quyết liệt, đồng bộ

    15:30, 29/11/2022

  • CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: “Đánh cắp” thị phần của doanh nghiệp chân chính

    15:20, 29/11/2022

  • CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI: Buôn lậu, hàng giả phức tạp với thủ đoạn tinh vi

    15:00, 29/11/2022

Bài: THY HẰNG - Ảnh: NGỌC THOẢ