Buôn lậu, gian lận thương mại: Diễn biến phức tạp cả đường bộ lẫn đường biển
Lực lượng chức năng tại các tỉnh phía Nam, liên tiếp bắt giữ khối lượng hàng hoá khủng có giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
>>Hệ thống bán lẻ tiếp tay xăng dầu lậu
Nhiều diễn biến phức tạp…
Đáng nói, những sản phầm này đều không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ... nhưng đã được các đối tượng buôn lậu tuồn về Việt Nam cả đường bộ lẫn đường biển nhằm tiêu thụ, như: xăng dầu, điện thoại di động, quần áo, vải, giày, dép, ốp lưng điện thoại di động, túi nhựa các loại…
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT), ngày 8/11/ 2023, Đội Quản lý thị trường số 2, bất ngờ kiểm tra đồng loạt 2 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân. Qua kiểm tra, phát hiện 5.445 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính và thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, cụ thể:
Tại điểm kinh doanh số 1, kho chứa trữ hàng hóa trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.742 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu: SENSODYNE, CLEAR, DOVE, SUNSILK, TRESEMME; điểm kinh doanh số 2 tại đường số 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.793 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: GUCCI, YSL…
Cũng theo Cục QLTT TP.HCM, sau khi kiểm tra chất lượng hàng hoá, ngày 2/11/2023, lực lượng QLTT đã thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 1.910 đơn vị sản phẩm hàng hóa chủ yếu là quần áo, vải, giày, dép, ốp lưng điện thoại di động, túi nhựa các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng và hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu: Chanel, Nike, Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Dior. Số lượng hàng hoá bị tiêu huỷ có tổng trị giá 260.930.000 đồng.
Liên quan tới các giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng buôn lậu, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường QLTT) TP.HCM, cho biết: trước tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, Cục QLTT TP.HCM chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố.
Riêng đối với hàng giả, trong quý 3 năm 2023, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 426 trường hợp vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu,... tạm giữ 49.444 đơn vị sản phẩm sữa bột, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, đồng hồ, dụng cụ cầm tay, vải, trang sức xi mạ,… nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Apple, Bosch, Dior, Rolex, Patek Phillippe, MLB,.... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4,2 tỷ đồng.
Từ những diễn biến phức tạp trên, Cục QLTT TP.HCM cảnh báo: “Trong các tháng cuối năm, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại sẽ hoạt động sôi nổi, mạnh hơn nên Cục QLTT TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiêp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa, ông Huy thông tin.
>>TP.HCM: Phát hiện 532 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 10
… cả đường bộ lẫn đường biển
Đáng chú ý, mới đây, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Ngô Tấn Đạt (42 tuổi, ngụ quận 10) và Nguyễn Văn Giang (37 tuổi, ngụ quận 8), đây là các đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn lậu hàng hoá, các thiết bị điện tử với tổng giá trị lên đến 300 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Công an TP.HCM, qua khám xét khẩn cấp kho hàng trên, Công an TP phát hiện, thu giữ 3.948 điện thoại di động nhãn hiệu iPhone các loại, ba máy tính bảng các loại, 20 thiết bị định vị Air Tag và các tang vật liên quan, ước tính trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Căn cứ lời khai của Giang, Công an TP đã ra lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở và triệu tập Đạt để làm rõ hành vi phạm tội. Qua điều tra, công an xác định, khoảng tháng 12/2021, Đạt là người chủ mưu, móc nối với một người Campuchia hình thành đường dây buôn lậu điện thoại di động các loại từ Campuchia về TP.HCM tiêu thụ. Trong đó, người Campuchia có trách nhiệm chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức vận chuyển hàng lậu qua biên giới Việt Nam và giao cho Đạt tại TP.HCM để tiêu thụ. Riêng đối tượng Giang có nhiệm vụ nhận hàng cất giấu tại kho, và đi giao điện thoại theo chỉ đạo của Đạt.
Tính từ tháng 12/2021 đến thời điểm bị bắt, đường dây này đã vận chuyển trót lọt trên 22.000 điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng các loại… ước tính giá trị khoảng 300 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại bằng đường biển cũng đang có những diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, theo thông tin từ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, ngày 30/10/2023 tại vùng biển cách Nam Tây Nam Tư Chính khoảng 30 hải lý, lực lượng Đoàn Trinh sát số 2, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện tàu KG 95806TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Nguyễn Thành Công (sinh năm 1987, quê quán Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng.
Theo lời khai ban đầu của Thuyền trưởng, tàu đang chở khoảng 90.000 lít dầu DO, tại thời điểm kiểm tra thuyền trưởng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số dầu trên. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong 6 ngày từ ngày 24 - 29/10/2023, lực lượng chức năng Hải đoàn 32 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải 2 tàu chở khoảng 110.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023, lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ khối lượng hàng hoá lên đến hàng chục nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xử để xử lý theo quy định. Sự việc được các cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại từ này đến cuối năm sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và vẫn có chiều hướng gia tăng. Do đó, đây là một áp lực rất lớn cho lực lượng chức năng vì các đối tượng vi phạm khá tinh vi và manh động, đặc biệt là các đối tượng này hoạt động trên cả đường bộ lẫn đường biển.
Có thể bạn quan tâm
Khan hiếm xăng dầu: Thiếu xăng do ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu, trổi nổi?
17:15, 22/10/2022
Hệ thống bán lẻ tiếp tay xăng dầu lậu
11:01, 19/03/2021
Bộ Công Thương nói gì về tình trạng xăng giả dầu lậu?
03:00, 13/03/2021
Cảnh sát biển liên tiếp bắt giữ tàu cá chở dầu D.O không rõ nguồn gốc
00:04, 01/07/2023
Nhận hối lộ, hai cựu Tư lệnh Cảnh sát biển chia nhau 27 năm tù
19:30, 15/07/2022
Bắt giam cựu Tư lệnh Cảnh sát biển và 4 tướng lĩnh
15:08, 18/04/2022
Vụ 200 triệu lít xăng giả: Nhiều cán bộ biên phòng, cảnh sát biển … “bảo kê”
18:50, 28/12/2021