Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: Vẫn đang “cắt ngọn”
Thực trạng hàng gian, hàng giả đã không còn dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà đã thật sự trở thành một “ngành công nghiệp” đen tối đục ruỗng nền kinh tế đất nước, gây hoang mang xã hội…
>>Chống hàng gian, hàng giả - Bài 1: Nhức nhối từ “chợ” đến “mạng”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng với các hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Điều này gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, hiện nay, chủng loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại hay các sản phẩm đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em... Lập doanh nghiệp và trà trộn hàng giả để tiêu thụ; lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thậm chí tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền và kiện ngược lại cơ quan chức năng khi bị xử lý... là những vi phạm kiểu mới đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý bằng những biện pháp mới, hiệu quả hơn.
Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đồng thời có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc sát sao, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng giả, hàng nhái vẫn đang được tiêu thụ công khai; trong khi đó, việc tổ chức sản xuất thì lại diễn ra trong "bóng tối"; điều này khiến những nỗ lực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa thể xử lý một cách triệt để. Bên cạnh đó, các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới “cắt ngọn” vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ.
>>Nhức nhối hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp phải làm gì?
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái làm giả nhãn hiệu Honda diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của doanh nghiệp. Công ty Honda Việt Nam hiện có hơn 300 nhãn hiệu được bảo hộ, chia thành 4 nhóm chính là nhãn hiệu ô tô xe máy; phụ tùng; dầu nhờn; thiết kế cửa hàng.
Hiện nay, cả 4 nhóm nhãn hiệu chính này đều bị vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Trong đó, có hàng chục nghìn phụ tùng giả được phát hiện, thu giữ hàng năm, tập trung vào nhóm tính năng an toàn như má phanh, dây phanh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của khách hàng và tuổi thọ của xe. Cùng với đó, tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán tràn lan trên thị trường.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái hiện nay đã không còn dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà đã thật sự trở thành một “ngành công nghiệp” đen tối đục ruỗng nền kinh tế đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, phá hoại thành quả của nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển trong nước và vươn ra thế giới.
Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, thực tiễn cho thấy nổi lên các khó khăn, thách thức trong đấu tranh chống sản xuất kinh doanh hàng giả. Trong đó, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng thực thi. Trong khi đó, hệ thống pháp luật để xử lý vấn nạn này lại chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế.
Cùng với đó, công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các bên liên quan vẫn chưa đủ mạnh. Và đặc biệt đó là nhận thức của người dân về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế, điều này dẫn đến việc xử lý các hành vi vi phạm chưa thể triệt để.
Đồng quan điểm, TS. Phan Thế Thắng, Ban bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến những bất cập trong cơ chế quản lý, do sự vô tình “tiếp tay” của người tiêu dùng. Mặt khác còn có sự ngại động chạm đến kiện cáo của người tiêu dùng cũng như ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp với chính sản phẩm của mình chưa cao.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm