Quảng Ninh: 4 “nhà” bắt tay chặn hàng giả đội lốt hàng Việt
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, giả mạo nhãn mác made in Vietnam.
Theo đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa khu vực vành đai biên giới và vùng cấm trên biên giới đất liền, biên giới trên biển, luồng tuyến vận chuyển từ biên giới trên biển vào đất liền.
Ngành Hải Quan thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục hải quan, kiểm tra chi tiết hồ sơ, thực tế hàng hóa (tên hàng, mã số HS, xuất xứ, nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ…), tăng cường kiểm soát hệ thống thông quan điện tử.
Lực lượng công an làm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo nhãn mác made in Vietnam. Lập chuyên án, tổ chức đấu tranh bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: buôn bán, phân phối, lưu thông các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng dán mác made in Vietnam. Thực hiện, nghiêm túc các quy định về kiểm tra chi tiết các tiêu chí, điều kiện liên quan đến ghi nhãn xuất xứ trên sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý… để có căn cứ xác định vi phạm.
Trạm kiểm soát liên hợp Km15 – Bến tàu Dân Tiến, phân công lực lượng liên ngành, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải lưu thông qua trạm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát 2 bên cánh gà dọc bờ sông Thín Coong thuộc địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và hàng hóa giả mạo made in Vietnam vào trong nội địa.
Thời gian qua, tình trạng hàng hóa được sản xuất hoặc đặt gia công từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) nhưng lại được gắn mắc made in Vietnam nhập lậu qua biên giới được đưa vào nội địa tiêu thụ để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng điện tử, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm… Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc ghi xuất xứ hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng gia tăng, theo đó, hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phẩm…
Hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên nhãn hàng hóa đã thể hiện "Made in Vietnam", mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập khẩu về Việt Nam.
Hàng hóa bị “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 nhằm tận dụng ưu đãi về thuế tại thị trường Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,….Đặc biệt sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Hoàn tất hồ sơ để khởi tố doanh nghiệp nhập hàng chục tấn hàng lậu về cảng Cát Lái!
08:42, 17/03/2019
Hải quan bắt giữ 6 xe hàng lậu điện thoại di động, phụ tùng ô tô...
07:00, 22/04/2018
CSGT Quảng Ninh vừa kịp thời bắt một lô hàng lậu
16:06, 25/01/2018
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Hành vi gian lận thương mại thông qua việc tùy ý gắn nhãn mác made in Vietnam cho các hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam chính hãng để bán ra thị trường thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả. Theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, các doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị xử phạt từ 200 nghìn đồng tới 60 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa. Còn theo Điều 14 của Nghị định 185 thì hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 90 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa - luật sư Thuận cho biết thêm.
Việc hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam không những gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến ngành hàng sản xuất trong nước, làm ảnh hưởng đến uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam, gây thất thu ngân sách.
Không chỉ quần áo, nhiều sản phẩm khác như giày dép, đồ gia dụng cũng được các cửa hàng quảng cáo là hàng xuất xứ "xịn" do các doanh nghiệp trong nước sản xuất được tuồn ra ngoài thị trường bán.