Hải Phòng: Bắt giữ lô hàng trên 600 tấn quặng đồng nguyên khai
30 container quặng đồng nguyên khai có tổng trọng lượng khoảng 600 tấn, trị giá khoảng 10 tỷ đồng vừa bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng.
Đây được xem là một trong những vụ bắt giữ khoáng sản lớn nhất tại địa bàn Hải Phòng những năm gần đây.
Khoảng 14 giờ ngày 16/5, tại bãi cảng của Công ty Hà Hưng Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hải Phòng), Đoàn trinh sát số 1 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1) đã phát hiện, bắt giữ lô hàng gồm 30 container với khoảng 600 tấn hàng là quặng đồng nguyên khai. Lô hàng có trị giá 10 tỷ đồng thuộc Công ty. Được biết, lô hàng này đang được tập kết để đưa sang Trung Quốc.
Hiện, vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.
Sáng 25/5, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với hành vi buôn lậu quặng đồng nguyên khai qua Cảng Hải Phòng và tặng thưởng 50 triệu đồng cho các tập thể tham gia bắt giữ lô hàng nêu trên.
Nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao nghiệp vụ, đặc biệt là phát huy cao tinh thần phối hợp, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Thời gian qua, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, buôn bán tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp và độ nóng chỉ đứng vị trí thứ 2 sau buôn lậu xăng dầu. Đặc biệt tại vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ.
Trước đó, Hải đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc – Hải đội 1 (Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải Quan) đã tiến hành kiểm tra tàu HD 3368 tại vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng – Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, chủ tàu khai tàu chở 1.000 tấn quạng bô xít được bốc xếp lên tàu từ Bắc Giang và vận chuyển theo đường thủy nội địa ra khu vực biển Hòn Nét (Cẩm Phả, Quảng Ninh) để làm thủ tục xuất khẩu.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ tàu đã xuất trình một số chứng từ, như: hợp đồng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, lệnh điều động phương tiện… đều đứng tên Công ty CP vận tải - thương mại Bảo Nguyên, có địa chỉ tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).
Cùng với các chứng từ nói trên, chủ tàu cũng đưa ra một hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài, invoce, giấy phép xuất khẩu khoảng sản do UBND tỉnh Lạng Sơn cấp. Tuy nhiên, giấy phép xuất khẩu này đã hết hạn từ năm 2018.
Từ những dấu hiệu bất thường nói trên, cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, xác minh. Kết quả cho thấy, Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên đã mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Cẩm Phả để xuất khẩu 42.000 tấn tinh quặng bô-xít cho một đối tác có trụ sở tại Hồng Kông. Số quặng nói trên được đóng trên 35 tàu vận tải, lưu trú tại vùng biển Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu quặng trên 35 tàu để giám định và kết quả đều là quặng bô-xít dạng thô chứ không phải quặng tinh như nội dung trên tờ khai của doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, hoạt động buôn lậu, xuất khẩu khoáng sản diễn ra với các hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp, không dừng lại ở một “thủ đoạn” mà đang được biến tướng, khó kiểm soát. Riêng việc ghi khống các hóa đơn vận chuyển khoáng sản, để bắt giữ và chứng minh sai phạm, các cơ quan chức năng đã phải mất rất nhiều thời gian. Cách duy nhất là tiến hành kiểm tra chéo các hóa đơn, bằng cách kiểm tra, xác minh đến địa chỉ được ghi trên hóa đơn, hoặc đến các công ty của Tập đoàn than và Khoáng sản Việt Nam để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cách này được cho là rất tốn công mà không hiệu quả.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó quy định rõ, mặt hàng quặng thô không nằm trong danh mục được xuất khẩu. Nhưng tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra… Nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp, “phù phép” để xuất khẩu, buôn lậu khoáng sản.
Được biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị bổ sung quy định truy xuất nguồn gốc khoáng sản để chống việc khai thác trái phép, xuất khẩu khoáng sản lậu vào dự thảo Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản.
Theo đó, truy xuất nguồn gốc khoáng sản hay truy xuất hồ sơ khoáng sản nhằm bảo đảm khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh phải có nguồn gốc hợp pháp. Từ đó, phân biệt khoáng sản được khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm
An Giang: bắt nhiều vụ buôn lậu qua biên giới.
16:57, 15/05/2020
An Giang: Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu
11:01, 12/04/2020
[Infographic] Phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 4 ngày qua
03:40, 09/05/2020
Kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc: Chủ lô gỗ chưa khỏi bệnh đã phải chấp hành án!
13:30, 16/03/2020