Nhiều vụ buôn lậu không thể khởi tố gây bức xúc dư luận
Ngày 17/7, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả …
Hội thảo do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với cơ quan thường trực Tổng cục Hải quan, cùng sự tham gia của các cơ quan chức năng, đại diện Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 của 28 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại hội thảo, ông Đàm Thanh Thế - chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho rằng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn tồn tại với nhiều diễn biến phức tạp.
"Đường biên giới chúng ta vừa dài, vừa phức tạp, phía Bắc là đồi núi, Phía Nam là sông ngòi. Phương tiện coogn tác chưa đáp ứng được nhu cầu đặc biệt đấu tranh chống buôn lậu. Một yếu tố nữa là mối quan hệ, phối hợp nhiều nơi có lúc chưa đồng bộ, chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là cơ chế chính sách và pháp luật ảnh hưởng rất lớn cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ" - ông Thế phân tích.
Đại tá Vũ Như Hà - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) - cho hay số vụ buôn lậu phát hiện ở các địa phương rất nhiều. Có nơi bắt hàng nghìn vụ nhưng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nào. Nhiều vụ buôn lậu không thể khởi tố bị can gây bức xúc trong dư luận.
Theo đại tá Vũ Như Hà, nạn buôn lậu diễn ra cả quá trình, hành vi kéo dài, đi qua nhiều địa bàn, không chỉ hàng hóa qua biên giới mà thanh toán, giao dịch qua biên giới... Vì vậy, cần có sự phối hợp liên ngành và các địa phương.
"Trách nhiệm của chúng ta ở đây là đã đánh là đánh cả đường dây và có chủ động từ trước. Bắt hàng là khám xét khẩn cấp luôn, chứ hiện nay đi bắt hàng rồi truy nguội lại, rồi chủ yếu xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa còn người thì ở đâu?"- đại tá Hà nói.
Ông Lê Tấn Cường - Ban chỉ đạo 389 TP.HCM - cho hay việc kinh doanh trên môi trường mạng rất phát triển nhưng để xử lý các đối tượng kinh doanh hàng giả trên môi trường mạng rất phức tạp.
Tại hội thảo, đại diệnBan chỉ đạo 389 các địa phương nêu nhiều khó khăn vướng mắc trong việc xác định yếu tố biên giới; xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý; hóa đơn, chứng từ hợp pháp của hàng hóa.
Chưa kể những khó khăn về công tác giám định, định giá tài sản quá lâu, dẫn đến các vụ việc đáng tiếc như vụ phát hiện 440 tấn hạt dẻ ở Lào Cai từ tháng 4-2018 nhưng 1 năm sau mới giám định thì hàng hóa đã bị nấm mốc, không còn giá trị nữa.
Hay vụ kho hàng "khủng" 10.000m2 tập kết bán online ở Lào Cai, đại diện Ban chỉ đạo 389 Lào Cai cho rằng việc bán hàng qua mạng phát triển rầm rộ, các lực lượng chức năng cũng không lường hết được.
"Vụ việc mới, hình thức không giao dịch trực tiếp mà livestream và giao dịch hoàn toàn trên mạng, nếu không có nghiệp vụ rất khó phát hiện. Mặt khác họ bố trí ở nơi rất kín đáo, ngay cả người dân cũng không phát hiện được" - ông Đỗ Du Bắc, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai nói.
Ông Bắc cũng thừa nhận trách nhiệm thuộc về việc quản lý địa bản của lực lượng chức năng, và cho rằng công tác phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn cần phải mạnh hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
06:06, 16/04/2020
Thị trường Da-Giầy: Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
15:24, 17/03/2020
Xử lý người đứng đầu nếu để buôn lậu, hàng giả lộng hành
00:01, 29/05/2020
Buộc thôi việc những cán bộ tiếp tay cho hành vi buôn lậu
00:01, 20/05/2020
An Giang: bắt nhiều vụ buôn lậu qua biên giới.
16:57, 15/05/2020