Hiểm họa khôn lường từ thuốc lá nhập lậu
Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam hiện rất lớn, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho nền kinh tế và là hiểm họa trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm vận chuyển thuốc lá thẩm lậu qua biên giới
Mặc dù nhiều chốt chặn trên biên giới được các cơ quan chức năng lập thêm để phòng chống dịch COVID-19 kết hợp với việc ngăn chặn buôn lậu hàng hóa vào Việt Nam, nhưng vẫn không thể ngăn được lượng lớn thuốc lá thẩm lậu vận chuyển dưới những cơn mưa và đêm tối cùng nhiều thủ đoạn tinh vi khác.
Tỉnh Tây Ninh hiện là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá ở phía Nam, khi có tới 240 km đường biên giáp với Campuchia. Ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh - cho biết: “tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, các đối tượng đầu nậu cầm đầu đường dây buôn lậu chẻ nhỏ hàng, thuê cư dân sống ở vùng biên giới đai vác thuốc lá qua đường biên. Sau đó dùng xe mô tô được thiết kế chuyên dụng, ngụy trang vào trong các loại hàng hóa khác gửi xe tải, xe khách, xe ô tô con và đưa về các thành phố lớn tiêu thụ.”
Ở địa bàn tỉnh Long An, Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An - Phạm Đức Chinh thông tin, ở Long An hiện đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng lúc trời mưa, đêm tối để chuyển hàng lậu qua biên giới, nhiều nhất là mặt hàng thuốc lá. “Sau khi tuồn thuốc lá qua biên giới, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu thường từ 21 giờ đến 2 giờ sáng. Tại các cơ sở kinh doanh như thuốc lá chỉ trưng bày bao vỏ không hoặc trưng bày số lượng nhỏ chung với hàng hóa hợp pháp - khi khách có yêu cầu thì chúng chuyển từ địa điểm khác đến bán. Vì thế khiến công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn”, ông Chinh chia sẻ.
Ông Hà Trung Cang - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh- cho hay, thuốc lá lậu chủ yếu từ nguồn biên giới Tây Nam được các đường dây mang về tập kết ở các địa bàn vùng ven, sau đó phân phối có các đối tượng khác kinh doanh.
Đơn cử, ngày 11/10/2020, cơ quan chức năng đã bắt giữ Nguyễn Văn Đông vận chuyển bằng ô tô 7 chỗ 11.000 gói thuốc lá 555, Jet, Hero nhập lậu và giao cho Tạ Thị Uyên Phương (ngụ đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp). Khám xét nhà Phương, lực lượng kiểm tra thu giữ thêm 600 gói thuốc lá nhập lậu. Nguyễn Văn Đông khai nhận, sử dụng ô tô gắn biển kiểm soát giả chồng lên biển kiểm soát thật vận chuyển hàng cấm từ biên giới Tho Mo thuộc khu vực biên giới Long An giáp với Campuchia về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Tại khu vực miền Bắc, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp, chủ yếu qua khu vực Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), khu vực biên giới phía Bắc, qua sân bay và cảng biển. Gần đây, lực lượng 389 đã bắt giữ một số vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng cực lớn, từ đường dây buôn lậu có tổ chức với mánh khóe rất tinh vi.
Cụ thể, ngày 12/9/2020, Cục Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 2 container trên tàu Bright Laem Chabang/1825N từ cảng Sihanoukville (Campuchia) về cảng Đình Vũ (Hải Phòng) chứa 1 triệu bao thuốc lá 555 nhập lậu và giả nhãn hiệu. Trước đó, ngày 10/7/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Vũ Văn Thanh (ngụ tại TP. Thanh Hóa) vận chuyển bằng xe ô tô thư báo 40.000 bao thuốc lá lậu, trị giá gần 1 tỷ đồng từ Cửa khẩu Lao Bảo đưa về Thanh Hóa tiêu thụ.
Thiệt hại đủ đường từ thuốc lá lậu
Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 75%. Thuốc lá cũng chịu khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá ở mức phí 2%, thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10% và đối với thuốc lá nhập khẩu sẽ phải chịu thêm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng là 135%.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá cũng đang đóng góp tiền cho Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả để đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho việc bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá giả là 4.500 đồng/bao 20 điếu.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong 6 năm (từ 2013 - 2018), các cơ quan hữu quan đã xử lý gần 84.000 vụ thuốc lá nhập lậu, tuy vậy số thuốc lá lậu bị thu giữu chỉ bằng trên dưới 1% tổng số thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, sản lượng thuốc lá nhập lậu tiêu thụ bình quân từ 700 triệu bao đến hơn 1 tỷ bao/năm, tương đương từ 18 - 25% thị phần thuốc lá tiêu thụ trong nước. Từ những con số thực tế trên có thể thấy thuốc lá lậu đã trực tiếp gây thất thu thuế cho Nhà nước một lượng tiền rất lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/năm, khi không phải chịu bất cứ khoản thuế phí nào đồng thời trực tiếp lấy đi hàng vạn việc làm của người lao động trong nước.
“Thuốc lá nhập lậu không phải trả thuế, không gây áp lực lên doanh thu của chính phủ và không giống như các doanh nghiệp sản xuất trong nước, họ không phải tuân thủ chất lượng, quy trình kiểm tra theo quy định của Bộ Y tế và các quy chuẩn quốc tế” - ông Nguyễn Công Minh Bảo thuộc công ty thuốc lá Nhật Bản JTI cho biết.
Cụ thể, trên mỗi bao thuốc lá lậu không in hình ảnh cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với người tiêu dùng; quy trình sản xuất không theo những nguyên tắc bắt buộc sự phê duyệt của Bộ Y tế… Chưa hết, thuốc lá lậu đang lưu thông trên thị trường hiện nay không chịu bất cứ loại thuế nào; những sản phẩm này cũng không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá… nên bán giá rẻ hơn sản phẩm sản xuất trong nước và thuốc lá nhập chính ngạch. Từ đó dẫn tới tăng sức mua và thu hẹp thị phần của các sản phẩm chịu thuế.
Nghiên cứu của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) cũng cho thấy, hai nhãn hàng thuốc lá Jet và Hero chiếm số lượng khá lớn trên thị trường hiện không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật Việt Nam như: Không có hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên vỏ hộp, không ghi rõ nơi, ngày sản xuất, hạn sử dụng, không thực hiện quy định về công bố chất lượng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, lộ trình giảm Tar và Nicotin. Trong khi đó, hàm lượng các chất độc hại chứa trong hai loại thuốc lá này cực cao, trực tiếp gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe người hút.
Ngoài tác động tiêu cực cho nền kinh tế, thuốc lá lậu mà chủ yếu thuốc Jet và Hero là thủ phạm chính gây họa đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, một thành phần vô cùng độc hại đã được tìm thấy trong mẫu sợi của hai nhãn thuốc lá lậu Jet và Hero là coumarin. Chất coumarin là chất cấm trên toàn thế giới, có khả năng gây ngộ độc, đặc biệt thành phần này có trong thuốc diệt chuột.
Theo bác sỹ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân - TP. Hồ Chí Minh, coumarin là một chất kháng đông liều cao, là một chất độc đối với sức khỏe con người.
Trước thực trạng trên, để đẩy lùi mặt hàng thuốc lậu, theo ông Hà Trung Cang, ngoài tăng cường kiểm soát chặt thị trường, yêu cầu hàng nghìn người kinh doanh ký cam kết không tham gia kinh doanh thuốc lá nhập lậu, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh còn phối kết hợp với cơ quan chức năng các tỉnh giáp ranh như Long An, Tây Ninh chia sẻ thông tin về thuốc lá lậu, lập phương án điều tra đường dây, ổ nhóm buôn lậu có tổ chức, kho chứa hàng, điểm giao nhận hàng… Nhờ đó đã phát hiện được nhiều vụ án về thuốc lá nhập lậu với số lượng hàng trăm nghìn bao, chuyên cơ quan công an truy tố hàng chục đối tượng buôn lậu cộm cán tham gia. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu trên thị trường diễn biến vẫn còn rất phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chống buôn lậu cần phải tích cực hơn trong công tác điều tra, xử lý.
“Buôn lậu thuốc lá đang là hoạt động thu về siêu lợi nhuận và trực tiếp tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần tham gia thị trường. Để triệt xóa thuốc lá lậu, ngoài tăng cường kiểm tra, mức xử phạt, khâu tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhập lậu cũng cần đẩy mạnh đến tầng lớp nhân dân”, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đề xuất.
Ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực. Theo đó, mức phạt đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu sẽ được tăng hơn so với mức xử phạt trước. Cụ thể đối với hành vi vận chuyển, buôn bán một gói thuốc lá nhập lậu mức phạt đến 3 triệu đồng. Với mức phạt tăng hơn so với trước, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hy vọng Nghị định 98 sẽ là “thanh bảo kiếm” để triệt tiêu thuốc lá lậu trên thị trường. |