Tăng hấp dẫn thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may
EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho dệt may Việt Nam tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu EU sau 5 năm, kim ngạch xuất khẩu EU đạt 2 con số, phấn đấu vượt qua Ấn Độ và bám sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may vào EU khi khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu sẽ về 0% sau 5 năm, trong đó khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Còn lại khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu về 0% sau 7 năm. Dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần sau 5 năm, chiếm khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 con số, phấn đấu vượt qua Ấn Độ và bám sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nút thắt lớn của ngành dệt may khi EVFTA có hiệu lực chính là nguyên phụ liệu. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đủ mạnh, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Khi đó các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn về nguyên phụ liệu và nhanh chóng tận dụng hiệu quả của EVFTA.
Theo đó, Chính phủ cần có quy hoạch Khu công nghiệp cho nguyên phụ liệu dệt may đủ lớn. Tôi lấy đơn cử như sản xuất vải, để tiến hành sản xuất dệt, nhuộm, hoàn tất cho 1 tỷ mét vải sẽ cần 300 ha đất và có hạ tầng xử lý nước thải. Bên cạnh đó, bỏ thuế VAT khi doanh nghiệp mua nguyên phụ liệu dệt may trong nước. Với quy định hiện tại, thuế VAT khiến đơn giá tăng thêm 2%. Ngoài ra, phải giảm chi phí logistics vì chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam đang rẻ hơn từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các địa phương.