Để Hiệp định TFA đạt kỳ vọng
Các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt và vận dụng Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO (TFA) để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Việt Nam tham gia Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO (TFA) từ năm 2015 và được biết những năm qua các Bộ, ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hoá thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, cấp CO đã giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu (XNK). Ngành hải quan đã cải cách rất mạnh mẽ, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan cho các lô hàng, điển hình như hệ thống thông quan tự động VNaccs/Vcis, VNSW, CO. Các doanh nghiệp cũng đã tận dụng TFA và nắm bắt được những chính sách tạo thuận lợi để đẩy mạnh XNK, tuy nhiên vẫn chưa đạt được nhiều như kỳ vọng.
>>GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Cụ thể, tôi nhận thấy vẫn còn một số tồn tại như sau:
Thứ nhất, “hệ thống một cửa quốc gia” chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng XNK trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là doanh nghiệp in giấy chứng nhận kiểm dịch cầm cho cơ quan Hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan.
Thứ hai, vẫn còn nhiều các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 Bộ ngành trở nên.
Thứ ba, về thủ tục kiểm tra chuyên ngành XNK, hiện nay chỉ có thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/CP ngày 02/02/2018 được áp dụng hình thức quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, kiểm tra thông thường, và kiểm tra chặt.
Thứ tư, việc công nhận, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài còn rất hạn chế. Về cơ bản, kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
Thứ năm, công tác cấp C/O đã được cải thiện đơn giản hoá thủ tục cấp chuyển sang điện tử, không cấp CO giấy. Tuy nhiên về phía doanh nghiệp logistics cũng rất quan tâm vì hiện nay các doanh nghiệp logistics hầu như đang thực hiện hầu hết tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng logistics, từ việc khai báo hải quan, kiểm tra chuyên ngành, xin cấp CO, kiểm dịch động thực vật. Tuy nhiên, chỉ có mỗi hải quan đang cho phép bên thứ 3 là đại lý hải quan (ĐLHQ) thực hiện khai báo bằng chữ ký số của ĐLHQ còn lại các bên khác thì không. Vì vậy phải chăng Bộ Công Thương cũng nên xem xét chấp thuận cho bên thứ 3 (ĐLHQ) thực hiện việc cấp CO.
Thứ sáu, về thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. TMĐT xuyên biên giới là xu thế tất yếu của xã hội. Xã hội ngày càng phát triển thì việc giao thương xuyên biên giới càng phát triển. Hiện nay các DN logistics cũng gặp nhiều trở ngại khó khăn trong việc thông quan hàng hoá được mua qua các sàn TMĐT. Việc khai báo hải quan hiện nay chủ yếu dưới hình thức phí mậu dịch, quà biếu, quà tặng qua đường chuyển phát nhanh. Đặc biệt các mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Đặc tính của hàng TMĐT là số lượng nhỏ, giá trị thấp, cá nhân gửi vì vậy cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng Nghị định quản lý hàng TMĐT sớm ban hành để tạo thuận cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.
Có thể bạn quan tâm