Hiểu Millennials để tạo dựng môi trường làm việc cho thế hệ trẻ

THEO FORBES 11/08/2020 15:45

Millennials, những người sinh ra trong khoảng thời gian 1980-1998, đang chiếm 50% nguồn nhân lực hiện tại và đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên thành 75% theo dự báo của Catalyst.

Năm 2020, hầu hết các công ty lớn sẽ có năm thế hệ cùng nhau làm việc, từ thế hệ truyền thống, đến Baby Boomers, thế hệ X, Millennials và thế hệ Z. Theo dự báo của Catalyst, Millennials (những người trẻ sinh năm 1980 đến 1998) sẽ tạo nên 75% lực lượng lao động vào năm 2025. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất của nguồn nhân lực.

Những người trẻ thuộc thế hệ Millennials tin rằng, tiền bạc là tiêu chí quan trọng nhất để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, lương thưởng là tiêu chí quan trọng nhất mà Millennials xem xét khi xin việc tại một công ty, theo khảo sát do Deloitte thực hiện năm 2018.

Tuy vậy, trong nền kinh tế tự do (gig economy), khi môi trường cung cấp nhiều cơ hội việc làm tạm thời với mức lương có thể hấp dẫn hơn, lương thưởng không còn là một tiêu chí có thể giữ chân Millennials lâu tại doanh nghiệp. Khảo sát trên 10,455 người trẻ thuộc thế hệ Millennials của Deloitte cho thấy, thế hệ này có độ trung thành thấp với công việc. 43% sẵn sàng bỏ việc sau hai năm nếu có cơ hội. So với thế hệ trước, tỉ lệ Millennials có khả năng rời bỏ công việc sau hai năm cao gấp đôi. Điều này đồng nghĩa với bài toán khó đặt ra cho các doanh nghiệp muốn xây dựng lực lượng lao động trung thành về lâu dài.

Khảo sát của Deloitte chỉ ra một yếu tố khác không kém phần quan trọng khi Millennials xem xét công việc mới, đó là sự linh hoạt trong giờ làm, nơi làm, công việc và phương thức tuyển dụng (50%).

 của Deloitte chỉ ra một yếu tố khác không kém phần quan trọng khi Millennials xem xét công việc mới, đó là sự linh hoạt trong giờ làm, nơi làm, công việc và phương thức tuyển dụng (50%).

Với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật số, nhân viên hoàn toàn có thể ở nhà hay đến một quán cà phê để hoàn thành công việc. Thời đại của văn phòng nhàm chán và gò bó đã qua, giờ đây nơi làm việc lý tưởng của các Millennials cần phải "giàu cảm hứng và hỗ trợ họ trong công việc", Shaun Stevens, chiến lược gia bất động sản tại BNP Paribas nhận định.

Báo cáo năm 2017 của Deloitte cho thấy mối tương quan giữa sự linh hoạt với năng suất và sự tận tụy của nhân viên trong công việc. Tổ chức này so sánh mức độ nghiêm túc khi làm việc giữa những Millennials có sự linh hoạt cao trong công ty và những người bị gò bó nhiều hơn tại môi trường làm việc. Một kết quả đáng ngạc nhiên là những nhân viên được "buông lỏng" lại quan tâm tới đạo đức hành vi và danh tiếng công ty hơn hẳn những người bị "ràng buộc". Nguyên nhân có thể nằm trong chính đặc điểm của thế hệ Millennials, đó là những người có cái tôi rất cao, theo đánh giá của Simon Sinek, nhà diễn thuyết truyền cảm hứng nổi tiếng. Sự linh hoạt trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp, chính là một công cụ tốt để Millennials cảm thấy cái tôi của họ được tôn trọng và thỏa mãn, từ đó hài lòng và gắn bó hơn với công việc.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thay đổi trước cách mạng công nghiệp 4.0, hơn ai hết, Millennials nhận thức được tầm quan trọng của quá trình biến đổi này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Deloitte năm 2018 lại chỉ ra rằng, chỉ có 36% Millennials cảm thấy bản thân mình đã sẵn sàng về mặt kĩ năng và kiến thức để đối mặt với những thay đổi sắp tới. Nguyên nhân tâm lí bất an của đa số các Millennials trước cách mạng 4.0 có thể nằm ở quá trình trưởng thành. Theo Simon Sinek, Millennials được cha mẹ bao bọc quá mức. Kết quả là khi lớn lên và đối mặt với thế giới thực, họ "vỡ mộng" và mang trong mình mặc cảm tự ti.

Tuy nhiên, tin tốt cho các doanh nghiệp là thế hệ này lại luôn sẵn sàng học hỏi, bằng chứng là khi tìm việc, 48% Millennials mong muốn được cung cấp cơ hội học tập tại môi trường làm việc mới. Thêm vào đó, Millennials thể hiện mong muốn được rèn luyện học tập, đặc biệt dưới hình thức cầm tay chỉ việc ngay tại nơi làm việc. Vậy nên, tạo điều kiện cho nhân viên mở rộng kĩ năng nghề nghiệp cũng như các kĩ năng mềm khác, tuy không mới mẻ, vẫn luôn là một phương tiện hiệu nghiệm để tạo ra một môi trường làm việc phù hợp cho các Millennials.

Một tiêu chí khác của nơi làm việc được Deloitte đề cao trong các báo cáo về thế hệ Millennials qua các năm là sự đa dạng. Đa dạng ở đây là thấu đáo, cởi mở, tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân của lãnh đạo cấp trên và đồng nghiệp công ty. Millennials luôn mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Kết quả nghiên cứu của Deloitte cho thấy các doanh nghiệp có tính đa dạng cao sẽ thu hút và giữ chân được nhiều nhân tài hơn so với những công ty ít tính đa dạng. Báo cáo năm 2017 của Deloitte về chủ đề “Tính đa dạng và hòa nhập trong công ty” kết luận: "Doanh nghiệp cần xem xét thực hiện những thay đổi về cấu trúc, ứng dụng các giải pháp minh bạch và hướng đến thông tin. Lãnh đạo doanh nghiệp cần cọ xát với thực tiễn để nhận ra các thành kiến có ảnh hưởng như thế nào tới việc đưa ra quyết định kinh doanh, quyết định tuyển dụng và kết quả tình hình kinh doanh của doanh nghiệp."

Xét cho cùng, nhân tố quan trọng nhất để tạo dựng nên môi trường lí tưởng cho các Millennials không phải là văn phòng xa hoa, càng không hẳn là lương thưởng cùng những lời hứa hẹn sáo rỗng, mà là tư duy của các lãnh đạo. Một khi các nhà lãnh đạo xác định đúng phương hướng, theo sát, quan tâm và thấu hiểu đặc điểm và nhu cầu của nhân viên, tự khắc doanh nghiệp sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhân tài phát triển, mang lại sự phát triển bền vững cho toàn thể công ty.

THEO FORBES