NIỀM TIN TRONG TÂM BÃO COVID-19: "Ứng phó” với khủng hoảng niềm tin
Khi đại dịch xảy ra, hoạt động kinh tế - xã hội hầu hết bị đảo lộn, cuộc sống của người dân cũng khó khăn hơn. Nhưng trên tất cả, khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin…
Trong bối cảnh đại dịch COV- ID-19 hoành hành, doanh nhân là những người đang phải chịu áp lực rất lớn, ngoài áp lực xã hội, doanh nhân còn phải phải chịu áp lực đảm bảo doanh thu cho doanh nghiệp, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên.
Áp lực tạo stress cao
Có thể nói doanh nhân và các CEO là những người làm việc trong môi trường bối cảnh gây stress nhiều nhất. Nhóm nghề kinh doanh cũng thuộc nhóm nghề nghiệp có mức độ gây stress cao thậm chí còn cao hơn cả bác sỹ phẫu thuật và bác sỹ tâm thần.
Trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, dịch bệnh như giai đoạn COVID-19 hiện nay, áp lực về tài chính, nợ nần, xoay sở để đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên và sự tồn tại của doanh nghiệp gây ra nguy cơ lớn về các tổn thương sức khỏe thể chất và tâm thần của doanh nhân và không cẩn thẩn có thể là mầm mống dẫn đến những hành động trái quy định pháp luật.
Trong trạng thái chịu nhiều áp lực, tiếp cận với tình hình thông tin liên tục về dịch bệnh trên thế giới có thể dẫn đến những suy nghĩ tự động tiêu cực, niềm tin tiêu cực. Điều này ngược lại càng gây thêm hoang mang lo lắng dẫn đến nhận thức và hành vi tiêu cực.
Trên thực tế, toàn cầu đang rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ mà chúng ta hay gọi là “khủng hoảng COVID-19”. Cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng số lượng người bị mắc bệnh, tử vong vẫn đang tăng lên từng ngày qua các con số thống kê trên thế giới và ngay tại Việt Nam của chúng ta - một trong những quốc gia được bạn bè đánh giá có chiến lược và thực thi chiến lược ứng phó hiệu quả nhất.
Điều này như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin, những kế hoạch mới nhen nhóm phục hồi trở lại của các doanh nghiệp và doanh nhân sau cuộc chiến COVID-19 đầu tiên mà chúng ta đã chiến thắng. Nó cũng làm tăng thêm sự bất định về viễn tượng tương lai, không thể đảm bảo cho bất cứ một điều gì có thể cam kết chắc chắn.
Về cơ bản chúng ta luôn khao khát thông tin chắc chắn về tương lai cũng như khao khát thức ăn, tình dục vậy. Bộ não chúng ta coi sự bất định không chắc chắn mang tính đe dọa có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm. Những nghiên cứu cho thấy những người nhận được thông tin họ đang được xem xét và có 50% cơ hội họ phải nghỉ việc bị stress và rối loạn lo âu nhiều hơn rất nhiều so với những người nhận được câu trả lời chắc chắn họ sẽ nghỉ việc.
Khủng hoảng niềm tin có thể “đánh gục” bất kỳ ai
Nhiều người đã gục đổ chỉ vì niềm tin của họ. Nó cũng giống trường hợp 2 người bệnh nhân có dấu hiệu đau tim đi. Giả sử là 2 người bệnh có tên giống nhau đang có một số triệu chứng tức ngực đến bệnh viện khám tim mạch. Kết quả có 1 người có vấn đề về tim mạch và 1 người bình thường nhưng bác sỹ nhầm lẫn trả kết quả cho 2 người.
Người bệnh không bị bệnh tim nhận kết quả mình bị bệnh. Tâm trạng về cơ bản là lo lắng và đau buồn. Ông hủy hết tất cả các kế hoạch làm việc, giam mình ở nhà, không tiếp xúc với ai để lo nghĩ về tương lai. Tất cả sự chú ý của ông chỉ tập trung vào những biểu hiện bất thường của trái tim mình. Càng lo lắng chú ý thì trái tim lại càng có vẻ đập loạn nhịp. Việc này tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin mình bị bệnh tim và mình sẽ có tiên lượng xấu.
Ông thứ hai bị bệnh tim nhận được kết quả mình không có bệnh. Tâm trạng vui vẻ. Lên kế hoạch cho những dự định tương lai. Tích cực tham gia các hoạt động. Tuy vậy, ông cũng biết mình có một số dấu hiệu của bệnh tim rồi nên rất tuân thủ chế độ ăn uống, luyện tập một cách khoa học…
Vài tháng sau, tới lịch tái khám của bác sỹ, 2 ông khách trở lại khám và kết quả có thể các bạn đã dự đoán trước được. Ông khách bị bệnh tim tình hình đã khá lên trong trạng thái kiểm soát. Ông khách không bị bệnh tim lần này tình hình chuyển biến xấu và thành bệnh.
Doanh nghiệp của các bạn cũng tương tự như 2 ông bệnh nhân này. Niềm tin của doanh nhân có thể biến một doanh nghiệp khỏe mạnh thành đau tim và ngược lại.
Giải quyết bằng cách nào?
Khi một cá nhân bị khủng hoảng niềm tin do tất cả mọi thứ ngoài tầm kiểm soát và không chắc chắn về tương lai thì chúng ta thường tự tìm kiếm những cách ứng phó. Đáng buồn là nhiều chiến lược ứng phó sai lầm và có thể làm vấn đề trầm trọng hơn.
Một cách ứng phó phổ biến là đi tìm sự “chắc chắn” về tương lai thông qua các hình thức tâm linh, chiêm tinh, thần học quá mức. Những hình thức này giúp bạn giảm lo lắng bằng cách khẳng định một cách chắc chắn tuyệt đối về tương lai sự việc sẽ diễn ra như thế nào, đưa ra những cơ chế lý giải đơn giản những thần bí khó kiểm chứng cho những sự kiện hiện tượng phức tạp.
Một cách ứng phó khác là sau khi tìm mọi quan hệ để cứu nạn không thành công thì né tránh vấn đề bằng cách mặc kệ. Lúc này doanh nhân hành xử như kiểu mình đã từ chức rồi, từ bỏ và tin rằng sự việc sẽ không thể tốt hơn. Cách ứng phó này thường dẫn đến những hệ quả tệ hại nhất cho doanh nghiệp.
Những cách ứng phó phù hợp có thể bắt nguồn từ niềm tin, từ cảm xúc hoặc thói quen hành vi như sau:
VỚI NIỀM TIN: Đừng tự động tin tất cả những điều mình nghĩ. Với từng niềm tin mà chúng ta ý thức được hãy tự đặt ra 3 câu hỏi. Niềm tin của tôi có dựa trên thiên kiến cá nhân nào không? Niềm tin của tôi có phù hợp với thực tế không? Và cuối cùng là niềm tin của tôi có hữu ích không?
Kể cả khi bạn thấy những niềm tin của cá nhân mình dựa trên phân tích khách quan không thiên kiến, phù hợp với thực tế hiện tại thì bạn vẫn có thể lựa chọn những niềm tin hữu ích hơn để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Ví dụ bạn thẩy tỉ lệ tai nạn giao thông của Việt Nam cao nên niềm tin dễ bị tai nạn khi tham gia giao thông ở Việt Nam là thực tế và không thiên kiến. Nhưng bạn sẽ tự nhủ rằng niềm tin này không hữu ích với mình, làm mình quá lo lắng không dám tham gia giao thông trong khi việc bạn phải tham gia giao thông không thể tránh khỏi và bạn vẫn an toàn.
VỚI CẢM XÚC: Đừng cố gắng chống lại cảm giác bất an lo lắng về tương lai.Hãy học cách chấp nhận nó như một phần bình thường của cuộc sống. Hãy ý thức bạn mới là ông chủ cảm xúc của mình. Chấp nhận cảm xúc lo lắng vì chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn nhưng với vai trò bạn là khán giả ngồi xem phim. Cảm xúc là những hình ảnh trên phim. Bạn hiểu những cảm xúc của mình qua nhân vật trong phim nhưng khi hết phim, bạn không bị dính chặt vào cảm giác đó.
Hãy tử tế với bản thân mình bằng những bài tập thư giãn, thiền, tập trung vào hơi thở, dừng suy nghĩ lo lắng, hay tìm ra những ý nghĩa mới với bản thân mình trong bối cảnh mọi việc đều chưa chắc chắn.
VỀ HÀNH VI: Hãy tập trung đầu tư cho bản thân. Điều bạn có thể đóng góp tốt cho thế giới lúc này chính là bạn, các doanh nhân. Đây là giai đoạn để các bạn bảo trì và nâng cấp chính mình, suy nghĩ về cấu trúc nhân sự, quản trị tinh gọn. Thay vì tập trung lo nghĩ về những điều không chắc chắn. Hãy tập trung hành động ở những gì trong tầm kiếm soát của chúng ta. Hãy rèn thói quen tắt chế độ thông báo tin tức mới trên phương tiện truyền thông xã hội để chúng không ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức của bản thân. Thay vì suốt ngày phàn nàn, hãy tập trung làm một cái gì đó có ý nghĩa hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để cảm nhận được chúng ta cũng đạt được một điều gì đó tích cực nho nhỏ trong bối cảnh ai cũng tê liệt.
Vì vậy, chớ có chờ đợi những thách thức trong cuộc sống sớm kết thúc. Đừng “từ chức” mặc kệ công việc cho đến khi có vắc xin. Hãy chú ý vào cái bạn đã luôn muốn làm là gì? Những kết quả nào bạn có thể hy vọng đạt được khi làm nó? Làm thế nào để mọi thành viên trong doanh nghiệp tổ chức của bạn có những điều tích cực nhỏ nhỏ trong giai đoạn này. Cuộc sống doanh nhân như vậy. Bạn sống sót, bạn sẽ thành công!
Có thể bạn quan tâm
Sức khỏe kinh tế và niềm tin cộng đồng
09:19, 23/08/2020
Kinh doanh mùa Covid-19: Khi niềm tin lên ngôi
13:19, 20/08/2020
Đã có những "rạn vỡ" niềm tin từ các nhà đầu tư Trung Quốc!
11:05, 13/08/2020
Đổi mới ngân hàng 2020: Sinh trắc học giải bài toán niềm tin
06:03, 13/07/2020