Vị trí nơi vẽ Tree Roots của Vincent van Gogh

Theo DOANH NHÂN SÀI GÒN 26/08/2020 03:00

Nhà nghiên cứu Wouter van der Veen đã phát hiện ra vị trí chính xác nơi Vincent van Gogh vẽ bức tranh Tree Roots - tác phẩm cuối cùng - vào ngày ông bị một vết thương chí mạng.

Nơi Van Gogh vẽ Tree Roots

Từ lâu, các học giả đã suy đoán về chuỗi sự kiện trong ngày danh họa bị bắn. Và mới đây, Wouter van der Veen - Giám đốc Khoa học Viện Van Gogh (Pháp) - người từng viết các cuốn sách Vincent Van Gogh: A Mindary Mind(2009), In Vincent's Room(2004) - công bố đã phát hiện ra vị trí chính xác nơi Vincent van Gogh vẽ bức tranh sơn dầu Tree Roots. 

Dựa theo thông tin từ những bức thư được lưu giữ, giới nghệ thuật cho rằng Tree Roots là tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời của Vincent van Gogh. Bức họa có thể đã được hoàn thành trước khi Vincent van Gogh qua đời vài tiếng đồng hồ.

Tree Roots

Tree Roots

Một trăm ba mươi năm trước, Vincent van Gogh thức dậy trong phòng ngủ tại quán trọ ở Auvers-sur-Oise (Pháp) và đi ra ngoài như thường lệ, với một giá vẽ. Đêm đó, ông trở về quán trọ với một vết thương chí mạng và qua đời hai ngày sau, 29/7/1890, ở tuổi 37. Câu cuối cùng của Vincent van Gogh mà Theo van Gogh - em trai danh họa nghe được là “La tristesse durera toujours” (Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi).

Phát hiện mới của Wouter van der Veen có thể giúp hiểu rõ hơn về ngày làm việc cuối cùng của Vincent van Gogh. “Bây giờ chúng tôi biết những gì Vincent van Gogh đã làm trong ngày cuối cùng trước khi bị bắn. Danh họa đã dành cả ngày để vẽ bức tranh này”,  Wouter van der Veen lưu ý.

Nhà nghiên cứu Louis van Tilborgh cho biết, phát hiện này là một cách giải thích, nhưng có vẻ như đó là sự thật. Bởi những rễ cây được vẽ trên Daubigny Rue - một con đường chính đi qua Auvers-sur-Oise, cách 20 dặm (32km) về phía Bắc của Paris. Ngày nay, rễ cây và những gốc cây xù xì, rối rắm vẫn có thể được nhìn thấy ở triền dốc của một ngọn đồi cách quán trọ Charles Ravoux - nơi Vincent van Gogh trải qua 70 ngày cuối đời - khoảng 150m. Rất có thể Vincent van Gogh đã đi qua triền dốc này nhiều lần rồi mới quyết định vẽ lại cảnh vật trên vải. 

Chân dung của Vincent van Gogh.

Chân dung của Vincent van Gogh.

Trong lúc nghỉ tránh dịch Covid-19 ở Strasbourg, Wouter van der Veen tình cờ xem tấm bưu thiếp về Auvers có từ năm 1905, mà Janine Demuriez - một phụ nữ 94 tuổi người Pháp đã thu thập. Tấm bưu thiếp cho thấy một người đi xe đạp trên đường Daubigny Rue và dừng lại bên cạnh một triền đồi dốc đứng, nơi có thể nhìn thấy rõ rễ cây.

Sau khi so sánh bức Tree Roots bản kỹ thuật số và ảnh chụp trên tấm bưu thiếp, Wouter van der Veen đã gọi điện nhờ Giám đốc Viện Vincent van Gogh ở Auvers-sur-Oise đến tận nơi kiểm tra thực địa. Kết quả có đến 45-50% vẫn còn đó. Dù một số cây đã bị chặt và được bao phủ bởi cây thường xuân, nhưng thân cây chính trong bức họa đã tồn tại được 130 năm kể từ khi van Gogh qua đời. Sau đó, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Vincent Van Gogh (Hà Lan) và Bert Maes cùng với một nhà nghiên cứu về thảm thực vật lịch sử đã kết luận rằng, đó chính là nơi mà danh họa Vincent van Gogh tạo ra tác phẩm cuối cùng.

Giả thuyết về “bản di chúc”

“Vincent van Gogh thường đi dọc theo Daubigny Rue để đến nhà thờ của thị trấn - nơi ông vẽ bức Nhà thờ ở Auvers vào tháng 6/1890 và tìm đường đến những cánh đồng lúa mì trải dài bên ngoài thị trấn -  nơi ông vẽ Cánh đồng lúa mì với những con quạ (Wheatfield with Crows) vào  tháng 7”, Wouter van der Veen nói.

Từ lâu đã có tranh luận về bức tranh nào là tác phẩm cuối cùng của Vincent van Gogh. Nhiều người tin rằng đó là Wheatfield with Crows - theo Lust for life - cuốn sách ra đời năm 1934 và bộ phim cùng tên công chiếu năm 1956. Còn theo Andries Bonger thì Theo van Gogh từng ghi chú trong một lá thư: “Buổi sáng trước khi qua đời, Vincent van Gogh đã vẽ một cảnh rừng cây, mặt trời và sự sống”. Vào năm 2012, Bảo tàng Vincent van Gogh đã xuất bản một bài báo của Louis van Tilborgh và Bert Maes cho rằng, bức thư đề cập đến Tree Roots. Giả thiết này hiện đã được các học giả chấp nhận. 

Tấm bưu thiếp năm 1905.

Tấm bưu thiếp năm 1905.

Nghiên cứu cách ánh sáng rơi vào bức họa, Wouter van der Veen cho biết Vincent van Gogh có lẽ vẫn còn làm việc với nó vào cuối ngày 27/7/1890, khoảng 5 giờ chiều hoặc 6 giờ tối. Có nghĩa Vincent van Gogh đã dành cả ngày để vẽ. Điều này như ông lập luận, có thể giúp bác bỏ giả thuyết gây tranh cãi rằng Vincent van Gogh không tự sát mà đã say rượu và đánh nhau với hai chàng trai trẻ - người sau đó đã vô tình bắn danh họa.

Đây là giả thuyết được đưa ra vào năm 2011 bởi hai tác giả đoạt giải Pulitzer là Steven Naifeh và Gregory White Smith trong cuốn Andreas van Gogh: The Life, và trong phim At Eternity's Gate, năm 2018. Julian Schnabel - họa sĩ người Mỹ của phim, nói Vincent van Gogh có thể đã bị sát hại. Ông nhấn mạnh rằng một người đã vẽ 70 bức tranh trong nhiều ngày tại Auvers-sur-Oise không có khả năng tự sát.

Trước lập luận của Wouter van der Veen, mới đây Steven Naifeh trả lời rằng, không thể đóng dấu thời gian một bức tranh dựa trên góc độ của ánh sáng. Tree Roots không phải là một bức ảnh mà đó là một bức tranh - ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Naifeh cũng cho biết phát hiện mới của Wouter van der Veen có thể hỗ trợ cho giả thuyết van Gogh bị sát hại. Thực tế là Vincent van Gogh đã đi ra ngoài và vẽ cả ngày để hoàn thành một bức tranh rất quan trọng. Điều này cho thấy, danh họa không bị trầm cảm - Naifeh nói - trái ngược với ý tưởng rằng Vincent van Gogh có thể tự sát.

Wouter van der Veen cũng khẳng định, hầu hết nhân chứng ở thời điểm ấy đều nói rằng hành vi của Vincent van Gogh hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy danh họa đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, Wouter van der Veen vẫn cho rằng Vincent van Gogh đã tự sát. Danh họa từng có một bản vẽ rễ cây khi sống ở The Hague (Hà Lan) vào năm 1882.

Vincent van Gogh từng mô tả tác phẩm này cho em trai Theo van Gogh trong một lá thư và ẩn ý rằng, rễ cây là biểu tượng về cuộc đấu tranh của cuộc sống. Wouter van der Veen nhận định, Tree Roots đã thể hiện một điều tương tự. Hình ảnh những rễ cây lèo khèo, thân, cành, lá hỗn độn là ẩn ý về những đấu tranh nội tâm gay gắt của Vincent van Gogh và bức tranh là “bản di chúc cuối cùng của Vincent van Gogh”...

Khẩu súng lục ổ quay được cho là Vincent van Gogh đã dùng để tự bắn vào mình, đã được bán với giá 162.500 euro tại một cuộc đấu giá ở Paris năm ngoái. Được phát hiện trên một cánh đồng gần làng Auvers-sur-Oise, khẩu súng là “vũ khí nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật”. 

Theo DOANH NHÂN SÀI GÒN