Cuộc sống thú vị của người chắc ghế tân Thủ tướng Nhật Bản
Là người có tính kỷ luật cao, ông Yoshihide Suga luôn duy trì những thói quen lành mạnh cho sức khỏe.
Truyền thông quốc tế cho biết, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vừa chính thức được bầu làm lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 14/9.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Yoshihide Suga sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản, thay thế ông Shinzo Abe từ chức vì căn bệnh viêm loét đại tràng kinh niên.
Quyết giảm cân để tránh bệnh tật, tập đi bộ và gập bụng mỗi ngày
Dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông Yoshihide Suga vẫn rất khỏe mạnh. Tất cả là nhờ những thói quen lành mạnh ông vẫn duy trì đều đặn mỗi ngày, dù công việc có bận tới đâu.
Ông Yoshihide Sugan bắt đầu ngày mới bằng việc đọc báo, sau đó thực hiện 100 cái gập bụng. Mỗi khi tập xong, ông sẽ ra ngoài đi bộ trong vòng 40 phút. Thông thường, ông Yoshihide Suga này sẽ mặc luôn bộ vest công sở vì đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc. Kể cả khi trời mưa, ông cũng không bao giờ từ bỏ thói quen đi bộ.
Vào buổi tối, sau một ngày làm việc mệt nhoài, ông Yoshihide Suga sẽ quay trở về phòng của mình trong khu nhà ở dành cho các thành viên Quốc hội. Tại đây, ông sẽ gập bụng thêm 100 lần nữa.
Ông Yoshihide Suga là Chánh văn phòng nội các tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Những thói quen lành mạnh của ông cũng phản ánh phần nào tính cách tận tụy và quyết tâm mà ông vẫn thường thể hiện trong cuộc sống và công việc.
Ông Yoshihide Suga bắt đầu tập gập bụng khi bác sĩ thông báo rằng cân nặng 77 kg có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của ông.
“Tôi rất giỏi đặt mục tiêu và hình thành thói quen. Vì thế, tôi đã quyết định sẽ bắt đầu với mục tiêu giảm xuống 70 kg”, ông nói. “Sau khi hoàn thành mục tiêu sớm hơn kế hoạch, tôi đã tiếp tục giảm xuống 68 kg, rồi 65 kg”.
Chỉ trong vòng 4 tháng, ông đã giảm tới 14 kg.
Là người đứng đầu Văn phòng Nội các Nhật Bản, kiêm phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ, ông Yoshihide Suga có thời gian biểu khá bận rộn trong ngày. Bên cạnh các buổi gặp mặt vào bữa sáng và bữa trưa, ông thường xuyên phải đi ăn 2 bữa tối/ngày.
Lịch làm việc dày đặc như trên còn tiếp diễn tới tận cuối tuần. “Vào thứ Bảy và Chủ nhật, tôi đi tham khảo ý kiến của mọi người để nghiên cứu những vấn đề tôi nghĩ mình cần giải quyết”, ông nói.
Ông Yoshihide Suga đã duy trì lối sống này kể từ khi giữ chức Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Nhà chính trị gia 71 tuổi không bao giờ nghỉ qua đêm tại nhà ở thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, dù nơi này khá gần thủ đô Tokyo.
“Đó là vì tôi muốn làm thật tốt những điều đúng đắn hoặc những điều bình thường trong mắt dân chúng và mọi người. Tôi xem xét và quyết định đâu là điều đúng đắn. Để làm được điều đó, tôi sẽ gặp gỡ càng nhiều người càng tốt và lắng nghe những câu chuyện khác nhau”, ông giải thích.
Vượt qua khó khăn bằng lòng kiên trì và sự nỗ lực
Ông Yoshihide Suga là người tiên phong trong các bài phát biểu chính trị ngẫu hứng ở Nhật Bản.
Bài phát biểu ngẫu hứng trên đường phố này được gọi là “tsujidachi”, do các thành viên Quốc hội trình bày trước các ga tàu tại Nhật Bản. Trước khi phổ biến như ngày nay, nó đã được ông Yoshihide Suga khởi xướng khi mới dấn thân vào chính trị.
Ông sẽ đến chào những người qua đường, phát cho họ phiếu khảo sát về các chính sách đương thời. Hành động này được coi là đột phá lúc bấy giờ, bởi các chính trị gia thường chỉ tổ chức các buổi kêu gọi bên trong các tòa nhà.
Thái độ tận tụy với công việc của ông Yoshihide Suga bắt nguồn từ những năm tháng ấu thơ tại tỉnh Akita. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân trồng dâu tây.
“Bố mẹ tôi đều là những nông dân siêng năng. Họ từ đồng trở về nhà khi tôi thức giấc. Người nông thôn nào cũng như vậy”, ông nói.
Vào mùa đông, ông Yoshihide Suga sống ở ký túc xá gần trường cấp 3. Khi mùa đông khắc nghiệt qua đi và mùa xuân ấm áp tới, tuyết sẽ tan và để lộ mặt đường.
“Chỉ những người sống ở khu vực nông thôn đầy tuyết mới hiểu được cảm giác này. Tính kiên nhẫn của tôi đã được bồi đắp bởi cuộc sống nông thôn trước khi tôi nhận ra”, ông nói.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Yoshihide Suga tới Tokyo và nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi.
Ông làm việc trong một nhà máy nhỏ, nhưng rồi bỏ việc 2 năm sau đó. Vị chính trị gia cho biết, nếu không thay đổi, cuộc sống của ông sẽ “cô đơn đến đau khổ”.
Sau đó, ông Yoshihide Suga đã trúng tuyển vào ĐH Hosei. Ông vừa đi học, vừa làm bán thời gian cả ngày lẫn đêm để có tiền trả học phí. Tốt nghiệp xong, ông định về quê, nhưng rồi lại thử làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân.
Đây chính là lúc mà ông nghĩ tới việc dấn thân vào chính trị. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng chính trị chính là thứ đang vận động thế giới này”, ông nói.
Vì không quen biết ai, ông Yoshihide Suga tới trung tâm giới thiệu việc làm tại ĐH Hosei. “Anh có thể giới thiệu tôi với những chính trị gia đã tốt nghiệp từ trường này không?”, ông hỏi.
Trung tâm này giới thiệu ông với trưởng ban thư ký của hội cựu sinh viên. Nhờ vậy, ông Yoshihide Suga - khi ấy mới 26 tuổi - trở thành thư ký cho Hikosaburo Okonogi - một thành viên của Hạ viện Nhật Bản - vào năm 1975.
“Nhìn lại, tôi nghĩ mình đã làm rất tốt”, nhà chính trị gia 71 tuổi nói khi đang hoài niệm về quãng thời gian mang tính bước ngoặt của cuộc đời.
Đối với những người muốn làm chính trị, rất ít người nghĩ đến việc nhờ trường đại học của mình giúp đỡ. Tuy nhiên, Yoshihide Suga cho rằng, ông chỉ đơn giản là đang đi tìm việc. Đi đến trung tâm giới thiệu việc làm là điều bình thường mà bất cứ sinh viên nào đang xin việc cũng sẽ thực hiện.
Cứ như vậy, ông Yoshihide Suga đã phát triển nhận thức về “cái đúng đắn” và “cái bình thường” khi bước chân vào con đường chính trị.
Cuộc sống thú vị của nhà chính trị gia 71 tuổi
Mặc dù tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, ông Yoshihide Suga cũng có điểm yếu: đồ ngọt.
“Tôi không uống rượu. Thay vào đó, tôi là người hảo ngọt”, ông nói. Nhà chính trị gia này cảm thấy khó cưỡng lại được món bánh pancake. Khi nhà hàng Bills của Australia có mặt tại Nhật Bản vào năm 2008, ông và vợ mình đã đứng xếp hàng để thưởng thức món bánh pancake ricotta.
Vợ chồng ông Yoshihide Suga ăn bánh pancake tại một nhà hàng.
Ông Yoshihide Suga là người có tính kỷ luật cao, nhất là đối với thói quen gập bụng và đi bộ hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho sở thích ăn đồ ngọt.
“Tôi sẽ ăn đồ ngọt khoảng 3-4 ngày trong tuần”, ông nói. “Đôi khi ăn xong, tôi sẽ thốt lên: ‘Trời ơi, mình lại làm vậy rồi!’”.
Ông Yoshihide Suga cũng đã lên kế hoạch cho quãng thời gian rời Nội các sau này của mình.
“Vì thời gian có hạn, tôi muốn đến Cebu (Philippines) và theo học một trường ngôn ngữ trong vòng 3 tháng để có thể nói được một chút tiếng Anh”, ông nói.
“Sau đó, tôi cũng muốn đi du lịch vòng quanh thế giới trong vòng 1-2 năm. Một thực tập sinh tại văn phòng tôi cũng đã từng đi. Chi phí có vẻ khá rẻ”.