Cỏ có buồn không?
Tôi trở lại chùa quê trong tâm thế của một đứa con trở hẳn về nhà sau cuộc bôn ba thấm mệt. Ba mươi năm vèo qua như một giấc mộng!
>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức
Chùa tôi nằm trên đồi cát, bao bọc bởi ruộng đồng. Dân làng nơi đây hiền lành, chân chất, chủ yếu sống với nghề “bám” biển và chăm lo ruộng đồng. Người hiền nên đất cũng hiền. Đất hiền lành thành ra chim mến đậu, đậu trên cây và đậu cả trên vai Phật. Ong, rắn, nhện, tắc kè… sống chung hòa hợp với người. Hôm sớm tiếng tắc kè kêu, tiếng chim ríu rít hòa với tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh tạo nên một hợp âm sống động.
Đất hiền mà cỏ thì dại. Dại không phải là khờ. Dại là cứ hồn nhiên mọc, mọc trên cát nóng khắt nghiệt, mọc trong những hốc đá, kẽ tường. Bị dãy, bị nhổ mà cứ mọc, mọc và mọc. Lại còn ra hoa, còn gọi mời ong bướm, còn rung rinh trước gió như chưa từng ngấm nỗi muộn phiền.
Trước đây, người phố như tôi dẫu khoác áo tu hành song cũng đầy ắp việc. Sáng 7 giờ cũng học ùa ra phố; cũng đèn đỏ dừng, đèn xanh chạy, chen chúc đến thảm thương. Về đây rồi, làm người quê, tôi quên thứ quên ngày, chỉ nhớ giờ công phu bái sám, nhớ ngày sám hối, bồ-tát... Đêm ngủ không phải lo công việc đến hạn, thứ mà người phố hay gọi là “đét-lai” (deadline).
Cái chữ thật nghiệt ngã: “dead” - chết, cuối cùng; “line” - lằn ranh, giới hạn. Nó là nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi của không biết bao người. Người ta cứ trối chết “chạy deadline”, trối chết vì bị “deadline dí”; hoàn thành xong một deadline, chưa kịp thở phào đã có deadline khác chờ phía trước. Cứ đắp đổi như thế mà quên đi cái deadline thực sự, cái deadline cuối cùng theo đúng nghĩa đen của từ này: cái chết!
Giờ thì buổi sáng, sau thời công phu, tôi pha bình trà ngồi nhấm nháp, ngắm bình minh rạng. Khi ánh nắng tỏa trên ruộng đồng mênh mông, tôi bắt đầu ngày mới bằng việc cầm chổi quét rác, tưới rau, trồng hoa, nhổ cỏ. Chùa rộng nên không cần phải làm cho kỳ hết, cứ thư thả mà làm, chầm chậm để tập giữ chánh niệm.
Mùa dịch không ai ra vào chùa nên không phải tiếp khách hay cúng đám. Có thêm thời gian để đọc sách, ngồi thiền. Dĩ nhiên, không phải người tu nào ở quê cũng muốn chọn cho mình sự thanh thản. Nhiều người luôn tìm cách để bận rộn. Tìm bận rộn bằng bao nhiêu việc không thực sự… “thiết yếu” (trong mùa đại dịch, từ này trở nên cực kỳ phổ biến!). Dẫu có choàng lên nó những mỹ từ “Phật sự” hay “phụng sự” đi nữa thì nó vẫn cứ là những việc không thiết yếu. Cái deadline đáng sợ như thế mà vẫn có người thích dựng ngay trước cổng chùa. Thật lạ!
Lúc mới về, nhìn ngôi chùa cỏ dại mọc đầy, tôi không khỏi thở dài ngao ngán. Có người khuyên nên phun thuốc diệt cỏ cho khỏe, nhưng tôi không đồng ý. Tôi chọn cách cầm cuốc, cầm liềm - vừa dãy, vừa cắt, vừa nhổ. Cả buổi trời mới làm sạch được khoảng vườn bé tí. Đầu này chưa xong, đầu kia cỏ đã mọc lại. Nhưng đó cũng là một kiểu công phu, chẳng việc gì phải vội. Nhổ cỏ và trồng hoa, đó là một pháp tu.
Những công trình nghiên cứu về thần kinh - não bộ liên hệ đến tâm thức và sự giác ngộ gần đây cho biết: để dần thay thế những ký ức tiêu cực, những phiền não tiềm ẩn trong tâm bằng những ký ức tích cực, ta cần phải làm cho việc trải nghiệm những khía cạnh tích cực trở nên nổi bật và mạnh mẽ hơn trong sự nhận biết.
Những thứ phiền não tiềm tàng này cũng giống như thứ rễ bồ công anh, hay rễ cỏ cú, nếu không nhận ra chúng - những “kẻ chủ mưu” - mà cứ hồn nhiên nhổ đi phần cây thôi thì chúng sẽ nhanh chóng mọc trở lại khi hội đủ điều kiện. Phải thay thế những cội rễ cỏ dại này bằng những hạt giống hoa, cho hoa nở lên trong khu vườn tâm của mình.
Để tồn tại trong thế giới đầy rẫy những rình rập hiểm nguy, bộ não động vật thường ưu tiên cảnh giác và quan sát kỹ lưỡng những mối đe dọa, nhanh chóng bỏ qua những thứ có dấu hiệu an toàn theo bản năng sinh tồn. Do đó, chúng ta thường ghi sâu vào tâm thức những khía cạnh tiêu cực, những lo lắng, giận dữ, muộn phiền hơn là những khía cạnh tích cực.
Cũng như con cầy vằn luôn nhổm thẳng người lên, dỏng tai và mở to mắt quan sát, phát ra những tín hiệu cảnh báo, chúng ta cũng thường xuyên chú tâm đến những thứ gây phiền não, nguy hại cho bản thân và phản ứng một cách tiêu cực. Khác với loài vật, con người biết quan tâm đến cái đẹp, xao xuyến với cái đẹp; ngược lại, cái si mê lớn nhất của con người chính là thích “gia cố” nỗi đau, ưa cào cấu vết thương bằng những sự tưởng tượng, thổi phồng, khiến cho nỗi đau càng tăng thêm gấp bội.
Một buổi mai nọ, tôi ra vườn định nhổ cỏ, bất chợt ngẩn ngơ vì sau cơn mưa vài ngày, cỏ dại đã trở nên xanh um và nở những bông hoa xinh xắn, đủ sắc màu tím, trắng, vàng… rung rinh trước gió, gọi ong bướm chập chờn. Tôi bỏ cuốc, bỏ liềm ra, ngồi xuống ngắm nhìn, cố ghi thật lâu, thật nhiều và tâm thức hình ảnh đẹp đẽ ấy. Trong phút chốc, tôi quên mất đi chúng đang là đối tượng mà tôi cần phải nhổ bỏ. Một nỗi thương mến bất chợt vỡ òa trong tâm…
Nhớ có lần tôi chụp hình cho ba - ba tôi là một nhà nông chính hiệu, cả đời đã dãy, nhổ không biết bao nhiêu cỏ dại - tôi lấy một nhành hoa xuyến chi, cho ba cài lên ngực áo. Xuyến chi là một loại cỏ dại có sức sống mãnh liệt, nhưng hoa của chúng rất đẹp, cánh trắng nhụy vàng tinh khôi như một loài cúc nhỏ. Trong khung ảnh, ba tôi cười tươi với nhành hoa cỏ. Tôi cười hỏi: Ba! Ba có ghét loại cỏ này không? Ba đáp: Có chi mô mà ghét. Hắn mọc là việc của hắn, còn nhổ là việc của mình! Lòng ba tôi là vậy đó, đối với cỏ không ghét không thương!
Thực ra, cỏ chỉ là một ẩn dụ, nó không hoàn toàn là thứ gây não phiền. Trong rất nhiều trường hợp, cỏ dạy cho ta những bài học. Ví như sức sống mãnh liệt của cỏ chính là sự tinh tấn, kham nhẫn hiếm có. Những hạt giống cỏ tồn tại rất đặc biệt, chỉ cần một trận mưa là từ đâu trong đất nảy lên, bất chấp trước đó mình đã nhiều lần nhổ bỏ. Hạt cỏ trong đất cũng như những hạt giống não phiền trong tâm. Một khi não phiền bật lên trên bề mặt tâm thức, nếu chúng ta cứ tiếp tục dưỡng nuôi, mặc cho chúng lớn mạnh thì chúng sẽ để lại vô vàn hạt giống xấu. Phải nhổ bỏ khi chúng chưa kịp kết hạt.
Cũng vậy, nhận diện phiền não, cho chúng tự diệt theo luật vô thường bằng tâm buông xả, không phản ứng, thì lần lượt hết lớp này đến lớp khác mọc lên, diệt đi, lần hồi tâm ta sẽ sạch những hạt giống xấu, ta sẽ gieo lại những hạt giống hoa trong vườn tâm của mình theo một trật tự mà mình mong muốn. Trồng hoa sẽ khó hơn trồng cỏ rất nhiều, vì chúng đòi hỏi nhiều công, nhiều phân và nhiều sự tưới tắm. Làm việc thiện cũng khó y như vậy!
Tôi bắt đầu nhổ cỏ. Nhìn cỏ héo đi dưới cái nắng gay gắt, tôi tự hỏi: liệu cỏ có buồn không?
Có thể bạn quan tâm