Bệnh phàn nàn và cách chữa
Phàn nàn cũng giống như nghiện thuốc lá, có thể làm cho ta cảm thấy khoan khoái nhưng cũng có thể gây nghiện dù chẳng mang lại lợi ích gì.
>>7 chữ ĐỪNG cho đời bớt khổ
Não bộ của con người làm việc rất hiệu quả. Khi bạn lặp đi lặp lại một hành động, tế bào thần kinh có khuynh hướng kết nối thành kênh giúp thông tin di chuyển dễ dàng hơn, dễ đến nỗi phàn nàn trở thành thói quen mà chính bạn cũng không nhận thức được. Khi phàn nàn đã thành thói quen, não bộ sẽ tự chuẩn bị nền tảng vận hành để tạo điều kiện cho hoạt động phàn nàn xảy ra thường xuyên hơn, hiệu quả hơn trong tương lai. Dần dần, bạn sẽ tự nhiên có khuynh hướng tiêu cực hơn là tích cực.
Một nghiên cứu của đại học Stanford cho thấy, phàn nàn thường xuyên có thể làm teo khu vực não bộ liên quan đến trí thông minh và khả năng giải quyết vấn đề. Đây cũng chính là khu vực não bộ bị tổn hại của các bệnh nhân Alzheimer's. Đáng sợ chưa? Chưa hết đâu. Khi phàn nàn, cơ thể tiết ra hóc môn stress cortisol, làm tăng áp suất trong máu, tạo điều kiện phát các bệnh như cholesterol cao, tiểu đường, bệnh tim, béo phì....
Bạn cũng hãy nhớ là dù bản thân không phàn nàn nhưng tụ tập với những người hay phàn nàn cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Não bộ của con người rất hay, từ khả năng thông cảm có thể biến thành khả năng nhái theo cảm xúc của người khác. Do đó dù chỉ tham gia nghe người khác phàn nàn, bản thân bạn cũng trở nên tiêu cực.
Chữa bệnh phàn nàn bằng cách nào?
Cách thứ nhất là tập cách suy nghĩ tích cực. Mỗi khi sắp phàn nàn, hãy cố gắng đổi sang thành 'cám ơn' những gì tốt đẹp đang đến với bản thân mình. Khi cảm kích, cảm ơn, hóc môn stress cortisol giảm đi, năng lượng của bạn tích cực hơn. Nếu cách suy nghĩ tích cực này được lặp đi lặp lại, cách sống của bạn sẽ tự nhiên trở nên tích cực.
Cách thứ 2 và cũng là cách mà tôi sử dụng nhiều nhất trong công việc hàng ngày, là khuyến khích mọi người phàn nàn có giải pháp, nghĩa là ừ bạn có thể phàn nàn khi có điều gì xảy ra không như ý, nhưng đừng phàn nàn cho đã miệng, tốn thời gian vô ích. Hãy chỉ cho tôi cách giải quyết vấn đề. Hãy phàn nàn với mục đích đưa ra giải pháp để vấn đề mà bạn phàn nàn hoặc là mất đi hoặc là tốt hơn lên.
Stop complaining! Thôi đừng phàn nàn nữa nhé.
Link dẫn: https://www.nguyenphivan.com/post/b%E1%BB%87nh-ph%C3%A0n-n%C3%A0n-c%C3%A1ch-ch%E1%BB%AFa?fbclid=IwAR07_XK64EQZuGBJWvbdimbTP_ZkjAc0wycJrRe-l4DwWkhhdrjzy7ZTP8Y