Nếu không thay đổi 6 thói quen vô thức này, sự bất an sẽ đeo bám bạn suốt cuộc đời

Theo NHỊP SỐNG KINH TẾ 24/08/2020 10:10

Nếu bạn muốn thực sự vượt qua cảm giác thiếu tự tin, hãy dành thời gian xây dựng những nguồn động lực hữu ích và thường xuyên khuyến khích bản thân.

Bạn thường hay tự chỉ trích bản thân nhưng không hiệu quả, hãy thử tự cổ vũ và xem kết quả đem lại tích cực ra sao.

Một bệnh nhân đến phòng khám tâm lý rồi trình bày triệu chứng: “Bác sĩ biết không, dạo gần đây tôi không thể nào làm được việc nào chính xác cả. Tôi không cảm thấy chán nản, cũng không lo lắng mà lúc nào cũng cảm thấy bất an, không tự tin”. Rất nhiều người giống như bệnh nhân trên là cứ im lặng đối mặt với nỗi bất an kéo dài bởi vì nghĩ nó không cần phải trị liệu. Hơn nữa, họ thường cho rằng đó là tính cách cá nhân.

Nhưng thực ra không có mã gen nào quy định sự bất an nội tâm hay không có thế lực nào khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin cả. Cảm thấy bất an là thói quen chứ không phải mặc định. Nếu bạn muốn trở nên tự tin hơn, hãy học cách nhận dạng và chữa trị 6 thói quen vô thức khiến bạn luôn cảm thấy lo lắng:

Luôn tự chỉ trích bản thân

Từ khi còn nhỏ, hầu hết chúng ta được dạy rằng để tạo động lực hướng tới thành công, chúng ta cần nghiêm khắc với chính bản thân mình. Và sự nghiêm khắc đó thường được thể hiện qua những lời tự nhắc hay phán xét bản thân một cách tiêu cực: Tại sao mình luôn lo lắng trước khi nói chuyện trước đám đông, hãy gạt bỏ suy nghĩ đó và tự tin lên! Mình không muốn trở thành một kẻ thất bại? Tại sao đồng nghiệp luôn làm việc chăm chỉ còn mình lại lười biếng như này.

Trong phim Hollywood, chúng ta thường thấy cảnh viên sĩ quan quát mắng nghiêm khắc đối với lính mới để nhắc nhở họ “mềm yếu” ra sao. Nhưng ở đời thực, thường xuyên tự chỉ trích bản thân chỉ dẫn tới sự xấu hổ và nhiều khi là bất an.

Chỉ trích bản thân không bao giờ là nguồn động lực bền vững cho bạn. Điều đáng nói là chúng ta thường xuyên lười biếng và việc chỉ trích bản thân lại là động lực hữu ích. Chúng ta ỷ lại vào việc đó, mặc định khi nào lười biếng sẽ chỉ trích bản thân, việc đó diễn ra nhiều lần thì trở thành sự thiếu tự tin.

Nếu bạn muốn thực sự vượt qua cảm giác thiếu tự tin thì hãy dành thời gian xây dựng những nguồn động lực hữu ích và thường xuyên khuyến khích bản thân. Bạn thường hay tự chỉ trích bản thân nhưng không hiệu quả, hãy thử tự cổ vũ và xem kết quả đem lại tích cực ra sao.

Thường xuyên chỉ trích người khác

Khi thường xuyên cảm thấy thiếu tự tin, bạn sẽ khao khát cảm giác bản thân được khen và tuyệt vọng tìm cách để cảm thấy khá hơn dù là cảm xúc tức thời. Vậy nên nhiều người có thói quen chỉ trích người khác như một cách thỏa mãn "cái tôi khốn khổ" của họ.

Ví dụ: Khi bạn chỉ trích trang phục của đồng nghiệp, tức là bạn cho rằng mình có gu thời trang tốt hơn và điều đó giúp bạn cảm thấy hài lòng.

Khi bạn chỉ trích bạn đời nói sai ngữ pháp, tức là bạn thấy mình thông minh hơn và điều đó làm hài lòng bạn

Vấn đề ở đây là, bên cạnh việc phá hỏng các mối quan hệ, chỉ trích người khác cũng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn trong dài hạn. Trong sâu thẳm, chúng ta biết rằng mình đang cố gắng làm bản thân cảm thấy khá hơn còn người khác phải chịu những lời chỉ trích và chúng ta không hề thích điều đó.

Hãy nhớ: Lời chỉ trích hữu ích giúp thế giới tốt hơn còn những lời không hữu ích chỉ khiến bản thân thấy tốt hơn. Nếu bạn muốn trở nên tự tin và nâng cao lòng tự trọng trong dài hạn, hãy từ bỏ thói quen chỉ trích người khác và tìm cách hữu ích hơn để làm hài lòng bản thân. Thường thì những lời chỉ trích bộc lộ những điều mà bản thân đang còn thiếu.

Tìm kiếm lời khuyên

Khi cảm thấy bế tắc, bạn cố gắng bằng mọi cách mà đều không được và không biết phải làm gì tiếp theo thì những lời khuyên có thể giúp ích cho bạn. Nhưng vấn đề là việc tìm kiếm lời khuyên giúp bạn cảm thấy tốt hơn mà đôi khi là tốt quá mức.

Về mặt tâm lý, thói quen tìm lời khuyên khi bạn cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng và lo lắng có thể trở thành một cái nạng. Khi nhờ ai đó khuyên nhủ, bạn sẽ bớt lo lắng và bất an, cảm giác đó rất tốt. Nhưng bạn có thể trở nên phụ thuộc vào điều đó. Vì cảm thấy rất tuyệt khi được giải tỏa ngay lập tức nỗi lo lắng của mình, nên việc cố gắng tự mình kiểm soát sự lo lắng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nhưng điều quan trọng là: Cách duy nhất xây dựng sự tự tin thực sự là chịu đựng được nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn và cố gắng tìm cách giải quyết. Mặt khác, khi có thói quen hỏi ý kiến trước khi tự mình thử bất cứ điều gì, về cơ bản bạn đang tự nhủ rằng mình không đủ năng lực. Khi lặp lại lần như vậy thì tâm trí bạn sẽ bắt đầu tin vào điều đó. Đây là thói quen duy trì sự thiếu tự tin. Nếu bạn muốn cảm thấy tự tin hơn, hãy tìm lời khuyên khi thực sự cần thiết - không phải vì nó sẽ xoa dịu nỗi lo lắng của bạn.

Tìm kiếm lời trấn an

Giống như tìm lời khuyên, tìm kiếm sự trấn an là một thói quen khiến não bộ thấy bản thân là người yếu đuối và không tự tin về lâu dài. Nhưng dù sao thì chúng ta hay làm điều đó vì nó cảm thấy rất tốt trong ngắn hạn.

Điều quan trọng là nhận ra đối tượng của việc tìm kiếm sự trấn an là giải tỏa lo lắng. Bạn có một số nghi ngờ về bản thân và muốn người khác nói rằng không sao để không cảm thấy lo lắng nữa. Khi dựa vào người khác để cảm thấy ổn hơn, bạn sẽ không bao giờ học được cách làm cho mình cảm thấy ổn.

Tất cả chúng ta đều có những nghi ngờ và bất an. Sự khác biệt là hầu hết mọi người sẵn sàng chịu đựng một chút sợ hãi và thiếu tự tin vì biết đó là điều bình thường và họ tin tưởng rằng cảm giác đó sẽ biến mất nếu không chú ý tới. Nếu muốn cảm thấy tự tin hơn, bạn phải sẵn sàng chấp nhận sự thiếu tự tin thay vì ngay lập tức tìm kiếm lời trấn an từ người khác. Cuộc sống thu nhỏ hay mở rộng tương ứng với lòng dũng cảm của mỗi người.

Tự hỏi lần thứ hai

Giống như tìm kiếm lời khuyên và sự trấn an, thói quen tự hỏi bản thân lần hai giúp cảm thấy tốt trong thời điểm này nhưng sẽ dẫn đến sự bất an về lâu dài. Đặt câu hỏi về quyết định của mình không phải là một điều xấu. Trên thực tế, phản ánh chân thực những quyết định trước đây - đặc biệt là những sai lầm - có thể là động lực mạnh mẽ để phát triển và học hỏi.

Như thường lệ, vấn đề là khi việc tự vấn này trở thành thói quen - điều bạn chỉ làm theo bản năng bất cứ lúc nào đưa ra quyết định mà bạn thấy không thoải mái. Bởi tự vấn khiến bạn nghĩ rằng tất cả các quyết định không rõ ràng và có thể không chính xác.

Vậy tại sao chúng ta làm điều đó? Tại sao lại có thói quen tự hỏi lần thứ hai? Tự vấn lần thứ hai khiến bạn phân tâm khỏi sự không chắc chắn xung quanh các quyết định của mình. Khi bạn đưa ra quyết định - đặc biệt là một quyết định lớn - kết quả không chắc chắn là điều bình thường. Bạn không biết liệu đó có là quyết định tốt trong một thời gian hay không. Sự không chắc chắn này dẫn đến một số lo lắng là điều rất bình thường.

Nhưng nếu bạn không thể chịu đựng được sự lo lắng đó để quay trở lại với cuộc sống bình thường, và cần đánh lạc hướng bản thân khỏi lo lắng bằng cách liên tục lặp lại quyết định. Chính điều đó dần mài mòn sự tự tin và theo thời gian, sẽ làm gia tăng cảm giác bất an kinh niên của bạn. Nếu bạn muốn cảm thấy an toàn hơn vào bản thân và các quyết định của mình, hãy dừng việc đoán già đoán non mọi lúc.

Duy trì tâm lý bi quan

Bi quan là thói quen tâm lý tưởng tượng ra hậu quả tồi tệ nhất. Sếp gửi cho bạn một email yêu cầu bạn quay lại văn phòng của cô ấy sau giờ làm việc, vì vậy bạn ngay lập tức tưởng tượng rằng mình đã làm hỏng điều gì và sẽ bị khiển trách.

Chồng bạn trông có vẻ cáu kỉnh sau giờ làm việc, vì vậy bạn bắt đầu tưởng tượng ra tất cả những điều bạn có thể đã làm anh ấy không vui.

Con bạn rất buồn sau khi thua trận bóng quan trọng ở trường, vì vậy bạn bắt đầu tưởng tượng việc con sẽ bỏ bóng đá mãi mãi và không bao giờ tìm thấy niềm đam mê trong cuộc sống.

Bi quan là một thói quen khó chịu vì nó khiến thế giới trông đáng sợ và ảm đạm hơn nhiều so với thực tế. Khi bạn liên tục nói với bản thân rằng mọi thứ sẽ diễn ra một cách khủng khiếp như thế nào, đừng ngạc nhiên nếu bộ não của bạn bắt đầu nói với bạn rằng mọi thứ thật tồi tệ. Mọi người thường có thói quen bi quan vì họ không muốn bị bất ngờ khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Vì vậy, họ nghĩ rằng nếu họ tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất, họ sẽ không ngạc nhiên.

Nhưng đây là vấn đề của việc đó: Nếu bạn liên tục bi quan, bạn sẽ không còn chút chú ý nào cho tất cả những điều đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Và đó là bi kịch thực sự của thói quen bi quan tinh thần này: Nó cướp đi tất cả niềm vui và sự tích cực đã có trong cuộc sống của bạn.

Và khi thế giới của bạn có vẻ khủng khiếp và không còn những điều tốt đẹp, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bất an về bản thân. Để bắt đầu cảm thấy tự tin hơn, hãy từ bỏ thói quen bi quan và tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất.

Theo NHỊP SỐNG KINH TẾ