Tích cực độc hại?
Có bao giờ bạn cảm thấy, việc phải liên tục tìm ra mặt tốt của vấn đề không hề dễ dàng và đôi khi, bạn chẳng muốn nhìn thấy sự tích cực đó?
Tích cực độc hại là một cụm từ khá mới và được nhắc đến nhiều trong 2 năm gần đây. Tuy chưa chính thức có mặt trong hệ thống thuật ngữ của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) nhưng đã thu hút được sự chú ý của các chuyên gia và độc giả. Tích cực độc hại có thể được hiểu như một định kiến, cho rằng con người nên có suy nghĩ tích cực và chỉ nên thể hiện các cảm xúc hay suy nghĩ mang tính tích cực trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi đang đối mặt với khó khăn. Đây là sự tích cực có phần không chân thật và có thể mang đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe tinh thần của chúng ta và cả những người xung quanh.
Sự tích cực độc hại là gì?
Sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng với mỗi chúng ta, và những năng lượng tích cực luôn được ta tiếp cận một cách dễ dàng. Thế nhưng việc đắm chìm tinh thần trong những suy nghĩ tích cực 24/7 có thật sự giúp ta cảm thấy tốt hơn? Suy nghĩ “phải tích cực cho bằng được” sẽ vô tình xuất hiện mỗi khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện và vô tình gây thêm áp lực, gia tăng căng thẳng cho bản thân và khiến ta khó khăn hơn trong việc nhìn rõ và giải quyết vấn đề.
Giữ được sự lạc quan trong mọi tình huống là không phải lúc nào cũng tốt, nhỉ?
Sự tích cực độc hại này có thể xuất hiện qua một câu nói như “chúng ta có thể làm tốt hơn nữa!” hay “mọi chuyện đã có thể tệ hơn nhiều mà”, “hãy lạc quan lên nào, đừng bi quan như thế”. Những câu nói tưởng chừng như là những lời động viên vô hại ấy thực chất lại làm cho người đối diện nghĩ rằng họ cần ngay lập tức gạt đi những cảm xúc tiêu cực của bản thân thay vì đối mặt với chúng một cách lành mạnh.
Tích cực độc hại có thể gửi đi thông điệp rằng việc cảm thấy lo âu, phẫn nộ hay khó chịu trong những tình huống khó khăn là không bình thường và không nên diễn ra, dù đây là hoàn toàn bình thường và hầu như là phản ứng không thể thay đổi của con người mỗi khi đối mặt với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Đây là điều chúng ta không mong muốn nhưng cảm giác này sẽ xuất hiện và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người đối diện đang trải qua những vấn đề tâm lý của riêng mình như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc người đi lan truyền sự tích cực độc hại, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn còn đó. Hãy hiểu rằng những nội dung chứa thông điệp tích cực không có hại, nhưng chúng nên bị lên án nếu đính kèm trong đó là những ẩn ý phủ nhận, chối bỏ, xem nhẹ những cảm xúc tiêu cực hoặc đề cao thái quá sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Những nội dung này đang góp phần làm nghiêm trọng hơn sự kỳ thị vốn đang hiện hữu về sức khỏe tinh thần của xã hội.
Ví dụ sau có thể làm bạn rõ hơn về cách tiếp cận sai lệch của tích cực độc hại. Khi thực hiện chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ dành thời gian để tìm hiểu về cơn đau, điều gì gây ra cơn đau và sau khi cân nhắc mới đưa ra cách chữa trị phù hợp. Tương tự như vậy với sức khỏe tinh thần, khi bản thân đang trải qua những cảm xúc nhất định, chúng ta phải dành thời gian để tìm hiểu và nhìn nhận cảm xúc đó. Ta không thể vừa biết rằng bản thân đang cảm thấy buồn nên phải hết buồn và trở nên tích cực ngay được.
Điều tiết cảm xúc
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là khuyến khích họ thể hiện cảm xúc của mình và cho phép họ thời gian tự đánh giá cảm xúc của bản thân và cố gắng thấu cảm nếu có thể. Để họ nhìn lại cảm xúc của bản thân một cách “hữu cơ” thay gì ngay lập tức đưa ra những gợi ý.
Những cuộc hội thoại đơn giản như thế sẽ gửi đến thông điệp, nhắc nhở cho bạn và cả những người xung quanh rằng đó hoàn toàn ổn nếu bạn có nhiều cảm xúc tại một thời điểm, ngay cả khi đó là những cảm xúc tiêu cực. Ta hoàn toàn có thể tận hưởng và biết ơn cuộc sống này, ngay cả khi trải qua những cảm xúc như ghen tỵ, căng thẳng hoặc lo âu, chỉ cần chúng ta là con người thì những cảm xúc đó chắc chắn sẽ xuất hiện mà thôi. Việc thoải mái giải tỏa và bàn về những cảm xúc tiêu cực còn giúp xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người thay vì làm họ phiền lòng với sự thiếu chân thật của bản thân đấy.
Và cuối cùng, tránh xa tích cực độc hại không đồng nghĩa với việc giấu đi mặt tích cực của bản thân. Hãy nuôi dưỡng một tư duy trưởng thành và khả năng vượt qua khó khăn nhưng vẫn giữ được sự chân thành của bản thân. Hãy nhìn nhận rằng cảm xúc của chúng ta là vô cùng phức tạp, chúng ta có tận 27 cảm xúc và việc thể hiện chúng ra là vô cùng bình thường và khỏe mạnh khi có cả những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Và hãy nhớ rằng, khi ở cạnh chúng ta thì cả hai cảm xúc này luôn được chào đón.
Vì chúng ta đều không hoàn hảo và cuộc sống này cũng chẳng hề hoàn hảo!
Có thể bạn quan tâm