Bác sĩ tư vấn cách khắc phục rụng tóc hậu COVID-19

Theo vietnamnet 22/02/2022 01:19

Theo chuyên gia, đây chỉ là tình trạng cấp tính, sau một thời gian tóc sẽ phục hồi về bình thường.

Người bệnh nên giữ tinh thần ổn định, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ để nhanh cải thiện hơn.

Hình minh họa: health.com

Hình minh họa: health.com

Sau khi khỏi COVID-19, Minh Vân (28 tuổi, Hà Nội) bất ngờ bị tóc rụng rất nhiều. “Từ trước tới nay, chưa thời gian nào tóc mình rụng nhiều tới như vậy. Nhất là gội đầu xong, tóc có khi rụng thành từng nắm. Tóc rụng nhưng không thấy mọc lại nên mình rất lo lắng”, cô gái trẻ tâm sự.

Theo bác sĩ da liễu Trần Đức Huynh, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà, thực tế gần đây, có rất nhiều bệnh nhân gọi điện tới xin tư vấn do gặp tình trạng rụng tóc hậu COVID-19. Phần lớn bệnh nhân bác sĩ đã hướng dẫn thuộc nhóm thanh niên nam nữ từ 30 tuổi trở ra tới nhóm lớn tuổi hơn, riêng trẻ em chưa ghi nhận trường hợp nào.

Bác sĩ Huynh thông tin, rụng tóc hậu COVID-19 liên quan đến yếu tố thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật. Bình thường, mỗi ngày con người đều sẽ rụng một ít tóc (lượng tóc rụng ít nhiều tùy thuộc vào cơ địa, bệnh lý từng người). Tuy nhiên, khi mắc COVID-19, nhiều người gặp tình trạng stress. Đây chính là nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều hơn.

“Có 1 trường hợp rụng tóc rất nhiều, mỗi lần sờ lên đầu đều rụng hẳn 1 mảng tóc. Với bệnh nhân này, bác sĩ tư vấn sau khi hết cách ly nên đi khám chuyên sâu về da liễu, chưa kết luận do COVID-19. Bởi cũng có thể người bệnh có cơ địa rụng tóc hoặc bệnh lý nào đó về da liễu.Tất nhiên, nếu đang có sẵn bệnh da liễu lại gặp stress do mắc COVID-19 cũng sẽ làm tình trạng rụng tóc nặng lên”, bác sĩ chia sẻ.

Để khắc phục vấn đề rụng tóc hậu COVID-19, bác sĩ Huynh khuyến cáo nên giữ tinh thần ổn định, ngủ nghỉ điều độ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, sử dụng các vitamin tăng cường sức khỏe như vitamin tổng hợp nhóm 3B (gồm vitamin B1, B6 và B12), vitamin C. Ngoài ra, bổ sung vitamin từ chế độ ăn uống hàng ngày (như hoa quả tươi). Riêng người già và trẻ em có thể bổ sung thêm kẽm.

Tuy nhiên, bác sĩ Huynh lưu ý, tình trạng rụng tóc sẽ không thể cải thiện “ngay tức thì” mà cần có thời gian hồi phục dần dần. Bởi vậy, người dân nên giữ tinh thần thoải mái, ăn uống nghỉ ngơi điều độ như đã hướng dẫn, không nên quá lo lắng nếu mái tóc chưa cải thiện ngay.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, một nguyên nhân khác có thể dẫn đến rụng tóc hậu COVID-19 là tình trạng sốt, thiếu dinh dưỡng khi mắc COVID-19 (rụng tóc telogen).

“Trong quá trình mắc COVID-19, nếu bệnh nhân sốt có thể ảnh hưởng tới chu kỳ của tóc gây rụng tóc”, bác sĩ Tâm nói. Bác sĩ nhấn mạnh, người bệnh không nên hoang mang vì tình trạng trên chỉ là cấp tính, sau thời gian khoảng 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng, dần dần tóc sẽ phục hồi về bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể uống thêm một số loại vi chất dinh dưỡng như sắt, axit folic hoặc uống biocystine,… để giúp tóc nhanh phục hồi hơn. “Tuy nhiên, về cơ bản là phải dần dần tóc mới có thể phục hồi được”, bác sĩ Tâm lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Giữ tinh thần lạc quan để vượt qua di chứng

    Giữ tinh thần lạc quan để vượt qua di chứng "hậu COVID-19"

    04:00, 16/02/2022

  • Tăng nguy cơ biến chứng tim sau khi nhiễm COVID-19

    Tăng nguy cơ biến chứng tim sau khi nhiễm COVID-19

    01:23, 13/02/2022

  • Gia tăng ca COVID-19 sau Tết:

    Gia tăng ca COVID-19 sau Tết: "Chưa đáng lo ngại"!

    04:02, 10/02/2022

Theo vietnamnet