Thói quen ăn mặn của người Việt: Hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe
Người Việt ăn số muối gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, việc ăn giảm mặn để bảo vệ sức khỏe là cần thiết, nhưng giảm mặn thế nào cho khả thi?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành nên dùng ít hơn 5g muối/ngày để giảm thiểu nguy cơ về cao huyết áp và các bệnh tim mạch. Thực tế, người Việt có thói quen ăn uống rất mặn khi so với khuyến nghị này. Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Vì sao ăn mặn ảnh hưởng lớn sức khỏe?
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thói quen ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh lý về tim mạch.
Việc ăn mặn làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào cơ trơn thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp. Điều này có thể thấy khá rõ khi người đang ăn mặn chuyển sang ăn giảm mặn sẽ giảm tích nước, cân nặng giảm rõ rệt trong thời gian ngắn.
Thói quen ăn mặn sẽ khiến chúng ta phải uống nhiều nước hơn, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim. Tâm thất trái có thể trở lại bình thường nếu chúng ta phát hiện và giảm lượng muối nạp vào cơ thể.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, không chỉ gây ra các nguy cơ về bệnh lý tim mạch, ăn mặn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như gây hại cho thận, dạ dày hoặc hệ xương khớp…
Cụ thể ăn mặn tạo môi trường cho vi khuẩn Helicobacter pylor phát triển nhanh và hoạt động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày; gây mất canxi trong xương làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Ăn mặn ảnh hưởng nhiều nhất đến thận, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu khiến cho chức năng thận dần suy giảm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm ăn mặn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe trên.
Giảm mặn khả thi thế nào?
Người Việt đang ăn lượng muối gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO là do đã quen với khẩu vị. Bố mẹ ăn mặn nên con cái cũng ăn mặn từ nhỏ và cứ thế tạo thành thói quen, nhiều người không ý thức được mình và gia đình đang ăn mặn.
Việc cần ăn giảm mặn để bảo vệ sức khỏe bản thân và cả gia đình là không cần bàn cãi. Người Việt cần kiên trì và quan trọng nhất là mọi người đều ý thức được việc giảm mặn là cần thiết để bảo vệ sức khoẻ, rồi biến ý thức đó thành hành động.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho rằng, giảm mặn đột ngột xuống mức 5g muối mỗi ngày ít khả thi. Nên thực hiện từng bước, giảm mặn dần dần theo đường hướng của Bộ Y tế: giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và triển khai kế hoạch Quốc gia Chặng 1: Giảm lượng muối ăn hàng ngày xuống 7g vào 2025.
Cụ thể, vị chuyên gia dinh dưỡng đưa ra các giải pháp ăn uống giảm mặn như:
Chọn cách chế biến món ăn: Nên chế biến món luộc, hấp, kết hợp sử dụng gia vị giảm mặn khi chế biến các món nấu, xào, món kho, rim, rang,...
Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát được việc ăn giảm mặn là một cách tốt nhất: Ưu tiên chọn thực phẩm tươi và tự chế biến món ăn gia đình để có thể chủ động về việc giảm mặn.
Thay thế các loại gia vị thông thường bằng gia vị giảm mặn: Hiện nay trên thị trường đã có sản phẩm giảm mặn, nhận biết bằng logo hoặc thông tin trên nhãn.
Hãy lựa chọn những sản phẩm gia vị và thực phẩm có công thức giảm mặn để bảo vệ sức khỏe gia đình.
Có thể bạn quan tâm