Người đưa kỹ thuật nội soi can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa về Việt Nam
Nội soi chẩn đoán và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa là kỹ thuật rất khó, ít quốc gia thực hiện được. Bác sĩ Trần Đức Cảnh là người đã đưa kỹ thuật này về Việt Nam.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thần tốc tiêm chủng, thuốc điều trị bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả
>>Vaccine Covivac ngừng thử nghiệm giai đoạn 3 vì thiếu tình nguyện viên
>>Loại bỏ 90% ung thư đại trực tràng nhờ công nghệ nội soi mới nhất tại MEDIPLUS
Người thực hiện kỹ thuật cao nhất trong nội soi
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, mọi người đều biết đến bác sĩ Trần Đức Cảnh (Bệnh viện K TƯ) với kỹ thuật cắt niêm mạc qua nội soi (ESD) bậc thầy.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Đức Cảnh đã say mê tìm hiểu về con người và bệnh tật, đó cũng chính là lý do anh chọn học chuyên sinh với quyết tâm trở thành một bác sĩ. Cùng với đó, qua những lần được tiếp xúc với môi trường bệnh viện, anh lại càng yêu quý các y bác sĩ hơn và đặt ra mục tiêu thi đỗ trường y.
Năm 2006, anh đỗ vào Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Sau khi tốt nghiệp, anh tham khảo nhu cầu tuyển dụng của nhiều cơ sở y tế và các bệnh viện. Lúc ấy, anh thích ngoại khoa nên mong muốn sẽ vào cơ sở y tế mạnh về ngoại khoa để học tập, công tác. Cùng thời điểm đó, Bệnh viện K TƯ có nhu cầu tuyển dụng nên anh đã nộp hồ sơ và trúng tuyển. Dù vậy, bệnh viện chỉ còn một chỉ tiêu duy nhất là bác sĩ nội soi.
Tuy tình cờ nhưng sau những lần được thấy thế hệ đi trước làm về nội soi tại bệnh viện thì anh đã say mê chuyên ngành này. Năm 2017, dù còn trẻ nhưng bác sĩ Cảnh đã được lãnh đạo bệnh viện "chọn mặt gửi vàng" cử đi học kỹ thuật ESD và chẩn đoán ung thư sớm đường tiêu hóa tại Nhật Bản. Đây là kỹ thuật khó nhất, đỉnh cao trong nội soi, và chưa phổ biến tại nhiều nước trong đó có Việt Nam. Áp lực đặt lên vai chàng bác sĩ trẻ là rất lớn.
Những ngày tháng bên Nhật, nhìn những bậc thầy đỉnh cao của thế giới thực hành, bác sĩ Cảnh đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ làm được, mà chúng ta lại không làm được”. Khát khao chinh phục, nỗ lực hơn tất cả, bác sĩ Cảnh đã làm được và tốt nghiệp khóa học trở về Việt Nam.
Nhiều năm hành nghề, đến nay bác sĩ Cảnh đã thực hiện nội soi và can thiệp cho hàng ngàn bệnh nhân, cứu sống cho rất nhiều người. Đặc biệt và cũng là điều may mắn trong những năm tháng gắn bó với chuyên ngành chưa từng có trường hợp nào tai biến, biến chứng nặng hay tử vong.
Trong số đó, anh ấn tượng nhất là bệnh nhân đầu tiên mà mình đã thực hiện. Đó là bệnh nhân nữ, 73 tuổi, quê ở Nghệ An. Bệnh nhân cho biết, khi đi khám thì phát hiện dạ dày có bất thường. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân đã đến Bệnh viện K TƯ để thực hiện nội tầm soát ung thư dạ dày. Qua nội soi, bệnh nhân được xác định có tổn thương nhỏ ở dạ dày, là dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Sau đó, bệnh nhân anh thực hiện kĩ thuật cắt niêm mạc (ESD), lấy đi tổn thương chứ không phải xạ trị, hay cắt dạ dày. Đến nay, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm bác sĩ Cảnh.
Bác sĩ Trần Cảnh, không ngừng nghiên cứu học hỏi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tới các đồng nghiệp.
Chia sẻ về kỹ thuật nội soi tầm soát ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Cảnh cho biết, đây là một trong những phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán chính xác và dễ dàng các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Đặc biệt, nội soi tiêu hóa còn giúp phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa.
Khi nội soi tiêu hóa, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn. Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, dị sản, loạn sản…Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.
- 3 bất thường khi ngủ cảnh báo bệnh ung thư đang tiềm ẩn
- Chuyên gia mách bạn cách phòng bệnh ung thư trước khi quá muộn
- [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Loại bỏ “căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách”?
“Hiện nay, tỷ lệ các bệnh ung thư ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa tăng mạnh ở Việt Nam do vấn nạn thực phẩm bẩn và thói quen ăn uống chưa thực sự khoa học. Cơ hội sống càng ít khi chẩn đoán càng muộn. Nhưng nếu được chẩn đoán sớm, cơ hội can thiệp loại bỏ hoàn toàn khối u bằng kỹ thuật ESD, giúp bảo tồn nguyên vẹn ống tiêu hóa.
Hơn nữa, thời gian nằm viện ngắn, chỉ 24h sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể ăn uống đi lại. Đặc biệt, sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu chi phí điều trị, chất lượng cuộc sống bệnh nhân được nâng cao, không gây đau đớn, không rụng tóc, không mệt mỏi. Và điều đặc biệt là có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh ung thư quái ác ”, bác sĩ Cảnh chia sẻ.
Từ những thành công thời gian qua, bác sĩ Cảnh đã vinh dự được đi báo cáo tại nhiều hội nghị về ung thư và tiêu hóa trong nước. Năm 2019, anh cũng đã đại diện cho Việt Nam đi báo cáo tại Hội nghị ung thư tại Thái Lan. Anh được đồng nghiệp yêu mến gọi là “bàn tay vàng trong nội soi chẩn đoán và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa”.
Sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật
Theo bác sĩ Cảnh, đối với nội soi tiêu hóa, khó nhất là phát hiện và tìm kiếm tổn thương. Ví như, dạ dày là một căn phòng lớn, ung thư dạ dày giai đoạn sớm giống như vết bẩn nhỏ trong căn phòng ấy. Các chuyên gia Nhật Bản cũng khuyến nghị quan sát 22 góc hình trong khi nội soi dạ dày. Bác sĩ phải chuẩn bị kỹ thuật soi, kỹ thuật quan sát góc. Nếu thấy tổn thương thì phải biết đó là tổn thương sớm thì sẽ làm sinh thiết ngay để phát hiện ung thư. Tuy nhiên, nói thì thế nhưng để tìm và phát hiện tổn thương là cả một vấn đề. Bác sĩ ngoài trình độ, còn phải quan sát tốt, hiểu biết và nhận biết về tổn thương. “Không có phương pháp nào chính xác 100%. Với nội soi đường tiêu hóa, còn khó hơn nhiều vì còn phụ thuộc vào trình độ như bác sĩ, quy trình thực hiện có đúng không”, bác sĩ Cảnh nói.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều trung tâm, cơ sở y tế triển khai đồng bộ từ sàng lọc tới can thiệp ung thư sớm tiêu hóa trừ một số trung tâm lớn như bệnh viện K TƯ, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108,... Thậm chí, trước thời điểm bác sĩ Cảnh tốt nghiệp khóa học tại Nhật Bản, tại Bệnh viện K TƯ cũng chưa thực hiện can thiệp cắt ung thư sớm qua nội soi. Nên không phải nói quá rằng bác sĩ Cảnh là người đặt nền móng cho nội soi chẩn đoán và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa tại Bệnh viện K TƯ.
Không dừng lại ở đó, bác sĩ lại tự giao cho mình một nhiệm vụ mới, là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 3 khóa “sàng lọc và can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa” do bác sĩ Cảnh cầm tay chỉ việc tốt nghiệp, với khoảng gần 30 bác sĩ ở các bệnh viện trên khắp cả nước, gây tiếng vang và truyền cảm hứng rất lớn tới các bác sĩ trong hội nội soi Việt Nam.
Trong thời điểm dịch bệnh, anh thường xuyên lên facebook, zalo thực hiện livestream, giảng dạy cho các đồng nghiệp và giải đáp những thắc mắc của các học viên. Mỗi livestream của anh có hàng trăm đồng nghiệp theo dõi trực tiếp và tương tác. Đến nay, anh đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nội soi sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho 20 BV khác nhau như BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Hùng Vương Phú Thọ, BV ở Thái Nguyên, Bắc Ninh,… “Tôi muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các đồng nghiệp để giúp bệnh nhân đỡ vất vả hơn. Đồng thời, giúp đồng nghiệp nâng cao tay nghề”, bác sĩ Cảnh nói.
Bác sĩ Cảnh cho rằng, càng tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm, thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản
Điều bác sĩ Cảnh trăn trở là nhiều người Việt chưa mặn mà với sàng lọc phát hiện ung thư sớm. Theo chuyên gia, nếu phát hiện càng sớm ung thư thì việc điều trị càng đơn giản bởi “ung thư biết sớm trị lành”, nếu phát hiện bệnh muộn thì phải phối hợp nhiều mô thức sẽ rất mệt mỏi cho bệnh nhân.
Do đó, bác sĩ Cảnh cho rằng, càng tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm, thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản. Để làm được điều này, người dân cần phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Người dân cũng cần được nâng cao kiến thức, thực hiện sàng lọc ung thư sớm hoặc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Trong quá trình sàng lọc, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân để có hướng xử lý phù hợp.