Vì sao bệnh nhân Covid-19 không nên xông cả người?

Theo nguoiduatin 01/03/2022 01:21

Hiện nay nhiều F0 điều trị tại nhà truyền tai nhau cách xông thảo dược giúp bệnh nhanh khỏi. Nhưng theo chuyên gia, việc áp dụng liệu pháp này cần hết sức thận trọng.

Theo ghi nhận của Sức khỏe & Đời sống, nhiều gia đình có người mắc COVID-19 đã thực hiện phương pháp xông hơi: Dùng nồi to, cho nhiều loại thảo dược khác nhau vào nồi, rồi mang cả bếp từ vào phòng đun nồi lá để xông, trong phòng lúc nào cũng nghi ngút khói...

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, của các bác sĩ y học cổ truyền thì người dân cần biết cách xông hơi và không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng biện pháp này.

Xông hơi là một biện pháp sử dụng nhiệt kết hợp với dược liệu thúc đẩy tăng tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông, có tác dụng đẩy các nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, làm hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau… Là liệu pháp mạnh trong phương pháp hãn của Y học cổ truyền, thường dùng khi bị cảm lạnh.

Mùa đông, khí hậu lạnh, có thể áp dụng liệu pháp xông hơi. Nhưng mùa hè, khí hậu nóng, không thích hợp với xông hơi. Mùa hè thời tiết nóng bức, mồ hôi ra nhiều, nếu xông hơi sẽ càng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, dẫn đến mất nước, thậm chí gây rối loạn điện giải rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Đời sống - Vì sao bệnh nhân Covid-19 không nên xông cả người?

Đời sống - Vì sao bệnh nhân COVID-19 không nên xông cả người?

Theo Đông y, xông hơi là biện pháp chữa bệnh được áp dụng trong trường hợp ngoại cảm phong hàn, người bệnh bị nhiễm tà khí độc, tà khí còn đang ở ngoài (da), khi dùng hơi nóng và nhiệt làm vã mồ hôi, đuổi tà khí độc ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi.

Còn COVID-19 là ôn bệnh, cơ chế gây bệnh hoàn toàn khác với cơ chế gây bệnh do ngoại cảm phong hàn. Bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra, virus qua niêm mạc đường hô hấp vào cơ thể nên không thể dùng phương pháp hãn (xông) để diệt virus được.

Bệnh nhân COVID-19 thường có sốt. Theo lý luận của y học cổ truyền, những trường hợp sốt không ra mồ hôi thì tuyệt đối không được xông, sẽ làm bệnh nặng lên. Trường hợp sốt có mồ hôi thì có thể xông được.
Nhưng người bệnh rất khó xác định được mình sốt có ra mồ hôi hay không nên việc áp dụng liệu pháp xông hơi phải hết sức thận trọng. Tốt nhất, bệnh nhân COVID-19 nên tránh xông hơi toàn thân, xông trực tiếp vào người.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, người bệnh nên xông phòng bằng dược liệu hoặc tinh dầu, tuyệt đối không xông cả người vì sẽ mất nước và điện giải.

Nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội, đôi khi không đạt được kết quả. Theo bác sĩ Thiệu, việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.

"Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị COVID-19. Người bệnh nên xông phòng kín rồi hít thở thay vì xông trực tiếp, đặc biệt là xông cả người", lời bác sĩ Thiệu.

Dưới đây là 2 cách xông phòng an toàn:

Phương pháp 1: Xông bằng dược liệu

Nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Bệnh nhân có thể dùng một hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200gram - 400gram, tuỳ theo diện tích phòng.

Đối với phương pháp này, dược liệu được cho vào nồi, đổ ngập nước ngập, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng. Sau đó, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Người bệnh nên làm 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

Phương pháp 2: Xông bằng tinh dầu

Nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành (mua tại các nhà thuốc có uy tín).

Tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4ml) hòa tan trong cồn 75%. Sau đó lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, mỗi ngày xịt 2 - 3 lần.

Bộ Y tế lưu ý, khi bệnh nhân áp dụng cả hai phương pháp này đều không được xông trực tiếp vào người. Đặc biệt, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu. Lưu ý, bệnh nhân chỉ nên xông cả phòng hoặc chỉ xông mặt.

Ngoài ra, có thể đốt bồ kết, khói bồ kết cũng có tác dụng diệt vi khuẩn, virus trong không khí. Cách làm cho vài quả bồ kết vào một cái bát bằng sứ, đốt lên cho hơi bồ kết tỏa ra khắp phòng, xua đuổi vi khuẩn, virus và làm sạch không khí trong phòng.

Chú ý cần thông gió hàng ngày để tránh không khí bẩn, ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn, virus tù đọng trong phòng ở, nơi làm việc.

Bên cạnh đó, GS.TS. Trương Việt Bình – nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam khuyến cáo người dân cách xông tỏi phòng và chữa COVID-19 như sau:

-Lấy 1 cũ tỏi lột sạch vỏ đâm nhuyễn (chỉ đập nát, đâm, giã nhuyễn, không dùng cách khác như băm hoặc xay). Sau đó để yên 05 phút cho chất alisil được tạo ra đầy đủ trong tỏi.

-Dùng 1 lít nước sôi đổ vào và xông (gọi là xông tỏi). Ta chỉ xông mặt. Có thể đâm tỏi trong tô để tiện xông luôn. Hoặc cho vào nồi cơm điện, 1 củ tỏi to thì dùng 1 lít nước sôi, nếu đông người có thể dùng 2-3 củ tỏi, gừng sống, sả cho vào đun, trùm khăn xông mặt mũi họng hầu.

-Xông 10-15 phút, xong lau khô mặt, tránh ra gió. Hít thật mạnh bằng mũi và miệng cho hỗn hợp hơi nước và alisil vào phổi. Chất alisil này có tác dụng diệt virus rất mạnh, làm tan các cục máu đông.

Phổi sẽ thông thoáng và thở tốt không cần các biện pháp trợ thở. Nếu các bệnh nhân đã nhiễm bệnh thì 1 ngày xông 3 lần, sau bữa ăn. Nhẹ thì 3 ngày, nặng 5 ngày.

Phương pháp này đặc biệt giúp những người bệnh có bệnh nền nặng vẫn thoát được dịch bệnh. Các dịch chất của tỏi khi được hấp thu qua xông sẽ ức chế và tiêu diệt virus. Ngoài ra, còn kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất tế bào T của hệ miễn dịch.

Nếu để phòng lây nhiễm thì chỉ xông 1 lần vào buổi chiều. Đây cũng là phương pháp dùng để điều trị cảm cúm và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Các căn bệnh khiến người nhiễm Covid-19 tăng nguy cơ trở nặng

    Các căn bệnh khiến người nhiễm Covid-19 tăng nguy cơ trở nặng

    01:05, 26/02/2022

  • Dấu hiệu đau đầu cảnh báo nhiễm biến chủng Omicron

    Dấu hiệu đau đầu cảnh báo nhiễm biến chủng Omicron

    01:23, 23/02/2022

  • Bác sĩ tư vấn cách khắc phục rụng tóc hậu COVID-19

    Bác sĩ tư vấn cách khắc phục rụng tóc hậu COVID-19

    01:19, 22/02/2022

Theo nguoiduatin