CEO Biti's Vưu Lệ Quyên: "Dân kinh doanh luôn nói về doanh thu, họ tự hỏi tại sao tôi lại nhắc đến hạnh phúc"
Đối với CEO Biti's Vưu Lệ Quyên (Cindy Vưu), thành công thực sự trong kinh doanh không chỉ nằm ở doanh thu mà còn là những giá trị về hạnh phúc và lòng trắc ẩn.
Sau một khoảng thời gian chật vật trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài, Biti’s đã lấy lại vị thế hàng đầu của mình trên thị trường giày dép tại Việt Nam. Thành công này có một phần đóng góp không nhỏ của Vưu Lệ Quyên (Cindy Vưu) - CEO của Biti’s.
Dưới đây là chia sẻ Forbes của CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên về cuộc hành trình trở thành một nhà lãnh đạo trắc ẩn của cô.
***
Biti’s là một trong những thương hiệu giày dép lớn nhất Việt Nam. 9 năm trước, Vưu Lệ Quyên - CEO của thương hiệu này đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong cuộc sống. Nhìn từ ngoài, người phụ nữ này tưởng như có tất cả mọi thứ: một sự nghiệp thành công, trình độ học vấn xuất sắc và một vị trí lãnh đạo cấp cao ngay khi còn rất trẻ.
Mặc cho tất cả những thành tựu đó, Vưu Lệ Quyên vẫn cảm thấy vô cùng trống trải.
“Đôi lúc, việc sở hữu quá nhiều cũng gây ra vô số vấn đề”, cô nói.
Quyết tâm sống một cuộc đời ý nghĩa, cô tìm cách để đem hạnh phúc đến cho bản thân và những người làm việc với mình mỗi ngày.
Sự thay đổi không diễn ra ngay lập tức, nhưng rốt cuộc Vưu Lệ Quyên cũng đã trở thành hình mẫu cho phong cách lãnh đạo tích cực và nhân ái.
Ngày nay, các nhân viên trong công ty đều được khuyến khích thực hành chánh niệm cả ở nhà lẫn công sở. Nữ doanh nhân này thậm chí tích hợp một phiên bản “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” - khái niệm được Bhutan sử dụng đầu tiên để đo lường mức độ hạnh phúc của người dân - dành riêng cho Biti’s.
Dự án có tên là “Happy Biti’s” này đã tạo ra một môi trường làm việc cân bằng hơn cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên. Văn hoá làm việc tích cực và hạnh phúc này còn len lỏi vào trong từng chiến dịch marketing của Biti’s, đưa doanh nghiệp này trở lại vị trí dẫn đầu trong bối cảnh các thương hiệu nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường giày dép Việt Nam.
Vưu Lệ Quyên biết rằng, để thành công thực sự trong kinh doanh không thể chỉ chú trọng vào mỗi doanh thu. Nó còn đòi hỏi người lãnh đạo phải biết cách chăm sóc bản thân cũng như chú ý tới nhân viên bằng tất cả sự quan tâm, lòng nhân ái và niềm hạnh phúc chân thành.
Xây dựng văn hoá kinh doanh dựa trên lòng trắc ẩn
Khi mới bắt bắt đầu hành trình tìm kiếm chánh niệm và nghệ thuật lãnh đạo trắc ẩn, Vưu Lệ Quyên đã vô tình đọc được cuốn sách “The Art of Happiness” (Nghệ thuật của Hạnh phúc) của vị thiền sư nổi tiếng Dalai Lama.
Trong tác phẩm chứa đựng nhiều tầng tri thức này, chủ đề nổi bật nhất vẫn là cái nhìn sâu sắc của Dalai Lama: Mục đích của cuộc sống chính là hạnh phúc.
Có bố mẹ đều làm kinh doanh, Vưu Lệ Quyên từ bé đã được dạy rằng thành công là phải chăm chỉ nỗ lực, đạt điểm cao, có sự nghiệp ổn định và trở nên giàu có. “Cha mẹ chưa từng nói rằng tôi nên làm gì đó để khiến mình hạnh phúc”, cô nhớ lại. “Giờ đây, Dalai Lama nói với tôi rằng mục đích của cuộc sống chính là hạnh phúc”.
Hạnh phúc liệu có thực sự quan trọng hơn cả sự nghiệp và tiền bạc? Hay đó chỉ là một ý tưởng hay ho nhưng không có chỗ trong “thế giới thực tế” này?
Tò mò và mong muốn đi tìm câu trả lời, Cindy Vưu đã kết hợp chánh niệm vào trong cuộc sống thường nhật của mình, chẳng hạn như tập thiền hoặc ghi chép những điều mình biết ơn mỗi ngày.
Cô không mất nhiều thời gian để nhận ra những lời của Dalai Lama là hoàn toàn chính xác.
“Nó đã thay đổi cuộc đời tôi”, Cindy Vưu nói. “Nó giúp tôi biết ơn những gì mình đang có”.
Nữ doanh nhân này thậm chí từng có dịp được gặp mặt thiền sư Dalai Lama ở Ấn Độ. Ông nói với Vưu Lệ Quyên: “Nếu con muốn hạnh phúc trong quãng đời này, hãy đảm bảo động lực của con là đem lợi ích tới cho toàn bộ chúng sinh”.
Với tư cách lãnh đạo doanh nghiệp, cô đã suy nghĩ để tìm cách áp dụng lời khuyên này cho mình.
Từ đó, quan điểm của Cindy Vưu về mọi thứ đã thay đổi. Người phụ nữ này muốn làm nhiều hơn là khiến cuộc sống cá nhân của mình thêm tích cực. Cô quyết tâm đem chánh niệm và hạnh phúc vào trong văn hoá làm việc tại Biti’s.
Cindy bắt đầu liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực hạnh phúc và kinh doanh, ví dụ như T.S Hà Vĩnh Thọ - cựu Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan.
“Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng trừu tượng”, Cindy nói. “Một đất nước đo lường mức độ hạnh phúc của người dân khiến tôi cực kỳ thích thú”.
Cô hiểu rằng những con số này chính là chìa khoá thành công cho tính hiệu quả của dự án.
Khi Cindy lần đầu đề xuất ý tưởng xây dựng một hệ thống “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” (GNH) dành riêng cho Biti’s, nhiều đồng nghiệp đã dành cho cô ánh mắt hoài nghi.
“Dân kinh doanh luôn nói về doanh thu. Họ tự hỏi tại sao tôi lại nhắc đến hạnh phúc”, Cindy cười.
Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt huyết và tầm nhìn sâu sắc của mình, người phụ nữ này đã giúp các đồng nghiệp nhìn thấy tiềm năng.
“Điều quan trọng nhất đối với một công ty chính là tập thể và khả năng hoà đồng”, cô kết luận.
Với khao khát được học hỏi trực tiếp, Cindy Vưu đã tới Bhutan để nghiên cứu về hệ thống GNH của họ và đưa ra một mô hình dành riêng cho Biti’s.
Với sự hỗ trợ của TS. Thọ, Cindy Vưu và đội ngũ lãnh đạo của Biti’s đã sáng tạo và triển khai thành công “Happy Biti’s”. Sứ mệnh của dự án này là “tạo ra một tập thể cùng nhau làm việc, học hỏi và chung sống hạnh phúc”.
Nhân viên càng hạnh phúc, doanh nghiệp càng lớn mạnh
Sáng kiến mới này ra đời cùng với khẩu hiệu: “Happy Me. Happy Biti’s” (Tôi hạnh phúc, Biti’s hạnh phúc). Nó thể hiện rằng văn hoá làm việc tích cực của họ sẽ tập trung vào hạnh phúc của từng cá nhân trước. Nếu mỗi cá nhân hạnh phúc, công ty cũng sẽ trở nên lớn mạnh và thành công hơn.
Tại Biti’s, các nhân viên đều được học cách thực hành chánh niệm như thiền định, chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp trắc ẩn, lắng nghe thấu cảm, cân bằng cuộc sống, kết nối với tự nhiên…
Biti’s cũng cổ vũ văn hoá này bằng cách cho họ thêm không gian và thời gian để thực hành chánh niệm ngay trong giờ làm việc.
Cho đến nay, dự án Happy Biti’s đã làm thay đổi hoàn toàn thương hiệu cũng như văn hoá công sở tại đây theo hướng tích cực hơn.
“Đồng nghiệp của tôi đã quan tâm hơn tới cảm xúc của bản thân. Họ cảm thấy gắn kết hơn với chính mình và những thứ đang gây rắc rối cho họ”.
Tăng cường nhận thức cũng có nghĩa là tăng cường trao đổi và giao tiếp hiệu quả hơn. “Để doanh nghiệp thành công, bạn cần có sự nỗ lực chung từ tất cả mọi người. Bạn phải đảm bảo rằng mọi người đều đồng lòng với nhau”, Cindy nói. “Khi nhận thức trở nên sắc bén hơn (nhờ chánh niệm), bạn có thể nhận ra một thói quen xấu hoặc cách phản ứng thiếu lành mạnh trong các tình huống”.
Đội ngũ lãnh đạo của Biti’s cũng đề cao giá trị của lòng tốt và sự kiên nhẫn. “Đối xử tốt với mọi người, với chính mình, với tất cả là điều vô cùng quan trọng. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cần phải kiên nhẫn và đối xử tốt với bản thân. Làm được điều này với chính mình, chúng ta sẽ làm được với cả những người khác”.
Tư duy này đặc biệt quan trọng trong thế giới kinh doanh hiện tại, nơi mà sự đồng cảm và lòng tốt đôi khi bị bỏ qua. “Chúng ta muốn có kết quả ngay tức thì, nhưng thực tế lại không như vậy. Bạn phải kiên nhẫn. Bạn phải dành thời gian cho nhân viên phát triển”. Con người luôn cần thời gian để trau dồi, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào.
“Chúng ta phải kiên nhẫn với con người và quá trình". Bởi lẽ, sai lầm là không thể tránh khỏi. Thay vì bực tức, lãnh đạo nên lắng nghe và động viên nhân viên, kể cả khi họ mắc sai lầm. Hãy chú ý đến quá trình tổng thể. “Khi bạn tận hưởng quá trình, nó sẽ đem lại niềm vui và lợi ích cho bạn. Khi chúng ta tò mò, cuộc sống sẽ trở nên thú vị hơn”.
Thành công qua những giá trị chánh niệm
Những giá trị như hạnh phúc, lắng nghe, giao tiếp và chánh niệm đã góp phần giúp Biti’s quay trở lại vị trí dẫn đầu trên thị trường giày dép ở Việt Nam. Biti’s từng là một trong những thương hiệu giày dép phổ biến nhất tại quốc gia này, trước khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đến từ nước ngoài như Nike và Adidas.
Lấy ý tưởng từ chính văn hoá công ty, Biti’s đã triển khai một chiến dịch cho dòng sản phẩm mới có tên là Biti’s Hunter. Thông điệp bao trùm là khuyến khích mọi người kết nối sâu sắc hơn với mọi người xung quanh, khám phá thiên nhiên, dành thời gian cho bản thân và chia sẻ những trải nghiệm sống của chính mình.
Chiến dịch này đã thành công rực rỡ, khiến Biti’s nổi tiếng đến mức lấy lại được vị trí số 1 trên thị trường giày dép Việt Nam cho tới tận ngày hôm nay.
Giờ đây, khi Biti’s đã lấy lại vị thế hàng đầu tại thị trường nội địa, liệu Vưu Lệ Quyên có muốn doanh nghiệp phát triển xa hơn nữa?
“Chúng tôi có thể trở thành thương hiệu quốc tế hay không, điều đó không sao cả”, cô đáp. “Chừng nào chúng tôi vẫn trung thành với sứ mệnh của mình, nỗ lực hết mình và tin rằng những gì mình nghĩ là đúng, như thế đã là tốt đẹp rồi”.