VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuế

Đỗ Đỗ 09/05/2020 04:00

Trong văn bản gửi Bộ Tài Chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, VCCI đã đề xuất bãi bỏ nhiều quy định làm khó doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bỏ nhiều một số tài liệu liên quan đến hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài

Điều 6.4.a về hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài trực tiếp kê khai, nộp thuế nhà thầu phải có bản sao Giấy phép thầu hoặc Giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp và bản sao Giấy xác nhận đăng ký văn phòng Điều hành hoặc Giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).

Theo các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, xây dựng thì chỉ có các nhà thầu thi công xây dựng mới thuộc diện phải cấp Giấy phép thầu và Giấy xác nhận đăng ký văn phòng Điều hành, các nhà thầu trong các lĩnh vực khác không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Trong khi đó, Điều 6.4.a có phạm vi áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam đối với tất cả các ngành nghề.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các tài liệu này trong thành phần hồ sơ để phù hợp với các đối tượng khác.

Trường hợp phải làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế

Điều 10.1 của Dự thảo quy định người nộp thuế phải làm hồ sơ thay đổi các thông tin đăng ký thuế. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định rõ trường hợp thay đổi những thông tin nào thì phải làm thủ tục hành chính, đối với những thông tin khác thì không cần làm thủ tục.

Các Mẫu 01, 02, 03, 04, 05, 06, 20 yêu cầu người nộp thuế phải kê khai rất nhiều các thông tin, trong đó có một số thông tin ảnh hưởng đến các thủ tục thuế sau này, một số thông tin chỉ mang tính thống kê và có những thông tin thay đổi thường xuyên. Ví dụ:

Các mẫu tờ khai yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai cả tỷ trọng vốn nhà nước, vốn tư nhân, vốn nước ngoài, vốn khác. Đối với các công ty cổ phần thì sự thay đổi tỷ trọng này diễn ra hàng ngày, hàng giờ và nếu cứ mỗi lần có sự thay đổi doanh nghiệp lại phải làm thủ tục báo cáo là bất khả thi. Hơn nữa, việc thay đổi tỷ trọng vốn không ảnh hưởng đến các thủ tục và nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nên việc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo với cơ quan thuế là không cần thiết.

Các mẫu tờ khai gồm các thông tin liên lạc như email, số điện thoại, địa chỉ thường trú, địa chỉ nơi ở… không chỉ của người nộp thuế mà cả đơn vị chủ quản, người đại diện theo pháp luật, giám đốc, kế toán trưởng. Trong nhiều trường hợp, các thông tin này có sự thay đổi tương đối thường xuyên. Nếu mọi thay đổi này đều phải làm hồ sơ thì cũng sẽ tạo gánh nặng thủ tục hành chính không thực sự cần thiết. Trong khi đó, chỉ có địa chỉ trụ sở chính và địa chỉ nhận thông báo thuế cần luôn luôn chính xác, còn những thông tin khác chỉ mang tính tăng thêm.

So sánh với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, VCCI cho rằng Luật Doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã liệt kê những trường hợp doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký hoặc thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh như thay đổi trụ sở, tên, thành viên, người đại diện theo pháp luật, cổ đông sáng lập, vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của thành viên, ngành nghề kinh doanh. Đối với các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp không phải làm thủ tục, như thay đổi điều lệ công ty.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế còn trường hợp nào thì không cần.

Sửa đổi quy định đóng dấu trên hồ sơ

Theo quy định tại Dự thảo, tất cả các mẫu tờ khai hiện đang có quy định phải đóng dấu của người nộp thuế. Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hiện nay đang được trình ra Quốc hội dự kiến thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Vấn đề con dấu doanh nghiệp đang được thiết kế theo hướng bỏ toàn bộ thủ tục làm và đăng ký mẫu dấu. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể được thành lập và hoạt động bình thường mà không cần có con dấu.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu lên rất nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng việc phải đóng dấu này gây tốn kém nhiều thời gian, công sức. Để tiến tới thực hiện đồng bộ chủ trương bỏ con dấu doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải đóng dấu trên các tài liệu, hồ sơ trong dự thảo.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI góp ý Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    04:50, 25/02/2020

  • VCCI góp ý dự thảo Nghị định xử phạt hành chính thuế, hóa đơn

    05:15, 20/02/2020

  • VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về thuế thu nhập doanh nghiệp

    04:50, 14/02/2020

Đỗ Đỗ