Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ: Thêm thủ tục không cần thiết, gia tăng sự chồng chéo
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Giao thông Vận tải, VCCI khẳng định các quy định trong Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ đang tạo nên sự chồng chéo, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 3775/BGTVT-PC của Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.
Thêm nhiều thủ tục chồng chéo
Theo đánh giá của VCCI mặc dù nhiều nội dung đã được pháp luật khác quy định rõ ràng, nhưng Dự thảo Luật vẫn nhắc lại, tạo nên sự chồng chéo, gia tăng các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Chẳng hạn như Khoản 1 Điều 81 Dự thảo Luật quy định bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm nghỉ được đầu tư xây dựng tại các vị trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. VCCI cho rằng, quy định này được hiểu là khi đầu tư xây dựng công trình, thì chủ đầu tư phải xin giấy phép chấp thuận vị trí xây dựng. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, các công trình này phải xin giấy phép xây dựng.
Trong quá trình cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý xem xét về tính phù hợp của địa điểm công trình xây dựng với quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, quy định phải xin phép như Dự thảo Luật dẫn đến sự chồng lấn, thiếu thống nhất với pháp luật về xây dựng và làm tăng thủ tục không cần thiết. Hơn nữa, quy định này chưa rõ ràng về trình tự thủ tục, cơ quan cấp phép, tiêu chí cấp phép.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nên sửa quy định trên theo hướng bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng tại các vị trí phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật.
Một ví dụ khác là tại Khoản 3 đến Khoản 6 Điều 87 Dự thảo Luật có quy định chung cho các hình thức đầu tư (trong đó có đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP). Liên quan tới đầu tư PPP, theo nhận định của VCCI, các quy định này có nhiều khả năng chồng lấn với quy định tại Luật Đầu tư PPP đang được Quốc hội xem xét. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, đại diện VCCI đề nghị tách các hình thức đầu tư thành 2 nhóm riêng biệt. Trong đó, nhóm PPP dẫn chiếu các nội dung liên quan sang pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; nhóm còn lại áp dụng các quy định từ Khoản 3 đến Khoản 6 Điều 87.
Thêm giấy phép cho người lái xe
Điều 109 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) “đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành”.
VCCI cho rằng quy định dự thảo luật đang làm tăng thủ tục xin – cho một cách không cần thiết. Cụ thể, để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, theo VCCI, việc “đẻ” ra quy định chứng chỉ hành nghề sẽ khiến mục tiêu quản lý bị trùng lặp.
Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu).
“Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này. Nói cách khác, ‘giấy phép lái xe’ đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của ‘chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải’”, VCCI bình luận.
Một khía cạnh khác cũng được VCCI chỉ ra là quy định trên tạo ra nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo.
Theo đó, mặc dù chưa được quy định chi tiết nhưng những nội dung đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề có khả năng lớn là trùng lặp với đào tạo để cấp giấy phép lái xe (do mục tiêu quản lý là trùng lặp).
“Có thể với chứng chỉ, một số nội dung khác không liên quan đến kỹ năng lái xe mà về các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, nếu đúng thì thì việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu quản lý cho các lái xe là hướng đến lái xe an toàn – kinh doanh là vấn đề của chủ doanh nghiệp, không phải của các lái xe.
“Do đó, yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, VCCI nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
“Rào cản” từ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
11:20, 17/05/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ tạo giấy phép con?
04:55, 23/05/2020
CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Dùng xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ đi xử lý... vi phạm giao thông
10:19, 07/05/2020