Quy định về thủ tục hải quan với hàng thương mại điện tử còn quá… chung chung

PV 13/07/2020 06:55

VCCI khẳng định Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử còn nhiều điểm chung chung và không phù hợp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có băn trả lời Công văn số 6153/BTC-TCHQ ngày 26/05/2020 của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử còn nhiều điểm chung chung và không phù hợp.

Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử còn nhiều điểm chung chung và không phù hợp.

Dự thảo đưa ra cơ chế các cá nhân, tổ chức thương mại điện tử sẽ cung cấp thông tin về đơn hàng cho Hệ thống để phục vụ hoạt động hải quan. Điều 3.1 của Dự thảo cũng đã giải thích khái niệm thông tin về đơn hàng. Tuy nhiên, VCCI cho rằng khái niệm này vẫn còn rất chung chung và chưa thể áp dụng trực tiếp.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử quan tâm đến việc Hệ thống của cơ quan hải quan sẽ cần những trường thông tin nào để các doanh nghiệp này chuẩn bị, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp một cách tốt nhất đến cho Hệ thống.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một phụ lục tại Nghị định này, quy định rõ về các trường dữ liệu và quy cách dữ liệu mà Hệ thống cần có để các doanh nghiệp chuẩn bị đáp ứng. Trong trường hợp chưa thể đưa ngay vào Nghị định thì cần giao Bộ Tài chính hướng dẫn ở cấp Thông tư.

Cũng theo VCCI việc xây dựng và vận hành Hệ thống thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề phát sinh, do đây là quy trình quản lý mới, mô hình kinh doanh trên thị trường biến đổi rất nhanh. Do đó, VCCI cho rằng để cơ chế tiếp nhận đánh giá của người dùng và phản hồi các đánh giá đó rất quan trọng, giúp cơ quan hải quan có thể nhanh chóng phát hiện bất cập và điều chỉnh Hệ thống cho phù hợp.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số quy định về cơ chế đánh giá, nhận xét của người dùng và phản hồi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hệ thống có chức năng tiếp nhận đánh giá, phản hồi, góp ý của người dùng

Thứ hai, cơ quan Hải quan phải trả lời về việc tiếp thu hay không tiếp thu các góp ý về Hệ thống này trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được.

Thứ ba, những góp ý và trả lời này phải được tổng hợp và báo cáo định kỳ cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan phụ trách Hệ thống này.

Tại Điều 11 của Dự thảo quy định nhiều đơn vị cung cấp thông tin cho Hệ thống và xử lý trường hợp có sự mâu thuẫn về thông tin do các đơn vị khác nhau cũng cấp. Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự tường minh và cụ thể. Đây là vấn đề cần được xử lý tương đối kỹ nhằm xác định trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực. Trong trường hợp cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá và phát hiện ra các thông tin ban đầu không chính xác thì việc xác định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thông tin chưa được làm rõ.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc xác định trách nhiệm của các bên khi thông tin được cung cấp cho Hệ thống không chính xác.

Điều 13 của Dự thảo quy định người khai hải quan phải thực hiện tờ khai hải quan và gửi lên Hệ thống. Hệ thống sẽ so sánh tờ khai với thông tin về đơn hàng đã được gửi đến trước đó. Trên thực tế, hàng hoá mua qua hình thức thương mại điện tử thường là hàng tiêu dùng, người mua là cá nhân đơn lẻ. Các cá nhân này cũng chỉ tiếp nhận thông tin về hàng hoá do sàn, website thương mại điện tử cung cấp, chứ không có thông tin gì khác. Như vậy, quy trình được thiết kế trong dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng người khai hải quan phải mất công khai lại những thông tin mà cơ quan hải quan đã biết, và được cung cấp chung từ một nguồn tin. Đây là sự lãng phí không cần thiết.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy trình khai và nộp tờ khai hải quan như sau:

Thứ nhất, hệ thống tự động sử dụng các thông tin về đơn hàng được gửi đến từ trước để điền vào các trường thông tin trên tờ khai hải quan.

Thứ hai, người khai hải quan điền nốt những thông tin còn thiếu trên tờ khai hải quan và xác nhận những thông tin đã được điền sẵn. Trong trường hợp người khai hải quan phát hiện những thông tin được điền sẵn không chính xác thì thông báo lại cho Hệ thống.

“Cơ chế như vậy vừa tạo thuận lợi cho người khai hải quan vừa tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập thông tin”. VCCI nhấn mạnh.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng việc kiểm tra thực tế hàng hoá khi có phát hiện nghi ngờ và theo nguyên tắc quản lý rủi ro là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh.

Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến doanh nghiệp dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy

    04:20, 09/07/2020

  • VCCI "tăng tốc" hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực Nam Trung bộ

    19:00, 25/06/2020

  • Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Phát triển bền vững là lẽ sống của doanh nghiệp”

    15:00, 23/06/2020

PV