Cần Luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ

ĐỖ HUYỀN 24/07/2020 04:50

Đây là đề xuất của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong buổi làm việc giữa VCCI với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Tại buổi làm việc này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, cơ hội của Việt Nam từ các FTA thế hệ mới đang bị bỏ phí mà một phần trong những nguyên nhân dẫn đến sự bỏ phí này chính là do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thật sự lớn mạnh.

Nếu được đầu tư đúng mức, sản phẩm CNHT của Việt Nam sẽ không thua kém với bất cứ quốc gia nào.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Chính sách nhiều mà yếu?

Hiện tại, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực thực thi chính sách rất đầy đủ, nhưng chính sách lại chồng chéo, dẫn đến triển khai rất khó. Vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp không mặn mà với chính sách, bởi chi phí để họ tiếp cận chính sách còn nhiều hơn cả lợi ích được hưởng. 

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Chính vì thế, khi nguồn cung bất ngờ bị đứt gãy như trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất.

Ở thời điểm hiện tại, vấn đề này càng trở nên quan trọng bởi nếu không hoàn thiện chuỗi cung ưng và không đáp ứng được yêu cầu nguồn gốc nguyên liệu thì doanh nghiệp Việt khó có thể tận dụng được yêu cầu từ các FTA thế hệ mới.

Đã đến lúc phải có Luật riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Với tỷ lệ quả nhỏ trong toàn ngành công nghiệp nên năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này còn rất thấp; thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu lại là các doanh nghiệp tư nhân nên khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Những điều này đã khiến nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật, trong các chuỗi cung ứng lớn quy mô toàn cầu.

Vì những lý do trên, Chủ tịch VCCI khẳng định đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần riêng một đạo Luật.

Đồng quan điểm, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc ban hành Luật dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần chú trọng đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới...

“Điều này sẽ khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…”, ông Hoài khuyến nghị.

Liên quan tới vấn đề tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tiến bộ khá nhiều. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về tài chính hầu như khá khó khăn.

“Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự "chiến đấu", bà Bình chỉ rõ.

Có thể bạn quan tâm

  • "Kiềng ba chân" phát triển công nghiệp hỗ trợ

    07:27, 21/07/2020

  • N&G Group "bắt tay" cùng các đối tác Hàn Quốc phát triển công nghiệp hỗ trợ

    13:13, 20/07/2020

  • Cơ hội kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ

    05:00, 03/07/2020

ĐỖ HUYỀN