Áp thuế hàng “chế biến” thành “sơ chế”, doanh nghiệp thủy sản yêu cầu đối thoại

PV 10/08/2020 05:30

Hầu hết sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp thủy sản bị ngành thuế coi là hàng “sơ chế”, tương tự như hàng từ các vựa lặt đầu tôm, bóc vỏ,… nên có thể bị truy thu thuế.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét cho các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và có nhà máy chế biến thủy sản; các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP bằng cách sửa đổi lại khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

VASEP nhấn mạnh vướng mắc lớn nhất hiện nay là đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bị áp sang hàng

VASEP nhấn mạnh vướng mắc lớn nhất hiện nay là đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu bị áp sang hàng "sơ chế" thay vì là "chế biến" khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.

VASEP cũng đề nghị Tổng cục thuế bố trí một buổi làm việc với VASEP và các doanh nghiệp thủy sản để trao đổi về các vướng mắc, bất cập về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đối với hoạt động chế biến thủy sản cũng như có thể làm rõ hơn đề xuất của Hiệp hội tại công văn này.

Theo VASEP, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang bị áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN ưu đãi là 10% (với địa phương được xếp nhóm là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn) hoặc 15%.

"Một số doanh nghiệp trước đây đã từng được các Cục Thuế tỉnh cho hưởng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 15%. Tuy nhiên, sau một số công văn hướng dẫn được ban hành từ cuối 2017 đến nay, các sản phẩm của doanh nghiệp lại bị quy sang hàng sơ chế và thuế suất doanh nghiệp phải nộp lại tăng lên 20%. Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì trước đó doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nên khi bán hàng đã chấp nhận giảm giá cho khách hàng nước ngoài và cân đối nâng giá thu mua tôm nguyên liệu của người dân để tăng lượng khách hàng và lượng nguyên liệu thu mua được. Do đó, sau khi doanh nghiệp bị nâng mức áp thuế TNDN và bị truy thu thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào con đường thua lỗ nghiêm trọng" – VASEP phân tích.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh hoạt động tại các nhà máy thủy sản là "chế biến" đúng nghĩa. "Không thể đánh đồng một nhà máy chế biến thủy sản có vốn đầu tư lớn, mức độ công nghệ áp dụng cao và quy trình chế biến phức tạp với một vựa mua bán, sơ chế thủy sản đơn giản kiểu như: lặt đầu tôm, bóc vỏ, ướp đá,… Hầu như các sản phẩm thủy sản chế biến của các doanh nghiệp được đóng gói hoàn chỉnh để bán ra trực tiếp tại các siêu thị nước ngoài, không thể gọi là sơ chế được", ông Hòe nhấn mạnh.

Đồng thuận về vấn đề này với VASEP, ngày 2/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản số 4476/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.

Theo lập luận của ông Hòe, các nậu vựa tôm thường làm các công đoạn sơ chế như bóc đầu tôm trước khi cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thuỷ sản, sau đó nguyên liệu này sẽ đi qua các khâu chế biến của nhà máy thì tất nhiên phải được gọi là hoạt động chế biến, nếu không lại đánh đồng các nậu vựa tôm và các nhà máy chế biến.

VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế phải xem hoạt động của các nhà máy thuỷ sản đông lạnh là chế biến mới hợp lý, từ đó mới giải tỏa được các bức xúc và những trở ngại hiện nay của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty STAPIMEX, thuật ngữ sơ chế trong ngành thủy sản được hiểu là chỉ làm một số công đoạn như bóc đầu, bóc vỏ sau đó đưa vào các nhà máy chế biến tiếp. Tại nhà máy các công nhân sẽ làm tiếp các công đoạn như chiên, luộc, lăn bột, tẩm ướp... đóng gói xuất khẩu, các nhà nhập khẩu đưa các sản phẩm này vào siêu thị bán cho người tiêu dùng mua về nấu chín là ăn được như vậy không thể gọi là sơ chế, và không doanh nghiệp nào làm sơ chế ở các nhà máy đông lạnh trị giá hàng tỷ đồng.

Giả sử con tôm bị truy thu thuế thì con cá tra và tất cả các sản phẩm hải sản xuất khẩu đều phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu không các doanh nghiệp tôm phản ứng ngành thuế sẽ rất khó trả lời, vì có 90% sản phẩm cá tra làm phi lê và qua rất ít công đoạn chế biến. Đó là chưa nói con tôm, con cá tra đều nằm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung nghèo, và hiện nay các doanh nghiệp thuỷ sản đang khó khăn do bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

“Các nhà máy chế biến đang nhận các công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương, Biên Hòa bị mất việc về quê xin vào các nhà máy chế biến thủy sản để kiếm sống. Trong giai đoạn khó khăn này ngành thuế không hỗ trợ cho doanh nghiệp thì thôi xin đừng gây khó khăn. Mới đây tôi có nghe Cục Thuế tỉnh nọ đòi truy thu thuế trong khi doanh nghiệp khai báo thuế đầy đủ”, ông Phẩm cho biết.

PV