Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế: Một số quy định chưa phù hợp và thiếu thống nhất
Theo VCCI, bên cạnh mặt tích cực, một số quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với Luật Quản lý thuế…
Nhằm hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bên cạnh những mặt tích cực của Dự thảo vẫn còn một số quy định không phù hợp với Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, Điều 4.1 Dự thảo quy định việc khai thuế, nộp thuế được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi với trường hợp sau: hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định trên là chưa phù hợp do đồng tiền thu được từ việc bán hàng hóa, dịch vụ có thể khác so với đồng tiền kê khai, nộp thuế, việc này dẫn đến các doanh nghiệp phải thực hiện mua ngoại tệ để nộp thuế, từ đó phát sinh các chi phí về tài chính.
Ngoài ra, quy định này cũng chưa thống nhất với Điều 90.1 Dự thảo do Điều 90.1 cho phép nhà cung cấp nước ngoài được nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được lựa chọn nộp thuế hoặc bằng đồng tiền tự do chuyển đổi hoặc bằng Việt Nam”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, về việc kê khai và nộp thuế với địa điểm kinh doanh, Điều 17.2 và Điều 21 Dự thảo chưa có quy định về kê khai và nộp thuế với địa điểm kinh doanh là cơ sở dịch vụ hoặc thương mại khác tỉnh.
Do vậy, theo VCCI, để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định về kê khai, tính thuế, phân bổ và nộp thuế với trường hợp trên.
Cũng theo VCCI, Điều 17.2.d Dự thảo quy định hoạt động xây dựng tại địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở chính của doanh nghiệp được kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng.
Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP khi quy định các trường hợp doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh đó (khác trụ sở chính), nhưng không có trường hợp nào như Điều 17.2.d Dự thảo. Vì thế, hoạt động xây dựng khác tỉnh vẫn được hạch toán tập trung tại trụ sở chính theo Điều 11.2 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng hoạt động xây dựng khác tỉnh với trụ sở chính của doanh nghiệp được thực hiện hạch toán tại trụ sở chính và phân bổ số thuế tại tỉnh nơi diễn ra hoạt động”, VCCI góp ý.
Liên quan đến xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, Điều 29.1 Dự thảo quy định các trường hợp xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng xác định thứ tự ưu tiên áp dụng từng trường hợp xử lý. Cụ thể, người nộp thuế phải thực hiện bù trừ, nếu không hết thì mới thực hiện phương án hoàn trả. Tuy nhiên, VCCI đề nghị đơn vị soạn thảo cần xem xét lại quy định trên vì:
Thứ nhất, quy định này là không phù hợp với Luật Quản lý thuế khi Điều 60.1 Luật Quản lý thuế quy định: “Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”. Như vậy, Luật Quản lý thuế quy định theo hướng 3 trường hợp xử lý tiền thuế là ngang nhau về thứ tự áp dụng, chứ không phân biệt thứ tự áp dụng như quy định tại Dự thảo;
Thứ hai, nội dung quy định này không được giao quy định chi tiết bởi Luật hoặc Nghị định khi Điều 60.5 Luật Quản lý thuế quy định: “Bộ trường Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa”, tức là không giao Thông tư quy định chi tiết các trường hợp xử lý tiền thuế. Trong khi đó, Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu văn bản chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao, mà không được quy định thêm nội dung nào khác.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.
Theo VCCI, về hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, Điều 32.2 Dự thảo quy định một số loại tài liệu trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng gồm: bản sao chứng từ góp vốn điều lệ với trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư; bản sao hợp đồng xuất khẩu trong trường hợp hoàn thuế hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy là chưa phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp do số lượng hồ sơ, chứng từ của các tài liệu này trong nhiều trường hợp thường tương đối nhiều đến rất nhiều, dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian và khó khăn để tập hợp các tài liệu này.
“Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định trên, thay vào đó, nếu có nghi vấn về gian lận thuế, cơ quan nhà nước có thể thực hiện theo thủ tục thanh kiểm tra hồ sơ hoàn thuế”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, về công khai kế hoạch kiểm tra hàng năm, Điều 82.4 Dự thảo quy định kế hoạch kiểm tra được công khai theo một trong hai hình thức sau: trên trang thông tin điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, theo VCCI, hình thức công khai trên trang thông tin điện tử có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi theo dõi các kế hoạch này, cũng như các điều chỉnh sau này. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng kế hoạch kiểm tra được công khai theo cả hai hình thức trên.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo thông tư hướng dẫn Luật thuế: Cá nhân, doanh nghiệp trong nước nộp thuế thay Google, Facebook?
04:10, 08/03/2021
Dự thảo Thông tư thi hành một số điều của Nghị định 13/2019: Một số quy định chưa phù hợp
04:00, 03/03/2021
Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí thẩm định: Điều chỉnh chưa phù hợp
04:00, 26/02/2021
Dự thảo Thông tư liên quan việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Còn thiếu minh bạch, thống nhất
04:30, 09/02/2021