Quy định lắp đặt camera giám sát: “Cái khó bó công nghệ”

HẢI NGÂN - THU HÀ 14/04/2021 17:15

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, quy định về lắp camera cho xe khách, xe container và xe đầu kéo có hiệu lực.

Tuy nhiên, do kiệt quệ bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng kiến nghị lùi thời điểm áp dụng.

 Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tạm dừng hoặc lùi thời gian lắp đặt camera trên phương tiện để giảm bớt khó khăn về tài chính trong thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay. Ảnh: BGT

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tạm dừng hoặc lùi thời gian lắp đặt camera trên phương tiện để giảm bớt khó khăn về tài chính trong thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay. Ảnh: BGT

Theo Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải hành khách trên 9 chỗ và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Từ chi phí…

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty vận tải Hà Anh cho biết, chi phí lắp đặt camera hoàn thiện để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ theo luật quá cao. Hiện chi phí đối với xe tải trung bình là 5 triệu/1 mắt, xe khách khoảng 8 -10 triệu/2 mắt, chưa kể trả tiền nhà mạng hàng tháng. Việc lắp camera chỉ để giám sát hành trình lái xe vận hành trên đường bao nhiêu khách, dừng đỗ ra sao và một số vụ việc tranh chấp, mất an ninh trật tự thì camera giám sát hành trình chúng tôi đã có ghi lại đầy đủ.

“Nếu các doanh nghiệp lắp hết theo luật quy định, chi phí có thể thiệt hại đến hơn 3.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay thì đó là một con số khá lớn. Do vậy, Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tạm dừng hoặc lùi thời gian lắp đặt camera trên phương tiện để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp”, ông Tiến nói.

Ở một góc độ khác, theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay, trong kinh doanh vận tải hành khách đã có một số đơn vị triển khai lắp camera theo quy định của Nghị định số 10/2020 và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã lắp camera nhưng chỉ phục vụ quản trị của doanh nghiệp (lưu trữ hình ảnh trên xe nhưng không có tính năng truyền dữ liệu hình ảnh về trung tâm tích hợp dữ liệu theo quy định) từ trước khi có Nghị định 10 và Thông tư 12. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo và xe container chưa có đơn vị nào thực hiện lắp camera. Nguyên nhân, là do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID- 19, nên hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đến công nghệ

Thực tế, việc bắt buộc lắp camera cho xe khách và xe container là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP Hải Phòng, cái khó nhất của doanh nghiệp khi thực hiện lắp camera là nền tảng công nghệ để tiếp nhận hình ảnh.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với camera lắp đặt trên xe ô tô và việc cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera, nhưng các doanh nghiệp vận tải phần lớn không có kinh nghiệm trong vấn đề này. Thêm vào đó, việc quản lý dữ liệu cũng vô vùng khó khăn do dữ liệu từ camera lớn gấp nhiều lần dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Doanh nghiệp không thể đủ nhân lực kiểm tra hình ảnh của từng xe.

Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo lắp đặt thiết bị tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, xin được lùi lại thời gian để chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý, tránh gây lãng phí.

Quyền quyết định thuộc về Chính phủ

Ông Phạm Văn Huy – Phó giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, Sở GTVT Hải Phòng đã có thông báo gửi các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hải Phòng về hình thức xử phạt khi không thực hiện lắp đặt camera giám sát lên phương tiện và khuyến nghị các đơn vị lựa chọn, thực hiện lắp đặt camera giám sát lên phương tiện.

“Sở GTVT Hải Phòng cũng yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thực hiện kiểm tra việc lắp đặt hệ thống camera giám sát (đối với các xe ô tô thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp đặt) khi phương tiện vào kiểm định và đưa ra khuyến cáo để lái xe, chủ phương tiện khắc phục, sửa chữa nếu phát hiện việc lắp đặt không phù hợp với quy định”, ông Huy cho biết thêm.

Cũng theo ông Huy, trước kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hải Phòng và các doanh nghiệp vận tải, Sở GTVT thành phố Hải Phòng sẽ tổng hợp, báo cáo lên Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xem xét, giải quyết. Sở GTVT không có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị này.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã tiếp tục có văn bản số 16/CV-HHVT ngày 30/3/2021 kiến nghị với Thủ tướng và các cơ quan theo hướng đề nghị lùi thời gian thực hiện xử lý vi phạm hành chính với nội dung này đến 31/12/2022.

Do một số nội dung trong Nghị định 10, Thông tư 12 chưa được rõ và do tình hình khó khăn của các đơn vị vận tải bởi đại dịch COVID-19 nên trên cơ sở đề nghị từ các hiệp hội thành viên, chi hội, hội viên trực thuộc, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã nhiều lần có văn bản báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị cho phép thí điểm để rút kinh nghiệm và cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera nhưng tất cả các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam chưa được chấp thuận.

Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

HẢI NGÂN - THU HÀ