Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cần kịp thời, đúng - trúng đối tượng
Theo VCCI, việc xây dựng Dự án Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 trong thời điểm này là hết sức cần thiết, tuy nhiên, cần kịp thời, đúng - trúng đối tượng…
Trả lời Công văn số 8532/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc Chính phủ xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 trong thời điểm này là hết sức cần thiết.
Theo kết quả điều tra gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố mà VCCI tiến hành cuối năm 2020 thì các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp thực tế tiếp cận được và đánh giá cao về tính hiệu quả, sự hữu ích đều cao hơn hẳn các nhóm giải pháp khác hỗ trợ về vốn, về cho vay trả lương cho người lao động…
Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh. Về cơ bản, những giải pháp như giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong các năm 2018, 2019, 2020 và không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp là hợp lý.
Tuy nhiên, theo VCCI, để các giải pháp hỗ trợ thể hiện được mục tiêu “đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng - trúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ, doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước” như thể hiện tại Tờ trình, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm.
Về tăng thời hạn hỗ trợ, theo đề xuất trong Dự thảo thì các giải pháp hỗ trợ: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ; Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; Giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021.
Theo VCCI, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 04 đợt dịch bùng phát và đợt dịch bùng phát từ tháng 04/2021 trở lại đây đang ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ đang thúc đẩy các hoạt động để mua vaccin và thực hiện tiêm chủng trong người dân.
Theo kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng tại Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 08/7/2021 thì dự kiến đến hết quý I/2022 nước ta sẽ tiêm được 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 – đạt miễn dịch cộng đồng (đặt trong trường hợp Việt Nam sẽ có đủ 150 triệu liều vắc xin trong giai đoạn này và hoạt động tiêm chủng thực hiện theo đúng tiến độ). Như vậy, sớm nhất thì phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
“Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của chính sách hỗ trợ, để những chính sách này có hiệu lực thực tế, đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 06/2022”, VCCI kiến nghị.
Về tăng mức giảm thuế VAT, theo Dự thảo, mức giảm thuế VAT cho các loại hình dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… là 30%.
VCCI cho rằng, mức hỗ trợ này cần mở rộng ra đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh này.
Về đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ. Trong khi, Dự thảo quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho “người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng”.
Theo VCCI, quy định này chưa hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Mặt khác, theo Báo cáo Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam thì có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019, trong đó, mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%.
Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn, mức giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn lần lượt ở mức 39%, 33%, 32% và 30%.
Với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có mức giảm doanh thu ở mức 36% và 35%, các doanh nghiệp quy mô vừa, lớn có mức giảm doanh thu ở mức 31% và 30%.
“Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ này, đề nghị Ban soạn thảo xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ”, VCCI đề xuất.
Về hỗ trợ thông qua tài trợ các chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh, theo VCCI, hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, 2 địa điểm – 1 cung đường…
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thì các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, doanh nghiệp không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của doanh nghiệp đang bị ăn mòn dần, việc doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị, bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16, thành khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
“Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dịch bệnh nhất, chính sách này cũng rất công bằng, những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn”, VCCI đánh giá.
Theo VCCI, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhóm giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 là đặc biệt quan trọng và rất hữu ích. Nhưng đề nghị mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt là cực kỳ nghiêm trọng và chưa từng có, do vậy, các giải pháp hỗ trợ theo chúng tôi cũng cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy.
“Trường hợp nguồn hỗ trợ này ảnh hưởng quá lớn đến thu ngân sách, không cân đối được, thì đề nghị trong Nghị quyết ấn định một hạn mức hỗ trợ ngân sách tối đa. Điều này giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế với phạm vi đủ lớn, khắc phục một khó khăn trên thực tế của một số gói hỗ trợ thời gian qua là dù con số công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh trên thực tế”, VCCI kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Gói hỗ trợ viễn thông: Mong giảm cước thay vì tặng dung lượng
05:15, 08/08/2021
Luật Hợp tác xã 2012 - Bài 5: Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
04:00, 08/08/2021
Miễn, giảm tiền thuê nhà cho người dân vùng dịch: Cần gói hỗ trợ riêng
04:00, 07/08/2021
Tăng cường miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn
22:44, 06/08/2021
Vietcombank giảm phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng mùa dịch COVID - 19
16:25, 06/08/2021