Phản hồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa… “thuyết phục”
Xoay quanh những hạn chế, bất cập của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, những phản hồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa… “thuyết phục”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước những quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo) nếu được thông qua sẽ gây khó, tăng gánh nặng phát sinh chi phí,… Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã lên tiếng phản hồi.
Tuy nhiên, sau thông cáo báo chí của Bộ TN&MT, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, những phản hồi của đơn vị này về nội dung của Dự thảo chưa đủ thuyết phục, trong đó, vẫn còn một số điểm Bộ TN&MT chỉ tiếp thu một phần và nhiều điểm không tiếp thu theo như đề nghị của một số Hiệp hội.
“Với những điểm Bộ TN&MT không tiếp thu hoặc chỉ tiếp thu một phần, các giải thích của Bộ có nhiều điểm còn khiên cưỡng, thiếu hợp lý”, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại.
Cụ thể, về trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT), theo như phản hồi của Bộ TN&MT, Dự thảo mới đã tiếp thu nhiều ý kiến…theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp GPMT(?)
Tuy nhiên, theo cộng đồng doanh nghiệp, thực tế hồ sơ và thủ tục xin cấp GPMT rất phức tạp, trùng lắp, không rõ thời gian thực hiện, Bộ TN&MT không nên so với Dự thảo cũ, mà nên xem hồ sơ có bị trùng lắp hay không, thủ tục xét duyệt có hợp lý hay không, thì mới đúng với tinh thần cải cách hành chính.
“Không lẽ dự thảo đầu tiên có 8 điểm dở, dự thảo cuối còn 5 điểm dở thì được coi là cải cách?”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh.
Theo ông Nam, về hồ sơ chồng chéo, mặc dù hồ sơ xin cấp GPMT trong Dự thảo này đã cắt giảm hơn so với dự thảo trước (8 mục so với 15 mục), nhưng trong 8 mục vẫn còn 5 mục chồng chéo với hồ sơ xin duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tức là doanh nghiệp vẫn phải nộp 5 mục hồ sơ 2 lần.
“Điều 29: Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường không quy định “Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác” cho các dự án đã có báo cáo ĐTM theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường là tài liệu gì, mà chỉ có quy định cho các dự án không có báo cáo ĐTM, đây là quy định hồ sơ không rõ ràng”, ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, quy trình cấp phép còn trùng lắp, không rõ ràng: 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thực hiện ĐTM; và khi cấp GPMT); Không có quy định bao giờ phải có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có), và cũng không có giới hạn số lần yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Chưa kể, Điều 29 của Dự thảo không quy định cụ thể quy trình thực hiện thủ tục, mà lại ủy quyền tiếp “Cơ quan cấp giấy phép môi trường ban hành quy trình tiếp nhận và trả kết quả giấy phép môi trường theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường”, như vậy, là chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định văn bản hướng dẫn chi tiết không được ủy quyền lại.
Ông Nguyễn Hồng Uy – đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt nam (Amcham Việt nam) còn cho biết, quy trình cấp phép không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm.
“Cụ thể, việc tiền kiểm như lập đoàn kiểm tra khi dự án còn chưa vận hành thử nghiệm sẽ không thực sự mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường trên thực tế. Hơn nữa, chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm (ví dụ như trường hợp vi phạm của Formosa)”, ông Uy nói.
Không chỉ có vậy, cộng đồng doanh nghiệp còn quan ngại, nếu được thông qua, một số quy định tại Dự thảo này còn làm tăng thêm giấy phép, giấy phép con.
Cụ thể, Điều 38 của Dự thảo yêu cầu đăng ký nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (“chất POP”). Thủ tục thẩm định bao gồm cả kiểm tra hồ sơ và lập đoàn kiểm tra, mà không nêu rõ kiểm tra nội dung gì, liệu có cần thiết phải tiền kiểm nhu cầu doanh nghiệp?
Một số Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ TN&MT cần công bố các chất có trong danh sách miễn trừ của Công ước Stockholm, doanh nghiệp nào muốn sản xuất, sử dụng thì chỉ cần làm thông báo về dự kiến nhu cầu sử dụng, còn các chất nào chưa có thì gửi hồ sơ đề nghị xin miễn trừ, tối đa 15 ngày làm việc Bộ sẽ trả lời kết quả.
Ngoài ra, theo phản hồi của Bộ TN&MT, doanh nghiệp phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thẩm định ĐTM và khi thẩm định cấp GPMT) là không phản ánh đúng nội dung của Luật Bảo vệ môi trường cũng như quy định chi tiết nội dung này trong Dự thảo... trong trường hợp cần thiết cơ quan thẩm định ĐTM mới tổ chức khảo sát thực tế…, đây không phải là hoạt động kiểm tra… trong trường hợp cần thiết, cơ quan cấp GPMT mới thành lập đoàn kiểm tra.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, rõ ràng trong giải thích này đã cho thấy việc doanh nghiệp phải chịu 2 lần kiểm tra thực địa bởi “khảo sát thực tế” thì cũng tương tự “kiểm tra thực địa”, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi Bộ TN&MT lập đoàn khảo sát/kiểm tra mà không có thời gian quy định bao giờ lập. Đáng nói, để Việt Nam thành công xưởng của thế giới, có rất nhiều dự án thì Bộ TN&MT, liệu có đủ cán bộ để xuống thực địa kiểm tra ngay hay không? Hay lại để các dự án bị chậm trễ vì chờ thủ tục hành chính?
“Luật quy định “trong trường hợp cần thiết” là đúng, nhưng Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật lại không làm rõ “trường hợp cần thiết” là trường hợp nào, thế thì có được gọi là “hướng dẫn chi tiết” không? Quy định “trong trường hợp cần thiết” mà không làm rõ là trường hợp nào sẽ tạo kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh, doanh nghiệp nào có “bôi trơn” sẽ dễ được miễn kiểm tra, còn doanh nghiệp nào không “bôi trơn” sẽ dễ bị kiểm tra?”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) quan ngại.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp quan ngại, Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng
11:00, 23/09/2021
Quy định phí tái chế EPR có nhiều điểm bất hợp lý
04:20, 22/09/2021
Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về thủ tục cấp giấy phép môi trường
04:20, 21/09/2021
Thủy sản gặp khó trước dự thảo Nghị định về bảo vệ môi trường
04:20, 20/09/2021
Quy định bảo vệ môi trường với các phân vùng chưa thống nhất
04:00, 31/08/2021