Dự thảo bổ sung những quy định quá khắt khe đối với các tổ chức tham gia đấu giá đất
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, VCCI cho rằng, còn nhiều bất cập trong quy định về đấu giá quyền sử dụng đất…
>> Đấu giá quyền sử dụng đất: Tránh can thiệp quá sâu ở khâu đầu vào
Theo đó, trả lời Công văn số 1520/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, còn nhiều bất cập trong quy định về đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Điều 1), về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất (khoản 3 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Theo VCCI, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định này, được hiểu nhằm kiểm soát năng lực của các tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và hạn chế tình trạng “thổi giá đất” và “bỏ cọc” như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc Dự thảo bổ sung quy định theo hướng áp dụng những quy định quá khắt khe đối với các tổ chức tham gia đấu giá có thể khiến việc rất ít nhà đầu tư có thể đáp ứng được điều kiện tham gia đấu giá và ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hình thức lựa chọn nhà đầu tư này.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét các vấn đề của quy định tại Điều 17a như:
Về “Điều kiện tham gia đấu giá”, điểm b khoản 1 Điều 17a quy định, có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.
>> "Mập mờ" đấu giá quyền sử dụng đất tại Phú Yên (Kỳ 3): Doanh nghiệp thiệt hại - Ai chịu trách nhiệm?
VCCI cho rằng, mặc dù đây là quy định được hiểu nhằm sàng lọc các nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, tuy nhiên quy định như vậy là chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn trong cách hiểu khi triển khai trên thực tế, bởi như thế nào được hiểu là “có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất”. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Hay như, quy định ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư (điểm c khoản 1 Điều 17a). Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư. Bởi, điểm a khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư không phải thực hiện ký quỹ trong trường hợp “trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.
Mặt khác, điểm a khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì “Nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được… Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá”. Như vậy, thời điểm ký quỹ là sau khi trúng kết quả đấu giá, trong khi Dự thảo lại quy định trước khi tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ theo quy định tại pháp luật đầu tư.
Để đảm bảo tính thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về điều kiện này, tức bỏ điểm c khoản 1 Điều 17a.
Bên cạnh đó, về “Giá trị khoản tiền đặt trước”, khoản 3 Điều 17a quy định khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản “Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá.”.
“Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng dẫn chiếu sang quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”, VCCI góp ý.
Về “Chế tài khi người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước”, khoản 3 Điều 17a quy định “trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp”.
VCCI cho rằng, quy định này cần được xem xét về tính minh bạch, tính thống nhất, và tính hợp lý, từ đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định đã nêu.
Ngoài ra, về việc “Tự ý hủy kết quả trúng đấu giá”, điểm đ khoản 5 Điều 17a quy định “trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”.
Theo VCCI, quy định này được hiểu nhằm hạn chế tình trạng người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, “bỏ cọc”, tuy nhiên, giá trị khoản tiền nộp phạt tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá là quá lớn. Điều này có thể tạo ra tâm lý e ngại cho những người tham gia đấu giá và giảm tính cạnh tranh của hình thức này.
“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại mức phạt phù hợp hơn”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Đấu giá quyền sử dụng đất: Tránh can thiệp quá sâu ở khâu đầu vào
04:00, 22/04/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất
20:12, 07/04/2022
Đa chiều về đấu giá quyền sử dụng đất
04:10, 26/12/2021
"Mập mờ" đấu giá quyền sử dụng đất tại Phú Yên (Kỳ 3): Doanh nghiệp thiệt hại - Ai chịu trách nhiệm?
11:50, 24/12/2020
"Mập mờ" đấu giá quyền sử dụng đất tại Phú Yên (Kỳ 2): Vì sao chính quyền “ngâm” kết quả đấu giá?
04:30, 19/12/2020