Còn nhiều bất cập trong các quy định liên quan hoạt động đại lý đổi ngoại tệ

ANH KHÔI 30/05/2022 03:40

Góp ý Dự thảo Nghị định liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, VCCI cho rằng, nhiều quy định tại Dự thảo còn bất cập, cần được cân nhắc bãi bỏ…

>> Mua bán ngoại tệ online nhanh chóng dễ dàng với ứng dụng Ngân hàng số

Trả lời Công văn số 2572/NHNN-QLNH ngày 22/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Dự thảo), liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều quy định còn bất cập, cần được cân nhắc bãi bỏ…

Còn nhiều bất cập trong các quy định liên quan hoạt động đại lý đổi ngoại tệ - Ảnh minh họa

Còn nhiều bất cập trong các quy định liên quan hoạt động đại lý đổi ngoại tệ - Ảnh minh họa

Cụ thể, Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 3.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định điều kiện với tổ chức tín dụng (TCTD) được phép uỷ quyền cho tổ chức kinh tế (TCKT) đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới trên địa bàn nơi TCKT đặt đại lý đổi tiền. Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo khả năng của TCTD uỷ quyền trong việc giám sát hoạt động đổi ngoại tệ của TCKT.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định như vậy cũng chưa thực sự hợp lý vì các TCTD có thể sử dụng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau nhằm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của TCKT, không nhất thiết phải có trụ sở/chi nhánh tại địa bàn. Hơn nữa, hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP cũng có tính chất tương tự hoạt động này, nhưng không có yêu cầu như vậy.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

>> Hỗ trợ tín dụng ngoại tệ cuối năm

Bên cạnh đó, về điều kiện của tổ chức kinh tế là đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới, Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 6a.1 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định, một trong các điều kiện của tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh. Theo đó, trụ sở chính phải nằm trên địa bàn một tỉnh biên giới và chi nhánh phải nằm cùng trên địa bàn tỉnh đó.

bsdsf

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ những quy định bất cập - Ảnh minh họa

VCCI cho rằng, quy định này là không phù hợp vì sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể: Các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) được cấp phép theo Nghị định 89/2016/NĐ-CP sẽ không thể mở rộng hoạt động; Các đại lý đổi ngoại tệ sẽ không thể mở rộng hoạt động sang địa bàn một tỉnh biên giới khác (chỉ hoạt động tại một tỉnh biên giới).

Trong khi đó, các đại lý được cấp phép này đều đã đáp ứng tất cả các điều kiện về nghiệp vụ để thực hiện hoạt động, đồng thời cũng có năng lực cũng như kinh nghiệm hoạt động.

Chưa kể, với cùng tính chất hoạt động, các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) cũng không chịu các hạn chế tương tự như vậy. Hơn nữa, các đại lý đổi ngoại tệ khác cũng được đặt địa điểm ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế (đường bộ).

“Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI góp ý.

Không chỉ có vậy, Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 6a.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định một trong các điều kiện để gia hạn giấy chứng nhận hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới là không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động đại lý đổi tiền. Theo VCCI, quy định này là không hợp lý bởi:

Về sự trùng lặp: Khi vi phạm hành chính, các doanh nghiệp đã phải chịu các chế tài tuỳ theo mức độ. Việc không gia hạn, về bản chất, sẽ tiếp tục bổ sung thêm một biện pháp trừng phạt cho hành vi đó của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp lại chịu hai lần chế tài khác nhau cho cùng một hành vi vi phạm hành chính.

Về không tương xứng về mức độ: các lỗi vi phạm hành chính rất đa dạng về mức độ và phạm vi. Nếu chỉ vi phạm một lỗi nhẹ mà không được tiếp tục hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và khả năng thu hồi khoản đầu tư.

Hơn nữa, trong trường hợp hành vi vi phạm nghiêm trọng, cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp mà không cần chờ đến lúc giấy phép hết hạn mới không cấp phép tiếp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Ngoài những quy định đã nêu, liên quan đến Dự thảo này, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định khác về: Các trường hợp cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; Hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới;…

Có thể bạn quan tâm

  • Mua bán ngoại tệ online nhanh chóng dễ dàng với ứng dụng Ngân hàng số

    Mua bán ngoại tệ online nhanh chóng dễ dàng với ứng dụng Ngân hàng số

    10:52, 18/11/2021

  • Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ?

    Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ?

    11:00, 19/06/2021

  • NHNN thay đổi cơ chế giao dịch ngoại tệ hàm ý điều gì?

    NHNN thay đổi cơ chế giao dịch ngoại tệ hàm ý điều gì?

    10:21, 05/01/2021

  • Doanh nghiệp bớt căng chi phí mua ngoại tệ

    Doanh nghiệp bớt căng chi phí mua ngoại tệ

    11:30, 04/12/2020

  • Chưa nên siết thêm tín dụng ngoại tệ

    Chưa nên siết thêm tín dụng ngoại tệ

    06:00, 17/09/2020

ANH KHÔI